Chương trình điều trị nghiện bằng thuốc Methadone: Nên mở rộng cấp phát thuốc nhiều ngày

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đó là mong muốn, đề xuất của các chuyên gia y tế, nhà quản lý sau khi kết quả thí điểm mô hình này tại một số địa bàn trên cả nước được công bố.
PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS.
PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS.

An toàn, khả thi và hiệu quả

Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được triển khai tại Việt Nam từ năm 2008, chương trình hiện đang điều trị cho hơn 51.000 bệnh nhân (BN). Sau 14 năm triển khai điều trị Methadone, chương trình đã khẳng định được tính ưu việt trong việc: Góp phần cải thiện sức khỏe người bệnh; Giảm lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu, nâng cao thể lực, phục hồi về thể chất và tâm thần, cải thiện về an ninh, trật tự xã hội, đem lại hiệu quả về kinh tế cho BN, gia đình và cộng đồng; Phát triển kinh tế của gia đình, giảm chi phí của xã hội cho các vấn đề về pháp lý và y tế dành cho người nghiện…

Tuy nhiên, do đây là biện pháp điều trị lâu dài, hàng ngày BN phải đến uống thuốc tại cơ sở y tế nên việc triển khai điều trị Methadone cũng bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, nhất là với BN. Điều này dẫn đến việc tuân thủ điều trị còn hạn chế và tỷ lệ bỏ cuộc còn cao. Nguyên nhân bỏ chính là do BN không đủ kiên trì để tiếp tục điều trị khi phải đến cơ sở y tế uống thuốc hàng ngày trong một thời gian liên tục nhiều năm. Ngoài ra, do đặc thù công việc của BN (lái xe, ngư dân...) phải đi làm việc xa nhà thường xuyên nên không thể đến uống thuốc hàng ngày.

Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai cấp phát thuốc Methadone về nhà điều trị và đem lại hiệu quả rất tích cực. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã triển khai Đề án thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho BN điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện từ tháng 4/2021 tại 3 tỉnh Điện Biên, Lai Châu và Hải Phòng. Năm 2022, Bộ Y tế tiếp tục mở rộng thêm tại 3 tỉnh mới là Nghệ An, Lào Cai và Bắc Giang. Tính đến nay, đã có hơn 3.000 BN được nhận thuốc Methadone cấp nhiều ngày.

Cũng theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, báo cáo độc lập của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Y Hà Nội; Báo cáo của UBND và Sở Y tế 6 tỉnh đã tổng kết về 2 năm thực hiện đề án thí điểm đều khẳng định: Việc triển khai cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho BN là an toàn, khả thi và rất hiệu quả. Do đó UBND và Sở Y tế các tỉnh, thành phố triển khai đề án thí điểm đều đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ để tiếp tục và mở rộng việc cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày trong thời gian tới.

Tiếp tục nhân rộng

Phân tích cụ thể hơn về những lợi ích thực tế của mô hình này, bà Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho hay, thứ nhất, việc cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho BN là an toàn, bởi trong suốt thời gian triển khai thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày chưa phát hiện tình huống ngộ độc thuốc Methadone do uống nhầm ở những BN được cấp thuốc nhiều ngày. Bệnh nhân còn được tư vấn kỹ, cảnh báo nguy cơ khi được mang thuốc về nhà, bảo quản, sử dụng thuốc…

Thứ hai, việc cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho BN mang về là rất hiệu quả. Thực tế, tất cả BN và người nhà đều hài lòng về chương trình vì mang lại nhiều lợi ích cho bản thân BN, cho gia đình và BN yên tâm điều trị lâu dài. Việc cấp thuốc Methadone nhiều ngày đặc biệt phù hợp với các BN, nhất là những BN sống cách xa cơ sở điều trị, BN ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Không chỉ vậy, BN được cấp thuốc nhiều ngày có công việc làm ổn định, người bệnh chủ động trong công việc, tuân thủ điều trị tốt hơn vì không phải bố trí thời gian đến uống thuốc trong giờ hành chính, có thời gian chăm lo cho gia đình nhiều hơn, góp phần giúp gia đình thêm thuận hòa, kinh tế ổn định, gia đình hỗ trợ kiểm soát BN uống thuốc hàng ngày. Việc cấp thuốc mang về cũng là phần thưởng cho BN, động viên BN tuân thủ điều trị tốt hơn, đồng thời khích lệ các BN khác cố gắng tuân thủ điều trị để được mang thuốc về.

“Việc cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho BN cũng mang tính khả thi rất cao khi cán bộ y tế chủ động được trong việc đặt lịch hẹn BN đến nhận thuốc và khám theo đúng thời gian quy định, từ đó việc khám, cấp phát thuốc cho BN không bị dồn dập vào thời gian đầu giờ buổi sáng từ đó có thể giảm áp lực cho cơ sở điều trị và BN phải chờ đợi uống thuốc vào đầu giờ sáng hàng ngày như phương thức cũ” - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS khẳng định.

Vì các lý do trên, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS mong muốn các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về tài chính và kỹ thuật để triển khai, không chỉ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, mà bao gồm cả các sáng kiến như: Phần mềm quản lý BN; Các kinh nghiệm quốc tế về cấp phát thuốc nhiều ngày, cả các can thiệp với các ma túy khác nhất là ma túy tổng hợp. Đây là lĩnh vực Việt Nam còn ít kinh nghiệm trong khi xu hướng người sử dụng và người nghiện không ngừng tăng lên.

Tán thành quan điểm này, bà Nguyễn Thị Liên Hương – Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo và giao Cục Phòng, chống HIV/AIDS làm đầu mối rà soát tính pháp lý và phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho các cấp có thẩm quyền xây dựng và ban hành các văn bản pháp lý và hướng chuyên môn kỹ thuật, bao gồm cả tính toán chi phí việc cấp thuốc nhiều ngày để mở rộng việc cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày ra toàn quốc.

Với 6 tỉnh/thành phố (Điện Biên, Lai Châu, Hải Phòng, Bắc Giang, Lào Cai và Nghệ An), trong quá trình Cục Phòng, chống HIV/AIDS chuẩn bị các văn bản pháp lý và hướng dẫn chuyên môn, tiếp tục duy trì và mở rộng việc triển khai cấp phát thuốc nhiều ngày ra tất cả các cơ sở điều trị trên địa bàn theo đúng hướng dẫn. Kinh phí duy trì việc triển khai cấp phát thuốc nhiều ngày tại 6 tỉnh/thành phố sử dụng nguồn Dự án Phòng, chống HIV/AIDS do Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS; Vận động kinh phí của các dự án quốc tế tài trợ, kinh phí địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Đọc thêm