Do diễn biến dịch bệnh, xe cộ khó khăn trong việc lưu thông, nông sản không tìm được lối ra vì thương lái ngừng thu mua khiến nông dân nguy cơ rơi vào cảnh "trắng tay". Hàng trăm hecta rau màu vào kỳ thu hoạch, bán ra với giá “rẻ như cho” nhưng cũng bị bỏ thối trên đồng.
Bán không được, ăn không hết, cho không ai lấy, thậm chí trâu bò cũng không ăn…, đây là thực trạng đang diễn ra tại huyện Diễn Châu (Nghệ An).
Trước tình hình trên, Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên Nghệ An đã kết nối, hỗ trợ nhập nông sản, sau đó chuyển lên địa điểm tiêu thụ tại TP Vinh nhằm mang đến các sản phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng từ nông sản của vùng chuyên canh rau màu Diễn Châu.
|
Các tình nguyện viên tích cực tập kết nông sản để vẩn chuyện đến điểm giải cứu |
Theo chia sẻ của các tình nguyện viên, hơn 5 tấn nông sản được chuyển từ Diễn Châu về TP Vinh thông qua một kho bảo quản, sau đó được chuyển ra điểm bán. Hoạt động này sẽ kéo dài đến khi hết hàng.
|
Nông sản tại đây đều là các sản phẩm an toàn, chất lượng cao |
Rất nhiều tình nguyện viên tham gia vào các khâu vận chuyển, đóng gói, bán hàng. Trong ngày đầu tiên, hơn 3 tấn bắp cải đã được bán trực tiếp cho người dân với mức giá 5.000 đồng/2 bắp, rẻ hơn giá thông thường 50 - 70%.
"Chúng tôi luôn đề cao tinh thần hỗ trợ, chung tay với người nông dân trong việc tiêu thụ nông sản, đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay. Anh em trong trung tâm cũng nói với nhau là không màng đến tiền bạc, trăn trở lớn nhất là mong sớm có phương án để nông sản tìm được đầu ra", anh Nguyễn Kim Hoàng, Cán bộ Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên cho hay
Mỗi người dân đến các điểm bán đều mua từ 4 bắp đến hàng chục bắp cải. Họ không chỉ mua về để ăn mà còn để biếu, làm quà cho người thân. Từ sinh viên, đến các bác cao tuổi, những chị lao công, hay những người có mức thu nhập khá hơn, ai nấy đều vui vẻ, mua giúp cho bà con.
|
Bắp cải được bán ra với giá rẻ hơn thông thường |
Bà Hoàng Hà (trú tại phường Trường Thi, TP Vinh) cho biết: “Tôi đến đây mua bắp cải tuy giá rẻ nhưng rất chất lượng. Đây không chỉ là hành động giúp bà con nông dân mà còn là sự đoàn kết, chung tay để vượt qua giai đoạn khó khăn này”.
Các tình nguyện viên cũng tích cực kêu gọi bán online và tìm đầu ra ổn định hơn cho bà con nông dân.