GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, trong 1 tháng qua, Ban soạn thảo chương trình đã phối hợp với các Sở GD-ĐT chọn ra 48 trường học (18 trường tiểu học, 18 trường THCS và 12 trường THPT) tại 6 tỉnh, thành, đại diện cho 6 vùng phát triển của Việt Nam, gồm: Hà Nội, Lào Cai, Bình Định, Lâm Đồng, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu để thực nghiệm các chương trình môn học mới. Mỗi tỉnh, thành chọn 3 trường tiểu học, 3 trường THCS và 2 trường THPT để triển khai việc thực nghiệm.
Nói về kết quả của đợt lấy ý kiến này, các thành viên trong ban soạn thảo chương trình mới đánh giá ý kiến đóng góp đều rất tập trung, đa phần là đồng tình, tỉ lệ giáo viên không đồng tình chỉ chiếm rất nhỏ: Tính chung cả ba cấp học là 0,37% tổng số ý kiến đánh giá (Tiểu học: 0,14%; THCS: 0,31%; THPT: 1,09%). Số giáo viên được khảo sát không đồng ý với dự thảo chương trình môn học mới phần lớn cho rằng nhiều nội dung chương trình mới còn khó, thiên về truyền thụ kiến thức, dẫn đến quá tải.
Về kết quả dạy thực nghiệm, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, các giáo viên và cán bộ quản lí các trường tham gia thực nghiệm đều đánh giá cao ưu điểm và triển vọng của chương trình giáo dục phổ thông mới, chương trình các môn học đã xác định đúng các phẩm chất và năng lực mà môn học hình thành, phát triển cho học sinh. Phần lớn các bài học thực nghiệm đã xác định đúng những yêu cầu cần đạt ở mỗi bài học; chú trọng tổ chức các hoạt động học tập, tương tác của học sinh. Tuy nhiên, cũng nhìn nhận một số yêu cầu cần đạt còn cao so với trình độ của học sinh; nội dung một số bài thực nghiệm tương đối khó; một số bài vẫn còn nặng về trang bị kiến thức; dung lượng của một số bài chưa phù hợp với thời lượng dạy học.
Việc bố trí nhiều đơn vị kiến thức trong một bài học không tạo điều kiện cho học sinh thực hiện các hoạt động khám phá, luyện tập và vận dụng kiến thức vào đời sống. Đây là những hạn chế, bất cập cần được mỗi nhóm tác giả chương trình môn học nghiêm túc xem xét và kiên quyết khắc phục trong thời gian tới.
Từ thực tế, cô Ngô Thị Hồng Liên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tây Hồ, Hà Nội cho biết: “Nhà trường có 24 giáo viên tham gia dạy thực nghiệm ở 12 bộ môn, gần 3.400 học sinh tham gia. Học trò hồn nhiên, tiếp cận tất cả những gì mà thầy cô truyền đạt, vì vậy hay dở là phụ thuộc thầy cô. Nếu thầy cô có phương pháp tốt thì học sinh hứng thú học. Kết quả thực nghiệm cho thấy, chương trình giáo dục phổ thông mới đã giảm lý thuyết hàn lâm, tăng kiến thức thực hành, nhất là hướng đến giải quyết các vấn đề của học sinh. Hướng đến giải quyết các vấn đề của học sinh là điều mà thực tế các trường rất muốn đưa vào chương trình chính thức nhưng không có thời lượng. Nay chương trình mới đưa vào thì nhà trường đánh giá đó là một thành công. Tuy nhiên, khi thực nghiệm, giáo viên than phiền còn nhiều nội dung khó. Vì vậy, sau khi trao đổi thì các giáo viên cũng đã đáp ứng được yêu cầu”.
Còn cô Bùi Thị Hồng Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Võ Lao, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai nhận xét: Qua thực nghiệm cho thấy, học sinh hứng thú với chương trình mới. Nhiều nội dung kiến thức mới mẻ nhưng nhiều tiết nặng với học sinh. Nhà trường cũng đã góp ý với ban soạn thảo về điều này.
Sau thực nghiệm chương trình, bước tiếp theo Ban soạn thảo sẽ hoàn thiện chương trình và trình Hội đồng thẩm định xem xét. Nếu đủ điều kiện, chương trình mới sẽ được hội đồng thẩm định thông qua. Sau đó Bộ trưởng Bộ GD-ĐT mới chính thức ký quyết định ban hành chương trình và tập huấn viết sách giáo khoa mới. GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định việc đưa chương trình phổ thông mới vào thực hiện sẽ kịp tiến độ, chậm nhất đến năm học 2020-2021 sẽ triển khai dạy ở lớp 1.