Chứng tích về một thời hào hùng của quân và dân Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - 50 năm trước ở Hà Nội, dân quân các địa phương không chỉ diệt máy bay Mỹ bằng bóng khinh khí, mà còn bắt sống “giặc lái” Mỹ, góp phần vào Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”. 50 năm đã trôi qua nhưng chứng tích về một thời hào hùng của quân và dân Thủ đô vẫn vẹn nguyên.

Diệt máy bay Mỹ bằng bóng khinh khí

Bảo tàng Chiến thắng B-52 hiện đang trưng bày một bức tranh độc đáo. Đó là tranh đen trắng vẽ cảnh du kích xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức thả bóng khinh khí hạ máy bay RF.101 của không quân Mỹ ngày 4/11/1966. Làm thế nào những quả bóng khinh khí trông như những khinh khí cầu hạng nhỏ bay lơ lửng trên trời lại có thể hạ được máy bay địch?

Khi máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc, để tránh radar của ta phát hiện, chúng chuyển bay đêm và bay thấp, có lúc cách mặt nước sông Hồng chỉ 50m rồi bất ngờ nâng độ cao thả bom. Như thế radar của ta không thể phát hiện được và các loại pháo cũng không thể chống trả. Trước tình hình đó, một số đơn vị của Lữ đoàn Dù 305 đã sáng tạo phương thức đánh máy bay địch bằng bóng khinh khí.

Đại tá Dương Tuấn Kiệt, Đội trưởng Đội khinh khí cầu của Lữ đoàn đã áp dụng kinh nghiệm của Liên Xô khi dùng khinh khí cầu đánh máy bay bay thấp của phát xít Đức để không quân và pháo cao xạ tiêu diệt, đề xuất dùng áo mưa nilon loại dày để sản xuất bóng khinh khí. Bộ Công nghiệp nhẹ được giao nhiệm vụ sản xuất gấp hàng loạt loại bóng đặc biệt này. Quả lớn nhất có đường kính hơn 1 sải tay, có khả năng kéo được 4kg trên không. Ông Kiệt còn tính toán để bóng có thể lên cao 400m, đoạn dưới kéo bằng dây cước, đoạn trên bằng dây thép để máy bay vướng vào nhất định bị rơi.

Sau 3 tháng đi vào hoạt động, trận địa bóng khinh khí đã được triển khai ở các nơi máy bay Mỹ bay thấp như cửa sông, cửa biển hoặc chặn ngay từ những hướng đánh vào Hải Phòng, Uông Bí… Mỗi bãi thả 200 -300 quả bóng màu xanh da trời để địch không phát hiện. 2 xe điều chế khí hydro được chế tạo để chuyên bơm bóng. Dân quân địa phương, chủ yếu là nữ được huy động phối hợp với bộ đội dù thực hiện nhiệm vụ này. Tuy vất vả nhưng hiệu quả, tháng 1/1967, một máy bay địch vướng dây thép neo bóng rơi ở Bát Tràng, phi công Mỹ không kịp nhảy dù.

Tranh du kích xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức thả bóng khinh khí hạ máy bay RF.101 của không quân Mỹ.

Tranh du kích xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức thả bóng khinh khí hạ máy bay RF.101 của không quân Mỹ.

Cán bộ kỹ thuật dù Bùi Duy Trinh của Lữ đoàn còn nghĩ ra cách đánh bằng khinh khí cầu gắn mìn định hướng. Viện Khoa học - Kỹ thuật quân sự có nhiệm vụ chế tạo khinh khí cầu loại nhỏ, còn cán bộ, chiến sĩ công binh dù gấp rút nghiên cứu chế tạo mìn phù hợp để kích nổ ở độ cao 1.000m, các mảnh vỡ mìn văng cao lên thêm 700m. Bằng cách này ta đã hạ 3 máy bay địch và nhiều tốp, các máy bay khác khi phát hiện lưới khinh khí cầu đã quay đầu vì nếu liều lĩnh chui vào có thể vướng mìn, còn nâng tầm thì gặp tên lửa và pháo cao xạ của ta.

Đặc biệt, ngày 4/11/1966 bằng chiến thuật phục kích “lưới trời” kết hợp bóng khinh khí, dân quân xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức đã thiêu cháy chiếc máy bay RF.101 và được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai.

Quân dân Phù Nỗ bắt sống “giặc lái” Mỹ

Đúng 20 giờ 30 phút ngày 18/12/1972, một tốp máy bay Mỹ, trong đó có “Pháo đài bay” B-52 đã rải bom xuống cánh đồng Liên Lý và khu vực dân cư xóm mới, thôn Đoài thuộc địa bàn xã, làm cháy một ngôi nhà, chết một người. Khi có báo động từ xa, mặc cho máy bay địch vẫn gầm rú trên bầu trời, lực lượng chiến đấu của Phù Lỗ trên các địa bàn nhanh chóng vào vị trí chiến đấu. Các tổ liên lạc khẩn trương làm nhiệm vụ ngay từ phút đầu. Việc giải quyết hậu quả nhanh chóng được thực hiện. Mặc cho những quả bom còn lại chưa nổ, nhân dân xóm Mới dũng cảm vượt lên khỏi hầm để dập tắt ngọn lửa cứu người.

Ông Phan Đình Dục, Trung đội trưởng dân quân, 1 trong 5 dân quân đã lập chiến công bắt sống phi công lái chiếc B-52 bị bắn rơi ngày ấy nhớ lại, đúng 20 giờ 13 phút tối 18/12 năm đó, cả một vùng trời Sóc Sơn sáng rực như ban ngày. Người dân thôn Đường Hai cứ ngỡ như cả bầu trời cháy rụi và đổ ập ngang trên đầu, ai nấy vội vã trốn xuống hầm tránh bom.

Sau này được biết, đúng 20 giờ 13 phút tối 18/12/1972, “Rồng lửa Thăng Long” của Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 261, Sư đoàn Phòng không Hà Nội đã bắn rơi tại chỗ một máy bay chiến lược B-52 của Mỹ, lập chiến công đầu ngay trong ngày đầu tiên của Chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử cuối năm 1972, góp phần cùng quân và dân Thủ đô Hà Nội lập nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Xác B-52 tại Bảo tàng Chiến thắng B-52.

Xác B-52 tại Bảo tàng Chiến thắng B-52.

Bằng kinh nghiệm chiến trường, ông Dục hô to: “Máy bay giặc cháy rồi, bị hạ rồi anh em ơi!”. Tiếng reo vui lan tỏa khắp làng, già trẻ, gái trai quên hết nguy hiểm, kéo nhau ra xem “pháo đài bay” phơi xác trên cánh đồng Chuôm ven làng.

“Nhìn thấy dù rơi nhưng mất cả đêm truy lùng, đến 8 giờ sáng hôm sau, chúng tôi mới phát hiện ra phi công Mỹ đang nằm nấp trong đám ruộng cày vỡ. Nó phát hiện ra chúng tôi trước và giơ tay hàng luôn. “Thằng” này là người da trắng, sau biết cấp bậc là Thiếu tá, còn viên phi công da đen đã tử vong. Sau gia đình phi công xấu số đã sang đưa xác mang về quê hương”, ông Dục cho biết.

Dân làng hân hoan với chiến công bắt sống được giặc lái B-52 và vũ khí của hắn. Còn viên Thiếu tá phi công bị bắt sống hôm đó, sau này dân làng được nghe cấp trên thông báo là nằm trong những tù binh được trao trả đợt đầu tiên tại sân bay Gia Lâm khi Hiệp định Paris được ký kết.

Chiến tranh đã lùi xa, những vết thương chiến tranh dần lành lại, nhưng sự kiện chiếc máy bay B-52 của giặc Mỹ bị quật ngã trên bầu trời Hà Nội và chôn xác trên đất Phù Lỗ vẫn còn vang mãi như một bản anh hùng ca, là niềm tự hào, cổ vũ, khích lệ các thế hệ quân và dân Phù Lỗ trong các thời kỳ cách mạng.

Chứng tích lịch sử về một thời hào hùng của quân dân Thủ đô

Ngày 17/12/1972, Tổng thống Mỹ Nixon chính thức ra lệnh tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược vào miền Bắc nước ta với tên gọi chiến dịch “Linebacker II”. Trong chiến dịch này, Mỹ đã dùng hàng loạt máy bay B-52 ném bom xuống miền Bắc suốt 12 ngày đêm, từ 18/12 đến 30/12/1972. Phía ta gọi đây là chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Máy bay B-52 là loại máy bay ném bom chiến lược hạng nặng, được mệnh danh là “Pháo đài bay”. Loại máy bay chiến đấu này nổi tiếng với uy lực ném bom rải thảm và có sức tàn phá ghê gớm.

Trong Chiến dịch 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, bằng trí tuệ, sự thông minh, sáng tạo và lòng quả cảm, quân và dân ta đã bắn rơi 34 “pháo đài bay” B-52 của không lực Hoa Kỳ, trong đó có 16 chiếc rơi tại chỗ. Chiếc B-52 bị bắn hạ ngày 27/12, xác rơi xuống hồ Hữu Tiệp, làng Ngọc Hà, phường Ngọc Hà là chứng tích lịch sử về một thời hào hùng của quân dân Thủ đô.

Phần thân “pháo đài bay” B-52 rơi xuống hồ Hữu Tiệp.Phần thân “pháo đài bay” B-52 rơi xuống hồ Hữu Tiệp.

Ông Phạm Đình Chính (90 tuổi) từng là dân quân tham gia chiến đấu bảo vệ làng Ngọc Hà. Nhớ về đêm B-52 đền tội ác, xác rơi tại hồ Hữu Tiệp, ông chậm rãi kể: “Tôi còn nhớ rất rõ, đêm ấy, chiếc B-52 bị bắn trúng đỏ rực một vùng trời. Vầng sáng phát ra như quả cầu lửa từ trên trời rơi xuống lòng hồ. Nước trong hồ trào ra nóng bỏng tay. Khi máy bay không còn quần thảo, gào rú trên bầu trời, bà con mới xúm lại xem “pháo đài bay” của đế quốc Mỹ hình thù như thế nào, phơi xác ra sao. Chưa bao giờ người dân làng Ngọc Hà lại vui như vậy, cả đêm thức trắng. Ngày hôm sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm các lực lượng khắc phục hậu quả, đồng thời động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân làng Ngọc Hà tiếp tục giữ vững tinh thần chiến đấu”.

Chiếc máy bay B-52 rơi xuống hồ Hữu Tiệp bị Trung đoàn Tên lửa 285 Phòng không bắn hạ vào đêm 27/12/1972. Nó bị phân ra làm 3 phần, rơi ở ba vị trí khác nhau.

Phần thân rơi xuống hồ Hữu Tiệp chính là chứng tích hào hùng trong lịch sử đấu tranh bảo vệ bầu trời Thủ đô. Thân vỏ máy bay gần 50 năm nằm trong lòng hồ, không có dấu hiệu bị hoen gỉ. Đặc biệt, đây là chiếc máy bay B-52 bị bắn rơi tại chỗ khi chưa kịp “cắt” bom. Có khoảng 47 quả bom từ xác chiếc máy bay này. Nhiều quả rơi ra ngoài cắm sâu xuống lòng đất hay nằm trên đường làng. Ngay sau đó, bộ đội công binh được cử đến giúp dân tháo gỡ bom mìn, mất một tuần sau mới dọn sạch.

“Pháo đài bay” B-52 của Mỹ bị bộ đội phòng không - không quân Việt Nam bắn rơi xuống hồ Hữu Tiệp là một trong số nhiều máy bay Mỹ sử dụng trong chiến dịch Linebacker II. Vài tuần sau khi kết thúc chiến dịch Linebacker II, Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Hồ Hữu Tiệp đã trở thành nơi lưu giữ chiến công oanh liệt, tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta trong Chiến dịch 12 ngày đêm chiến đấu với không quân Mỹ. Địa danh này đã trở thành di tích lịch sử; khẳng định ý chí quật cường của quân và dân ta, cũng là nơi để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Một phần của máy bay B-52 rơi vào vườn nhà Họa sĩ Lê Thanh. Họa sĩ già kể, khi đó tôi đang là tự vệ của Xưởng phim hoạt họa Trung ương. Đêm 27, sau đợt ném bom thứ 3, còi báo yên chưa kịp cất lên thì một người hàng xóm tình cờ đi ngang qua vị trí trực chiến của đơn vị, báo tin nhà tôi bị cháy vì xác pháo đài bay B-52 rơi trúng.

Từ một bài báo đăng tải nhiều năm trước, khách nước ngoài thỉnh thoảng lại ghé thăm ông. Họ đến để xin được vào chiêm ngưỡng động cơ của chiếc B-52 như một minh chứng của tội ác bị trừng trị.

Đọc thêm