18 tháng: quá gấp!
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, Đoàn công tác liên bộ do Thứ trưởng Bộ này - ông Vũ Văn Tám làm Trưởng đoàn vừa sang Mỹ để làm việc với Bộ Nông nghiệp (USDA), Cơ quan đại diện thương mại (USTR), cố vấn cấp cao của các nghị sỹ thuộc Thượng viện và Hạ viện, các tổ chức và cá nhân liên quan của Mỹ; đồng thời lập nhóm kỹ thuật để thảo luận chi tiết và làm rõ những vấn đề còn khác biệt trong cách hiểu, áp dụng và công tác chuẩn bị của Việt Nam để đáp ứng các yêu cầu mới trong Bộ quy định cuối cùng để Mỹ cấp chứng nhận tương đương.
Phía Việt Nam bày tỏ quan điểm về việc áp dụng Bộ quy định cuối cùng có thể gây gián đoạn thương mại và làm ảnh hưởng tới đời sống và việc làm của hàng triệu nông dân, nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu của Việt Nam, các doanh nghiệp nhập khẩu và người tiêu dùng Mỹ, đồng thời có thể làm ảnh hưởng tới quan hệ thương mại nông sản hai chiều giữa hai nước;
Đồng thời đề nghị Mỹ hỗ trợ kỹ thuật và tạo điều kiện để Việt Nam đáp ứng các yêu cầu do Bộ quy định cuối cùng đề ra và đề nghị kéo dài thời gian chuyển đổi vì điều kiện sản xuất và trình độ phát triển có sự khác biệt giữa Việt Nam và Mỹ nên việc thực hiện Bộ quy định này với thời gian chuyển đổi 18 tháng là rất khó với Việt Nam, có thể gây gián đoạn thương mại cá tra, cá ba sa từ Việt Nam sang thị trường Mỹ với kim ngạch hiện tại trung bình khoảng 340 triệu USD/năm, làm ảnh hưởng tới hàng triệu nông dân nuôi cá và các doanh nghiệp xuất khẩu.
Trước đó, như PLVN đã thông tin, theo chương trình giám sát cá da trơn đối với cá tra từ Việt Nam mà phía Mỹ mới đưa ra, đến tháng 9/2017, nếu các nước không nộp danh sách doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ và các chứng minh về chương trình an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia theo yêu cầu của Cục Thanh tra và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) thì sẽ không được tiếp tục xuất khẩu.
Mặc dù phía bạn có nói những nước nộp đầy đủ hồ sơ đúng hạn 18 tháng sẽ được tiếp tục xuất khẩu vào Mỹ, tuy nhiên, từ trước tới nay việc xem xét cấp Tiêu chuẩn tương đồng cho các nước được phép xuất khẩu mặt hàng thịt, thịt lợn và thịt gia cầm vào Mỹ, FSIS phải mất ít nhất trung bình 8 năm xem xét. Nhưng với sản phẩm cá, thời gian chuyển đổi này lại quá ngắn - 18 tháng.
Không lùi sẽ khởi kiện?
Phía Việt Nam cho rằng các quy định thanh tra cá da trơn của Mỹ mới ban hành không phù hợp với quy định của Codex về sản xuất và chế biến thủy sản, không cần thiết đối với sản phẩm cá tra, cá ba sa của Việt Nam đã có mặt tại thị trường Mỹ gần 20 năm, được người tiêu dùng Mỹ tin tưởng và không có rủi ro về an toàn thực phẩm.
“Đây có thể coi là rào cản thương mại nhằm hạn chế xuất khẩu cá tra, cá ba sa của Việt Nam vào thị trường Mỹ và vi phạm các quy định của WTO và các cam kết trong Hiệp định TPP. Nếu việc xuất khẩu cá tra, cá ba sa của Việt Nam sang thị trường Mỹ bị ảnh hưởng, Việt Nam có thể xem xét khả năng khởi kiện Mỹ ra WTO, tuy nhiên đây sẽ là phương án cuối cùng, Việt Nam vẫn mong muốn Mỹ xem xét và bãi bỏ việc thực thi Bộ quy định cuối cùng này”- thông báo của phía Việt Nam.
Tại các cuộc làm việc, Bộ Nông nghiệp Mỹ cam kết không làm gián đoạn xuất khẩu sản phẩm cá tra, cá basa của Việt Nam sang thị trường Mỹ và bày tỏ thiện chí mong muốn hai bên tăng cường hợp tác trong quá trình thực thi Bộ quy định. Bên cạnh đó, hai bên cũng sẽ thảo luận về nội dung cụ thể của chương trình hỗ trợ kỹ thuật giúp Việt Nam sớm được công nhận tương đương với hệ thống giám sát cá tra của Mỹ để việc xuất khẩu cá tra, cá basa sang Mỹ không bị gián đoạn.
Để góp phần đả thông những khác biệt về quan điểm giữa hai bên, dự kiến trong tháng 4/2016 tới, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo quốc tế về chương trình thanh tra cá da trơn tại thành phố Hồ Chí Minh cho đại diện của 17 quốc gia hiện đang xuất khẩu cá da trơn sang Mỹ bị ảnh hưởng bởi Bộ quy định này.