“Chuồng cọp trên cao” - Tập truyện nhiều cảm xúc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhà giáo, nhà văn Nguyễn Thu Hằng vừa được NXB Trẻ in và phát hành tập truyện ngắn “Chuồng cọp trên cao”. Đây cũng là tác phẩm của tác giả 7X duy nhất có mặt trong số 12 tác phẩm được chọn vào chung khảo của Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần VII.

Sống giữa làng quê vùng châu thổ Bắc Bộ, giữa thiên nhiên tươi đẹp và thơ mộng nên đề tài sinh thái cũng là nguồn cảm hứng cho Nguyễn Thu Hằng sáng tác rải rác ở các tác phẩm. Trong “Chuồng cọp trên cao”, thiên nhiên được xây dựng thành chi tiết hình tượng với mật độ khá dày. Truyện ngắn “Chuồng cọp trên cao” dùng làm tên cho tập truyện là câu chuyện của một giò Lan phi điệp - Mây trắng Thượng Ngàn bị nhốt trong chuồng cọp lặng im quan sát, kể chuyện mình bị gả bán vào nhà giàu được sống trong “chuồng cọp” là mơ ước của bao giò lan khác nhưng lại là nơi giam hãm, tù ngục với lan. Lời của nhành lan phi điệp: “Chính anh ấy đã bứt tôi ra khỏi thân cây cổ thụ trong rừng Thượng Ngàn năm nào. Cũng đôi mắt cương nghị ẩn chứa mầm lửa kia đã từng nhiều đêm đứng lặng ngắm tôi dưới trăng. Ánh mắt đắm đuối, bàn tay mơn man nồng nàn kia đã từng làm tôi nôn nao”. Truyện “Chuồng cọp trên cao” thể hiện sự quan sát tinh tường, giàu cảm xúc của tác giả, đặc biệt là cách chăm lan, kể cả lan đột biến.

Truyện “Trâu nước” lại viết về tình yêu và những kỷ niệm của tuổi trẻ. Một thứ tình yêu non nớt, chớm nở trong khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp nhưng cũng đầy ám ảnh. Bãi sông, nghề nuôi trâu, nghề khảm trai hay những buổi chiều màu mật ong đã trở nên lung linh, huyền ảo dưới ngòi bút tinh tế của tác giả. Hình tượng “cánh hoa bay” trong truyện “Cánh hoa bay” là ẩn dụ về số phận ngắn ngủi của một kiếp người – nhân vật Giang đã trầm mình vì bị cha dương xâm hại, rồi trở về thành người kể chuyện mình, làng mình khi cái xấu lấn tới.

Hình tượng bông gạo trắng ngần trong truyện ngắn “Bông gạo trắng ngần” là câu chuyện về bác phó may thương binh chắp vải thừa may con gấu bông nhồi bông gạo tặng bé My, và tiếng đàn của bác ngân lên câu chuyện của làng : “Tưởng như tiếng gió thổi trên đồng chiều, như tiếng sóng vỗ bờ khi trăng lên. Như tiếng bàn chân trần thậm thịnh nện xuống đất thâm lúc trên vai quẩy gánh hàng nặng. Như có tiếng cười con trẻ khi bẻ miếng bánh đa vừng giòn tan. Tiếng xé trái cau của bà lão thắt khăn mỏ quạ, lại nghe tiếng rượu chảy trong chai của cô thôn nữ thắt dây lưng xanh ngồi bán rượu dưới gốc gạo già. Tôi mê mải, mê mải đi chợ trong điệu nhạc Lới lơ. Những kỉ niệm tuổi thơ gắn với cây gạo bên bến sông. Hình tượng “cánh hoa bay” trong truyện “Cánh hoa bay” là ẩn dụ về số phận ngắn ngủi của một kiếp người - nhân vật Giang đã trầm mình vì bị cha dượng xâm hại, rồi trở về thành người kể chuyện mình, làng mình khi cái xấu lấn tới.

Với tập truyện này, tác giả đã cố gắng cách tân, từ cách dựng truyện, cách kể, xây dựng chi tiết hình tượng. Thời gian sáng tạo nghệ thuật ấy quả thực là nhọc nhằn song cũng lại cho chị nhiều năng lượng tái tạo cảm xúc nhất. “Tôi vẫn sống trong cảm xúc thanh xuân cho đến hôm nay. Khi đã tái tạo được cảm xúc thanh xuân thì vốn sống sẽ lại dầy lên theo năm tháng thôi, đâu cứ tuổi trẻ mới có vốn sống tuổi trẻ”, Nguyễn Thu Hằng chia sẻ.

Nhà văn Trần Quốc Toàn, đã nói về tập truyện ngắn của Hằng: “Đứng riêng, mỗi truyện trong “Chuồng cọp trên cao” là một hạt cườm thảo, rời xuống từ bờ rào bờ dậu những ngôi làng Bắc bộ. Nguyễn Thu Hằng khéo xâu chuỗi từng hạt, từng hạt ấy thành một tác phẩm nhất khí, mang chủ đề chung - giấc mơ tuổi 20 hôm nay, từ làng quê Việt Nam trước những thách thức từ thiên nhiên và xã hội”.

Dạy học là ước mơ của Thu Hằng khi còn nhỏ. Giờ được sống giữa bầy trò nhỏ, chị thấy tâm hồn mình vẫn còn trẻ, vẫn mơ mộng trong trẻo như luôn ở tuổi học trò. Chị Hằng tâm sự: “Khi viết về tình yêu tập truyện “Chuồng cọp trên cao”, tôi nghĩ, có thể lúc lớn lên, học trò của sẽ tìm đọc để xem tôi viết về tình yêu như thế nào. Nên tập truyện này đầy thơ mộng, giàu hình ảnh và chi tiết hình tượng”.