Chứng thực chữ ký trong giấy bán, cho, tặng xe

(PLVN) - Giấy bán, cho tặng xe có thuộc trường hợp không được chứng thực chữ ký hay không? Việc chứng thực chữ ký được thực hiện tại Phòng Tư pháp hay UBND cấp xã? Trả lời của Bộ Tư pháp cho công dân về vấn đề này cũng sẽ giải đáp quan tâm của nhiều người.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Gửi câu hỏi đến Bộ Tư pháp, bà Đặng Thị Mai cho hay, theo quy định tại khoản 4 Điều 25 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch thì giấy tờ, văn bản có nội dung là hợp đồng, giao dịch thì không được chứng thực chữ ký. “Vậy giấy bán, cho tặng xe có thuộc trường hợp không được chứng thực chữ ký hay không?” – bà Mai hỏi.

Hơn nữa, theo Thông tư số 15/2014/TT-BCA thì giấy bán cho tặng xe phải được công chứng hoặc chứng thực tại UBND xã với chữ ký của người bán. Theo quy định của Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì cả UBND xã và Phòng Tư pháp đều có thẩm quyền chứng thực chữ ký trong giấy tờ văn bản. Như vậy, có phải cả Phòng Tư pháp và UBND xã đều chứng thực chữ ký được hay không?

Trả lời bà Đặng Thị Mai, Bộ Tư pháp cho biết: Khoản 4 Điều 25 Nghị định số 23/2015/2015 quy định những giấy tờ không được chứng thực chữ ký bao gồm: “Giấy tờ, văn bản có nội dung là hợp đồng, giao dịch, trừ các trường hợp quy định tại điểm d khoản 4 Điều 24 của Nghị định này hoặc trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Điều 121 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.

Điều 388 Bộ luật Dân sự quy định: “Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.

Căn cứ theo các quy định trên thì Giấy bán xe, tặng cho xe là loại văn bản có nội dung là hợp đồng bởi trong văn bản có sự thỏa thuận về việc xác lập, thay đổi và chấm dứt quyền sở hữu của chiếc xe. Do đó, loại giấy tờ này không được chứng thực theo quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP.

Về thẩm quyền chứng thực chữ ký, điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định: “Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Phòng Tư pháp) có thẩm quyền và trách nhiệm:... b) Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản”.

Điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP  quy định: “Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) có thẩm quyền và trách nhiệm:...

b) Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản, trừ việc chứng thực chữ ký người dịch”.

Căn cứ theo các quy định trên thì Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và UBND cấp xã có quyền chứng thực chữ ký. Tuy nhiên, UBND cấp xã không có thẩm quyền chứng thực chữ ký người dịch.

Đọc thêm