Không còn làm “khó” thầy cô vùng sâu
Chương trình GDPT 2018 giáo dục theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Trong bối cảnh bệnh dịch COVID-19, gần ba năm qua, việc thầy cô học tập trên hệ thống trực tuyến đã đạt được mục tiêu kép vừa nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT mới, vừa giúp giáo viên phổ thông nâng cao được năng lực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Theo đó, có khó khăn gì trong quá trình vận dụng kiến thức vào thực tế giảng dạy, giáo viên đều có thể tìm sự hỗ trợ từ giáo viên cốt cán, giảng viên sư phạm và của cả đồng nghiệp vừa trực tiếp, vừa online.
Cô Lương Thị Hồng, giáo viên Trường Tiểu học Lê Lợi (buôn M’Hăng, xã Cư Huê, huyện EaKar, Đắk Lắk) cho biết: “Tự bồi dưỡng trên hệ thống trực tuyến giúp tôi và đồng nghiệp nâng cao nhiều năng lực như năng lực về tổ chức dạy học, giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, năng lực tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh. Nếu thời gian đầu còn chưa biết cách làm thế nào để vào được hệ thống, làm bài tập và cập nhật bài tập lên trực tuyến thì nay, tôi đã không cần trợ giúp của đồng nghiệp dạy môn Tin học nữa”.
Cô giáo Phạm Thị Vol Gim, giáo viên cốt cán Trường Tiểu học Dưỡng Điềm, thuộc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Chúng tôi được hỗ trợ rất nhiệt tình từ giảng viên sư phạm thông qua các kênh trực tuyến. Tôi đã chủ động tạo các nhóm học tập và chia sẻ với đồng nghiệp. Bên cạnh đó, tạo các nhóm Zalo với cha mẹ học sinh để nắm rõ và có những chia sẻ về bản thân học sinh, phối hợp cùng phụ huynh nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập của học sinh. Tôi thấy rằng bản thân tự tin hơn và lan tỏa rộng hơn tới đồng nghiệp của mình”.
Công tác tại địa phương miền núi, cô giáo Dương Thị Hồng Minh, Trường TH&THCS Văn Minh huyện Na Rì - Bắc Kạn bày tỏ: “Do đặc trưng là vùng miền núi, trình độ năng lực CNTT của một số thầy cô lớn tuổi còn rất nhiều hạn chế, chỉ với thầy cô trẻ thì việc tiếp cận CNTT không quá khó. Đôi khi có một số khó khăn như đường truyền không ổn định, một số giáo viên nhà xa phải xuống tận trường để học… Sau khi ứng dụng CNTT vào quá trình dạy học thì học sinh rất hứng thú, có thay đổi rõ rệt về kết quả học tập”.
Tương tự, thầy giáo Lương Trung Kỳ, giáo viên đại trà, PTDTBT THCS Lao Chải - Yên Bái cũng chia sẻ: “Ở vùng sâu, vùng khó khăn nên việc tiếp cận CNTT trên hệ thống trực tuyến buổi đầu tiên thực sự bối rối. Chưa kể những khó khăn về CNTT với các thầy, cô giáo lớn tuổi. Thế nhưng, đến nay chúng tôi đã ứng dụng CNTT trong quá trình dạy học: tổ chức trò chơi, tổ chức ngoại khóa tìm hiểu các kiến thức đã được học thông qua ứng dụng CNTT”…
Ở góc độ khác, thầy giáo Trang Minh Thiên - Trường THPT Nguyễn Việt Dũng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ cho biết: “Sau khi tham gia bồi dưỡng, tôi mạnh dạn thay đổi phương pháp dạy học đó là trao quyền cho học sinh, chủ động cho học sinh hình thành các sản phẩm học tập, khiến học sinh hứng thú hơn trong việc học tập; xin ý kiến lập câu lạc bộ để học sinh tham gia và chia sẻ, lan tỏa tới học sinh khác. Việc ứng dụng CNTT cũng linh hoạt hơn cho việc tham gia học tập của học sinh. Thông qua đó, học sinh đã phát huy được nhiều năng lực bản thân rất hiệu quả”…
Thầy cô cũng học mọi lúc, mọi nơi
Không chỉ ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nhiều giáo viên đều cho rằng, thời gian đầu áp dụng CNTT, thầy cô đều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, với những nguồn tài liệu rộng mở của chương trình trực tuyến, giáo viên cố gắng thích ứng với nhu cầu thực tế. Chỉ cần có thiết bị thông minh, giáo viên có thể chủ động học tập mọi lúc, mọi nơi.
Cô Nguyễn Thị Huệ - Phó Hiệu trưởng THPT Nguyễn Trãi - Thái Bình bày tỏ: “Là một trường nông thôn ở Thái Bình, điều kiện cơ sở vật chất chưa là tốt nhất nhưng thầy cô đã vận dụng được CNTT vào việc quản trị nhà trường. Trước đây trường đã có website riêng nhưng giờ mở rộng các tính năng CNTT để thuận lợi trong việc liên hệ cha mẹ học sinh, tận dụng tối đa các phần mềm CNTT để giúp công tác quản lý của nhà trường quản lý thông tin và truyền tải kiến thức tới học sinh một cách tốt nhất. Chúng tôi đã bổ sung hệ thống CNTT, hệ thống đường truyền internet để các thầy cô tận dụng dạy trực tiếp và trực tuyến cho học sinh”. Cô Huệ cũng nhận định, CNTT ngày càng phát triển, mở rộng hơn, đòi hỏi chúng ta phải học hỏi thường xuyên chứ không phải chỉ dừng lại ở mức độ nào đó. “Buộc thầy cô thay đổi để đáp ứng việc dạy của mình để không “thua” học sinh. Bản thân thầy cô luôn tự đào tạo và trau dồi để có thể hướng dẫn học sinh, chứ không thể tụt hậu so với năng lực CNTT rất tốt ở học sinh thời nay” - cô Huệ nhấn mạnh.
Với giảng viên sư phạm, nhiều thầy cô thông qua quá trình tương tác với các thầy cô ở THPT, được chia sẻ những phương pháp quản trị nhà trường bằng CNTT. Sau quá trình tương tác với thầy cô thì bản thân giảng viên cũng được nâng cao hơn năng lực CNTT. Cùng với đó, mạng lưới của giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở GDPT trên toàn quốc đều có sự kết hợp chặt chẽ, có cơ hội được học hỏi với nhau về chuyên môn, cùng nhau tháo gỡ những khó khăn trong thực tế.
TS Trần Thị Ngọc Oanh, Trưởng bộ môn khoa Ngữ Văn - ĐHSP Thái Nguyên nhìn nhận, khi thực hiện chuyên đề số 9, có một nội dung giáo viên rất thích là “chúng ta cần công nghệ trong lớp và trong tay mỗi học sinh cũng như giáo viên, vì đây chính là bút và giấy trong thời đại chúng ta, công nghệ chính là ống kính mà qua đó chúng ta trải nghiệm phần lớn thế giới”…