Chương trình doanh nghiệp ưu tiên: Cải cách lớn của ngành Hải quan

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chương trình doanh nghiệp ưu tiên là một cải cách lớn của ngành Hải quan trong việc tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp. Khi đạt các điều kiện và được Tổng cục Hải quan công nhận doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp sẽ nhận được nhiều ưu đãi.
Cơ quan hải quan thường xuyên tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình doanh nghiệp ưu tiên. (Ảnh: Đỗ Quang - Thời báo tài chính).
Cơ quan hải quan thường xuyên tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình doanh nghiệp ưu tiên. (Ảnh: Đỗ Quang - Thời báo tài chính).

Chiếm 36% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022

Được triển khai từ năm 2011, đến nay, cả nước có 72 doanh nghiệp (DN) đang được áp dụng chế độ DN ưu tiên trong lĩnh vực hải quan, trong đó có 25 DN Việt Nam. Năm 2022, DN ưu tiên chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong số khoảng 85.000 DN xuất nhập khẩu, nhưng chiếm khoảng 36% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, đạt khoảng 266 tỷ USD. Các lĩnh vực hoạt động của DN ưu tiên khá đa dạng, từ công nghiệp, gia công, chế biến, chế tạo đến nông nghiệp…

Dữ liệu trên cho thấy, DN ưu tiên là những DN tiêu biểu trong hoạt động xuất nhập khẩu, có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu lớn. Tuy vậy, để được công nhận DN ưu tiên, DN phải đáp ứng nhiều điều kiện và trải qua quá trình thẩm định, đánh giá chặt chẽ.

Theo quy định tại Thông tư 72/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, một trong những điều kiện để được công nhận DN ưu tiên liên quan đến kim ngạch xuất nhập khẩu. Cụ thể, các điều kiện liên quan đến kim ngạch gồm DN đạt kim ngạch xuất nhập khẩu từ 100 triệu USD/năm trở lên; DN đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sản xuất tại Việt Nam từ 40 triệu USD/năm trở lên; DN đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa là nông sản, thủy sản, sản xuất hoặc nuôi, trồng tại Việt Nam từ 30 triệu USD/năm trở lên. Đối với đại lý thủ tục hải quan, số tờ khai hải quan đã làm thủ tục hải quan đứng tên đại lý trong năm đạt từ 20.000 tờ khai/năm trở lên.

Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu và tờ khai nêu trên là số liệu bình quân của 2 năm liên tục, gần nhất tính đến ngày DN có văn bản đề nghị xem xét (kim ngạch, tờ khai nêu trên không bao gồm kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu ủy thác). Cơ quan Hải quan không áp dụng điều kiện kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đối với các DN được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận là DN công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao.

Ngoài điều kiện kim ngạch, DN phải đáp ứng các điều kiện khác: tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế; thủ tục hải quan điện tử, thủ tục thuế điện tử; thanh toán hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; hệ thống kiểm soát nội bộ; chấp hành tốt pháp luật về kế toán, kiểm toán.

Doanh nghiệp cần thực hiện tốt trách nhiệm

Công ty TNHH Hải Vương mới được Tổng cục Hải quan gia hạn doanh nghiệp ưu tiên - Ảnh minh họa Thái Bình.

Công ty TNHH Hải Vương mới được Tổng cục Hải quan gia hạn doanh nghiệp ưu tiên - Ảnh minh họa Thái Bình.

Khi đạt các điều kiện và được Tổng cục Hải quan công nhận DN ưu tiên, DN sẽ nhận được nhiều ưu đãi. Thông tư 72 quy định rõ nguyên tắc áp dụng chế độ ưu tiên gồm: hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của DN ưu tiên hoặc dự án ưu tiên hoặc do đại lý ưu tiên đứng tên trên tờ khai được áp dụng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan quy định tại Thông tư này đối với tất cả các loại hình xuất khẩu, nhập khẩu, ở tất cả các đơn vị hải quan trong toàn quốc.

Bên cạnh các quy định tại Thông tư 72, DN ưu tiên còn được hưởng các ưu tiên khác trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật có liên quan. Các ưu tiên cụ thể mà DN được hưởng như miễn kiểm tra chứng từ, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa; thông quan bằng tờ khai chưa hoàn chỉnh; ưu tiên thứ tự làm thủ tục hải quan; kiểm tra chuyên ngành; thủ tục thuế; thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ; kiểm tra sau thông quan. Những ưu đãi nêu trên góp phần quan trọng vào thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN thông qua việc thông quan hàng hóa nhanh chóng; tạo được uy tín với khách hàng; giảm chi phí…

Để duy trì là DN ưu tiên và được hưởng những ưu đãi lớn trên, DN cũng phải luôn tuân thủ tốt pháp luật. Thời gian qua, nhiều DN tuân thủ nghiêm túc đã được gia hạn ưu tiên như Công ty TNHH Hải Vương (Khánh Hòa), Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam (Bắc Ninh), Công ty TNHH Canon Việt Nam, Công ty TNHH Fujifilm Manufacturing Hải Phòng, Tổng Công ty May 10 (được công nhận DN ưu tiên từ năm 2015)…

Tuy nhiên, sau khi được công nhận vẫn có một số ít DN không tuân thủ tốt các điều kiện mà DN ưu tiên phải thực hiện. Trong 12 năm qua, một số trường hợp đã bị Tổng cục Hải quan đình chỉ áp dụng chế độ DN ưu tiên như Công ty TNHH POSCO VST, Công ty TNHH Saigon Precision, Công ty TNHH Pouchen Việt Nam, Công ty Chế biến XNK thủy sản Âu Vững I, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil)… Nguyên nhân các DN bị đình chỉ do không tuân thủ tốt pháp luật hoặc không còn đáp ứng điều kiện tham gia chương trình...

Việc bị đình chỉ chế độ DN ưu tiên sẽ khiến các DN mất đi nhiều ưu đãi lớn từ cơ quan Hải quan như đã đề cập, đồng thời ảnh hưởng đến uy tín của DN với đối tác, đặc biệt trong bối cảnh Hải quan Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về DN ưu tiên với Hải quan các nước ASEAN và đang tiếp tục đàm phán để ký kết thỏa thuận với một số đối tác thương mại lớn khác. Từ đó, cơ quan Hải quan khuyến cáo, khi đã được công nhận DN ưu tiên, DN cũng phải luôn có ý thức tuân thủ tốt pháp luật, đặc biệt là thực hiện tốt trách nhiệm của DN ưu tiên được quy định tại Điều 26 Thông tư 72/2015/TT-BTC (được bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Thông tư số 07/2019/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 28/3/2019).

Đọc thêm