Nghề chọn người
LS Châu Huy Quang kể, ông SN 1974 tại Huế. Sau khi tốt nghiệp THPT, ông mơ trở thành nhà giáo nên chọn thi vào ĐH Sư phạm TP HCM và ĐH Tổng hợp Đà Lạt chuyên ngành ngoại ngữ. Đồng thời ông cũng đăng ký thi thêm ngành luật và một trường khác như lựa chọn phụ của mình. Khi có kết quả trúng tuyển sinh các trường, chàng trai lại quyết định lên Đà Lạt theo học chuyên ngành ngôn ngữ vì tính toán chi phí ở đây phù hợp với hoàn cảnh anh hơn.
Sau khi theo học tại Đà Lạt một thời gian, chàng sinh viên nhận ra sẽ không “trụ” được ở đây lâu vì xứ sở yên bình này; mà mình lại năng nổ, xông xáo. Chàng trai quyết định quay trở lại Sài Gòn theo học ngành luật và ngân hàng cùng một lúc. Năm sau đó ông thi vào ngành quan hệ quốc tế, bỏ ngành ngân hàng. Khi ra trường, ông nhận 2 tấm bằng cử nhân luật và khoa học chuyên ngành quốc tế.
Tốt nghiệp, chàng trai lại mơ được trở thành một nhà báo hoặc nhà ngoại giao, nên rất hứng khởi khi được tiếp nhận làm chuyên viên tại một cơ quan thuộc Bộ Văn hoá. Công việc ở đây khiến ông nảy ra ý tưởng điều hành một công ty dịch vụ bản quyền, tham gia nghiên cứu tìm hiểu về bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.
Sau khi làm việc 3 năm ở đây, nhận thấy mình cần có một mảng hoạt động rộng hơn, nhất là cần phải có thu nhập tốt hơn để có điều kiện theo nghề luật lâu dài, ông xin chuyển qua phụ trách bộ phận pháp chế và đối ngoại của một tập đoàn nước ngoài.
Thời điểm này Việt Nam vừa mở cửa cho các đầu tư nước ngoài, luật sư nội bộ cho DN là nghề mới mẻ. Khi có cơ hội làm việc, tiếp xúc với nhà đầu tư nước ngoài, ông thấy nghề LS là rất thiết yếu, các nhà đầu tư rất cần. Ông quyết tâm chuyên nghiệp hoá nghề gắn với cuộc đời mình. Khi tương đối ổn định công việc, ông tiếp tục học tại Anh với chương trình Cao học luật thương mại quốc tế. Hơn 10 năm sau khi tốt nghiệp cao học ở Anh, đầu 2019, ông hoàn thành học vị tiến sĩ luật ở Hoa Kỳ, chuyên ngành giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.
Việc phát triển đội ngũ LS thương mại rất quan trọng:
Theo LS Quang, trong bối cảnh hội nhập, việc hình thành phát triển đội ngũ LS thương mại rất quan trọng. Trong đó, vai trò của Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư ở địa phương đã tạo ra hành lang pháp lý ổn định cho đội ngũ luật sư nói chung, luật sư thương mại phát triển nói riêng.
Từ một luật sư nội bộ, ông chính thức chuyển ra hành nghề luật sư chuyên nghiệp, làm việc cho một số hãng luật trong và ngoài nước, trước khi tham gia lập hãng luật liên doanh AGZI LCT từ 2008 (một liên danh với Allen & Gledhill), đồng sáng lập và điều hành hãng luật Rajah & Tann LCT (tiền thân LCT Lawyers từ 2006), hiện là thành viên của R&T Asia, liên minh luật lớn bậc nhất Đông Nam Á.
Với hơn 25 năm hành nghề luật và hơn 14 năm làm trọng tài viên thương mại, LS Quang chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư mua bán sáp nhập, giải quyết tranh chấp thương mại – đầu tư quốc tế, xây dựng và thuế quan. Ông cũng là trọng tài uy tín ở Việt Nam, từng tham gia hội đồng trọng tài phân xử trực tiếp hơn 65 vụ việc với tư cách trọng tài được chỉ định của VIAC - Trung tâm trọng tài thương mại lớn nhất của Việt Nam với hơn 150 trọng tài viên.
Nỗ lực không ngừng nghỉ
Theo đánh giá của LS Quang, Việt Nam là một trong những nước đang phát triển đã sớm mở cửa thị trường pháp lý cho LS nước ngoài. Những hãng luật quốc tế lớn đã có mặt tại Việt Nam kể từ đầu những năm 1994 như Baker & McKenzie, Clifford Chance, Allens, Freshfields, sau này là Kim & Chang, TMI, Allen Overy... Chính đặc điểm này đã tạo ra một môi trường có tính chuyên nghiệp và cạnh tranh cao, mang đến nhiều cơ hội cọ sát cho đội ngũ LS Việt Nam học hỏi và hoàn thiện nghề.
LS Quang đánh giá, quy mô và chất lượng của đội ngũ LS Việt Nam so với đồng nghiệp nước ngoài vẫn còn một khoảng cách khá lớn, đặc biệt là rào cản về khả năng sử dụng ngoại ngữ. Trong những năm gần đây, với sự bổ sung của những thế hệ LS trẻ năng động, đặc biệt là những người được đào tạo, tu nghiệp bài bản từ nước ngoài trở về Việt Nam hành nghề, đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý.
“Bản thân mỗi LS cần phải trang bị, càng sớm, càng nhiều, càng tốt những yếu tố căn bản của nghề LS, trong đó bao gồm: Kiến thức pháp lý, kỹ năng nghề (chẳng hạn như kỹ năng tham gia tranh biện trong một phiên xử tranh chấp quốc tế), kết hợp với kỹ năng làm việc nhóm và khả năng làm việc độc lập. Ngoài ra, nền tảng cốt lõi của mỗi LS còn nằm ở đạo đức nghề nghiệp, thái độ ứng xử đối với nghề. Trong đó tiêu chí lấy “pháp quyền làm trọng” hay tinh thần “thượng tôn pháp luật” không chỉ cần thiết với mỗi LS mà nó còn là yếu tố cơ bản tạo nên chuẩn mực cho mô hình xã hội hiện đại”, ông Quang nói.
Luật sư Quang còn là một diễn giả, một cây bút đã ra nhiều đầu sách. |
Với những nỗ lực không ngừng trong nghề, vừa qua, LS Huy Quang đã được Thomson Reuters/Asia Legal Business (ALB) bình chọn là luật sư Việt Nam đầu tiên thuộc “Top 50 siêu Luật sư” (ALB Super Disputes Lawyers) trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp thương mại của khu vực châu Á.
Việc lần đầu tiên một LS Việt Nam đạt được danh hiệu này đã thể hiện một bước tiến quan trọng với mảng hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại của hãng luật Rajah & Tann LCT, đồng thời LS Việt Nam ngày càng nhận được sự chú ý và công nhận quốc tế.
Chia sẻ về vấn đề này, LS Quang nói: “Top 50” là kết quả của cả một quá trình nhiều năm hành nghề với tư cách LS cũng như trọng tài thương mại. Trong nhiều năm liền, R&T LCT vinh dự khi được xếp hạng là hãng luật thương mại hàng đầu ở Việt Nam trong nhiều mảng dịch vụ tư vấn, giải quyết tranh chấp thương mại; liên tiếp được xếp hạng cao cho các giải thưởng của Chambers Global, Chambers Asia Pacific, The Legal 500 Asia Pacific, Asialaw Profiles và Asian Legal Business cũng như giải thưởng Môi trường hành nghề luật tốt được cộng sự lựa chọn”.
Từ ngày 1/7/2021, LS Quang cũng chính thức được bổ nhiệm là Thành viên Toà án của Toà án Trọng tài Quốc tế ICC (chế định trọng tài quốc tế lớn nhất hiện nay với 195 thành viên, 121 quốc gia) tại Việt Nam cho nhiệm kỳ 3 năm tới. Với vai trò này, LS Quang cũng là một trọng tài viên, kỳ vọng sẽ trở thành cầu nối cho LS, trọng tài thương mại Việt Nam cũng như DN Việt có cơ hội giao lưu, cọ xát, sử dụng sâu rộng hơn dịch vụ trọng tài và hoà giải thương mại với đội ngũ trọng tài quốc tế và ngược lại.
LS Quang khiêm nhường cho rằng sự đóng góp của mình không đáng kể so với nhiều đồng nghiệp khác và: “Tôi luôn tin rằng việc bản thân lựa chọn mô hình phát triển thành LS thương mại quốc tế, đồng hành cùng đất nước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực, là một phần trách nhiệm của giới LS Việt Nam”.
Diễn giả nổi tiếng, cây bút sắc sảo:
LS Quang là diễn giả của nhiều diễn đàn pháp lý trong nước và quốc tế, đồng thời là trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; giảng sư ở một số trường luật như ĐH Luật Dong-A (Busan, Hàn Quốc), ĐH Luật Kobe (Nhật Bản), ĐH Golden Gate (San Francisco, Hoa Kỳ). Ông cũng có nhiều bài viết đăng tải trên các ấn phẩm chuyên ngành bình luận về pháp luật Việt Nam; là tác giả của nhiều bài báo trên các báo, tạp chí trong và ngoài nước.
Luật sư Quang nhiều năm liên tục được nhiều viện, định chế pháp luật quốc tế bình chọn, vinh danh. |
LS Quang cũng đã xuất bản, phát hành 3 cuốn sách: “Cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư – trong bối cảnh cải cách tư pháp và môi trường đầu tư ở Việt Nam”; “Các cơ chế trọng tài đầu tư quốc tế” (đồng tác giả); “Luật quốc tế và những vấn đề thực tại ở Việt Nam” (đồng tác giả).
LS Quang nhiều năm được Tạp chí, Viện Luật quốc tế xếp hạng LS hàng đầu như Asia Legal Business, The Legal 500, Chambers & Partners, IFLR 1000 cho hạng mục Giải quyết tranh chấp thương mại.
Năm 2021, LS Quang được Benchmark Litigation Asia Pacific bình chọn là “LS xuất sắc nhất năm” của Việt Nam; LS Việt Nam đầu tiên được Thomson Reuters trao danh sách “ALB Super 50 Tranh chấp” cho mảng giải quyết tranh chấp thương mại. Trước đó tháng 5/2018 ông cũng là LS Việt Nam đầu tiên được Asian Legal Business SE Asia trao Giải thưởng “LS điều hành xuất sắc khu vực”.