Chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 10: Tại sao Lịch sử lại là môn tự chọn?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Năm học 2022 - 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Đáng chú ý, ngay sau khi thông tin môn Lịch sử được xếp trong danh sách môn tự chọn đã có nhiều ý kiến tranh cãi.
Tranh cãi khi đưa Lịch sử thành môn học tự chọn. (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: thanhnien.vn)
Tranh cãi khi đưa Lịch sử thành môn học tự chọn. (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: thanhnien.vn)

“Dạy Lịch sử còn là dạy làm người”

Theo chương trình mới, từ lớp 10, học sinh sẽ học các môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục địa phương. Ngoài các môn học bắt buộc, học sinh sẽ lựa chọn 5 môn học từ 3 nhóm cụ thể: Khoa học Xã hội; Khoa học Tự nhiên; Công nghệ và Nghệ thuật.

Nhiều ý kiến cho rằng, không nên xếp Lịch sử thành môn tự chọn. Môn học này vốn ít được học sinh yêu thích, một phần do bởi tính ứng dụng không cao, một phần do cách dạy và học lịch sử trong nhà trường hiện này còn thiếu hấp dẫn. Nhưng đây là môn học không thể thiếu đối với học sinh, quan trọng là nên thay đổi phương pháp dạy và học Lịch sử sao cho trực quan, hấp dẫn hơn để học sinh hứng thú, thay vì chỉ tập trung học thuộc kiến thức như trước.

Nếu Lịch sử là môn tự chọn, những em không chọn môn học này có bị thiếu hụt kiến thức về truyền thống hay lòng yêu nước? Lịch sử không chỉ dạy về các sự kiện lịch sử mà còn qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, văn hoá, sáng tạo của dân tộc, loài người từ cổ xưa tới văn minh...

Trước đó, từ khi còn là Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới, thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An đã thẳng thắn chỉ ra: “Lẽ ra, Bộ GD-ĐT phải thấy được và xác định được vai trò, vị trí và ý nghĩa của môn Lịch sử đối việc “trồng người”, đối việc giáo dục truyền thống, nhân cách cho học sinh. Khi đã xác định được như vậy thì sẽ bắt buộc học sinh phải học và thi chứ không phải để cho học sinh học theo kiểu “ứng thi”, thích gì học nấy, không thi thì không học như hiện nay...

Còn việc dạy và học như thế nào cho học sinh không chán Sử và yêu Sử hơn lại là một việc khác mà các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia biên soạn sách giáo khoa, các giáo viên cốt cán môn Sử ở bậc phổ thông và các nhà sử học cần ngồi lại với nhau để bàn vào dịp khác.

Dạy Lịch sử còn là dạy làm người, dạy cho thế hệ trẻ giữ gìn phẩm giá, nhân cách con người, đồng thời góp phần quan trọng vào việc nâng cao “phông” văn hóa cho học sinh. Học Lịch sử còn để biết giá trị của ngày hôm nay và từ đó biết ý nghĩa của thành ngữ “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”.

Thầy Hiếu cũng cho rằng: “Điều mấu chốt của vấn đề là cơ sở nào để phân biệt, phân loại các môn học tự chọn cho học sinh là môn lựa chọn? Khi Lịch sử là môn tự chọn thì hệ lụy của nó sẽ ra sao?”.

Bộ GD-ĐT nói gì?

Bộ GD-ĐT vừa chính thức có phản hồi trước những ý kiến về việc đưa Lịch sử trở thành môn học tự chọn ở cấp THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng đã quán triệt đầy đủ các quy định tại Nghị quyết 29, Nghị quyết 88, Quyết định 404, trong đó mỗi môn học có chức năng, nhiệm vụ, vai trò và vị trí khác nhau, cùng góp phần giáo dục học sinh trở thành những con người toàn diện có đủ tài, đức, công dân có ích cho xã hội.

Theo đó, ở giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) giáo dục lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn. Ở cấp tiểu học, từ lớp 1 đến lớp 3, nội dung giáo dục lịch sử được thực hiện trong các môn học Tự nhiên và Xã hội với tổng thời lượng cho cả 3 năm học là 210 tiết (so với với Chương trình giáo dục phổ thông 2006 chỉ có 140 tiết); ở lớp 4 và lớp 5, nội dung giáo dục lịch sử được tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lý, là môn học bắt buộc với tổng số 140 tiết. Chương trình mới được thiết kế theo phạm vi mở rộng dần về không gian địa lý và không gian xã hội, từ địa lý, lịch sử của địa phương, vùng miền, đất nước Việt Nam đến địa lý, lịch sử của các nước láng giềng, khu vực và thế giới, giúp học sinh làm quen với một số nội dung cơ bản của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới.

Ở cấp học THCS, nội dung giáo dục lịch sử được tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lí, là môn học bắt buộc ở tất cả các lớp, từ lớp 6 đến lớp 9, với tổng số 420 tiết, trong đó 50% thời lượng dành cho phân môn Lịch sử. Nội dung chương trình phân môn Lịch sử cấp THCS trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại.

Đồng thời, nội dung giáo dục lịch sử ở giai đoạn giáo dục cơ bản còn được thực hiện trong môn Đạo đức (ở cấp tiểu học), môn Giáo dục công dân (ở cấp trung học cơ sở), Nội dung giáo dục của địa phương, với thời lượng 35 tiết cho mỗi lớp từ lớp 1 đến lớp 9. Trong đó, Lịch sử của các địa phương tiếp tục được đưa vào dạy học bắt buộc ở tất cả các lớp, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn lịch sử dân tộc Việt Nam.

Bộ GD-ĐT khẳng định, với cách thiết kế chương trình như trên, ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp tiểu học và THCS tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, cơ bản và toàn diện.

Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12) - cấp THPT, Lịch sử được bố trí là một môn học trong tổ hợp khoa học xã hội. Ở giai đoạn này học sinh bắt buộc phải học 5 môn học lựa chọn trong 3 nhóm môn học (nhóm Khoa học Xã hội gồm 3 môn học: Lịch sử, Địa lý, Kinh tế và Pháp luật; nhóm Khoa học Tự nhiên gồm 3 môn học: Vật lý, Hóa học, Sinh học; nhóm công nghệ và nghệ thuật gồm 4 môn học: Tin học, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật), trong đó mỗi nhóm phải chọn ít nhất 1 môn học.

Chương trình môn Lịch sử cấp THPT (với tổng thời lượng 315 tiết, so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006 chỉ có 140 tiết) hệ thống hoá, củng cố kiến thức thông sử ở giai đoạn giáo dục cơ bản, đồng thời giúp học sinh tìm hiểu sâu hơn các kiến thức lịch sử cốt lõi thông qua các chủ đề, chuyên đề học tập về lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam.

Ở cấp THPT, nội dung giáo dục lịch sử cũng được đưa vào nội dung giáo dục của địa phương, với thời lượng 35 tiết cho mỗi lớp từ lớp 10 đến lớp 12. Đồng thời, môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp THPT là môn học bắt buộc với thời lượng 35 tiết/năm học, trong đó giáo dục cho học sinh về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Năm phẩm chất: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm được quán triệt giáo dục trong tất cả các môn học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ GD-ĐT cho biết, việc sắp xếp các môn giáo dục lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (được phân chia giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm và giai đoạn định hướng nghề nghiệp 3 năm) là phù hợp với xu hướng giáo dục quốc tế, có căn cứ khoa học và phù hợp với các mục tiêu lớn của giáo dục quốc gia.

Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến, tháo gỡ khó khăn

2022 là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp THPT, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục để có những biện pháp định hướng hỗ trợ học sinh chọn các tổ hợp môn học hợp lý, phù hợp với các điều kiện thực tiễn, phát huy hết được nhóm nhân lực nhà giáo dạy học môn Lịch sử. Trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ GD-ĐT tiếp tục lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện tốt yêu cầu tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển con người toàn diện, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của con người Việt.

Đọc thêm