Theo quy định trước đây, tiến trình bầu chọn Tổng Thư ký diễn ra tại các cuộc bỏ phiếu kín của Hội đồng Bảo an (HĐBA) và cơ quan nắm quyền lực cao nhất trong Liên hợp quốc (LHQ) này sẽ đề cử ứng viên duy nhất để Đại hội đồng thông qua. Vị trí Tổng Thư ký này sẽ được chia sẻ lần lượt với 5 nhóm khu vực Tây Âu, Đông Âu, Mỹ Latinh và Caribe, châu Á-Thái Bình Dương và châu Phi thông qua tiến trình xoay vòng một cách không chính thức.
Đổi mới quy trình bầu cử
Đến nay, đã có 3 người từ Tây Âu, 2 người từ châu Phi, 2 người từ châu Á và 1 người từ khu vực Mỹ Latinh và Caribe làm Tổng Thư ký LHQ. Vì thế, tại cuộc đua năm 2016 này, khu vực Mỹ Latinh đã yêu cầu có vị trí Tổng Thư ký để cho cân bằng với các khu vực khác.
Trong khi đó, các nước châu Âu lại lên tiếng đòi quyền cử người của họ vì lần cuối cùng một người châu Âu đảm trách cương vị này là ông Kurt Waldheim, người Áo từ năm 1972-1981. Nhưng trong nội bộ các quốc gia thuộc khu vực Tây Âu và Đông Âu thì lại mâu thuẫn sâu sắc về việc này.
Nga yêu cầu rằng nhân vật châu Âu kế nhiệm phải là người đến từ các quốc gia Đông Âu nếu không nước này sẽ dùng quyền phủ quyết. Pháp và Anh thì cho rằng vị trí này phải là của người Tây Âu.
Trước sự tranh cãi về ứng cử viên ngay trong nội bộ HĐBA LHQ, Đại Hội đồng LHQ đã đưa ra một sáng kiến mới về việc bầu chọn Tổng Thư ký. Sáng kiến này được thực hiện theo Nghị quyết do Đại hội đồng LHQ thông qua hồi tháng 9/2015 về vấn đề bãi bỏ việc giữ kín quá trình tuyển chọn Tổng Thư ký LHQ, nhằm tăng cường tính minh bạch, đảm bảo sự công bằng cho tất cả các quốc gia trong quá trình tuyển chọn ứng cử viên.
Theo đó, toàn bộ 193 quốc gia thành viên LHQ đều nhận được thư mời đề cử ứng viên mà họ thấy phù hợp cho cuộc chạy đua vào vị trí này. Các ứng viên khi được đề cử hoặc tự ứng cử cũng phải có một số tiêu chuẩn như có kinh nghiệm trong quản lý và xử lý các vấn đề quốc tế, có kỹ năng ngoại giao, sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ.
Đặc biệt, lần này LHQ nhấn mạnh các ứng cử viên có thể là phụ nữ và đã đến lúc người ta trao cho nữ giới quyền điều hành cơ quan quyền lực nhất thế giới.
|
Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guteres là ứng cử viên nhận được nhiều phiếu "ủng hộ" |
Sau đó, các ứng viên nộp đơn ứng cử, hồ sơ cá nhân và phải trình bày quan điểm ở phiên điều trần. Tại phiên điều trần, mỗi ứng cử viên có 2 giờ đồng hồ để trình bày một bài thuyết trình ngắn và trả lời các câu hỏi chất vấn tại Đại hội đồng LHQ.
Các ứng cử viên phải trả lời các câu hỏi để giải quyết một số vấn đề cấp bách toàn cầu như: thúc đẩy phát triển bền vững, kiến tạo hòa bình, bảo vệ nhân quyền, xử lý các thảm họa nhân đạo lớn và xử lý các thách thức trong tiến trình thực thi chương trình phát triển bền vững đến năm 2030,...
Tại phiên điều trần, các ứng cử viên phải cho thấy năng lực điều hành, quản lý cũng như các kinh nghiệm có liên quan trong lĩnh vực ngoại giao, ngoại ngữ... Phiên điều trần này được truyền hình và phát sóng trực tiếp từ Trụ sở LHQ ở New York (Mỹ).
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này áp dụng hình thức mới trong việc lựa chọn người đứng đầu, giúp các ứng viên có cơ hội để thể hiện năng lực của mình. Theo giới phân tích, những thay đổi trong quy trình bầu cử năm nay giúp các ứng cử viên có cơ hội công khai chứng tỏ năng lực cũng như trình bày các kế hoạch hành động của mình nếu đắc cử chức Tổng Thư ký.
Quan trọng hơn, việc công khai này sẽ gây áp lực lên các cường quốc ở Hội đồng Bảo an trước khi đưa ra quyết định đề cử cuối cùng, buộc các nước này phải xem xét cẩn trọng hơn trên cơ sở lựa chọn người xứng đáng.
Nhiều khả năng có nữ Tổng Thư ký
Nổi bật trong cuộc đua vào vị trí Tổng Thư ký LHQ năm nay có 11 ứng cử viên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, trong số các ứng viên Tổng Thư ký lần này là có nhiều ứng viên nữ, trong đó có hai ứng cử viên đầy triển vọng là Tổng Giám đốc UNESCO, cựu quyền Ngoại trưởng Bulgaria Irina Bokova và Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark.
Trong 9 năm giữ vai trò người đứng đầu Chính phủ, cựu Thủ tướng New Zealand, bà Helen Clark, đã mang lại nhiều thành công cho đất nước trong các lĩnh vực như y tế công cộng, bình đẳng giới, tạo việc làm… Còn tại LHQ, trong 7 năm qua, bà Clark đã và đang lãnh đạo UNDP một cách hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề đói nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao vị thế cho phụ nữ và trẻ em. Đương kim Thủ tướng New Zealand John Key đánh giá: "Bà Clark hội tụ những kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp để trở thành nữ Tổng Thư ký LHQ đầu tiên”.
Ứng viên đầy tiềm năng thứ hai là Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova. Người phụ nữ Bulgaria này đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển bền vững của nền khoa học, giáo dục thế giới. Bà cũng nhận được sự ủng hộ của Nga khi Moscow ủng hộ một ứng viên đến từ một nước Đông Âu vì đây là khu vực duy nhất chưa có đại diện nào ngồi vào chiếc ghế lãnh đạo Liên hợp quốc.
Theo giới quan sát, cả hai ứng cử viên này đều có nhiều kinh nghiệm về chính trị và ngoại giao cũng như tầm ảnh hưởng lớn trong các hoạt động của LHQ nhưng bà Irina Bokova đang nắm lợi thế nhờ là người Đông Âu và đang được Nga ủng hộ mạnh mẽ.
|
Cựu quyền Ngoại trưởng Bulgaria Irina Bokova – gương mặt sáng giá nhất trong số các nữ ứng cử viên |
Ai đang dẫn đầu?
Các đại sứ của 15 nước thuộc HĐBA LHQ đã tiến hành cuộc bỏ phiếu kín không chính thức để bầu chọn vị trí tân Tổng Thư ký. Những nước thành viên HĐBA chấm điểm cho từng ứng cử viên chạy đua vào vị trí này. Phiếu bầu có ba lựa chọn là "khuyến khích", "không khuyến khích" và "không có ý kiến".
Kết quả của cuộc bỏ phiếu đầu tiên không được công bố công khai, thay vào đó được thông báo cho các chính phủ những nước đã đề cử các ứng cử viên thay ông Ban Ki-moon vào tháng 1/2017.
Tuy nhiên, theo các nguồn tin ngoại giao, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guteres là ứng cử viên nhận được 12 phiếu "khuyến khích", số phiếu “ủng hộ” nhiều nhất trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên, và không nhận được phiếu "không có ý kiến" nào. Ông Guterres là người của đảng Xã hội trung tả, giữ chức Thủ tướng Bồ Đào Nha trong giai đoạn năm 1995-2002 và là người đứng đầu Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cho đến cuối năm 2015.
Đứng thứ hai là cựu Tổng thống Slovenia Danilo Turk, với 11 phiếu "khuyến khích", 2 phiếu "không khuyến khích" và 2 phiếu "không có ý kiến". Ông Turk là người giữ chức đại sứ đầu tiên của Slovenia tại LHQ từ năm 1992-2000 và giữ chức Trợ lý Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị từ năm 2000-2005.
Có ba ứng cử viên cùng đứng vị trí thứ ba là Tổng Giám đốc UNESCO, cựu quyền Ngoại trưởng Bulgaria Irina Bokova; cựu Ngoại trưởng Serbia Vuk Jeremic và cựu Ngoại trưởng Macedonia Srgian Kerim. Trong đó, bà Bokova nhận được 9 "phiếu khuyến khích" - số phiếu cao nhất trong số các nữ ứng cử viên.
Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), nguyên Thủ tướng New Zealand, bà Helen Clark xếp thứ tư. Còn cựu Ngoại trưởng Argentina Susanna Malcorra nhận được ít phiếu ủng hộ hơn, đứng thứ năm.
Ba ứng cử viên xếp cuối danh sách là nhà ngoại giao người Costa Rica Christiana Figueres, cựu Ngoại trưởng Moldova Natalia Gherman và Cựu Ngoại trưởng Montenegro Igor Luksic. Có khả năng sẽ có thêm ứng cử viên tham gia cuộc đua chức Tổng Thư ký này vì không có thời hạn chót cho việc đề cử.
Theo dự kiến, HĐBA LHQ sẽ còn tiến hành một số cuộc bỏ phiếu không chính thức nữa trong tháng 8 và có thể cả trong tháng 9 trước khi đưa ra kiến nghị trước Đại hội đồng vào tháng 10 tới.
Cho dù ai sẽ kế nhiệm Tổng Thư ký Ban Ki-moon thì việc thúc đẩy sự phát triển bền vững và đồng đều giữa các khu vực trên thế giới, ứng phó hiệu quả với các vấn đề toàn cầu và đặc biệt là cải tổ LHQ, trong đó có HĐBA, để cơ chế này hoạt động hiệu quả hơn trong việc giữ gìn hòa bình, ổn định và thúc đẩy phát triển trên thế giới sẽ là những nhiệm vụ đầy khó khăn và thách thức đối với nhà lãnh đạo LHQ trong tương lai - nhân vật sẽ giữ trọng trách cao cả trong việc giữ gìn hòa bình, ổn định và thúc đẩy phát triển trong bối cảnh thế giới đang thay đổi và có nhiều biến động./.