Chuyện bên lề sắc màu áo nâu

(PLVN) -  Người Việt xưa vốn nghèo khó, nên chuyện ăn mặc không quá cầu kỳ đặc sắc. Sự tiện lợi, đơn giản vẫn là đặc trưng chủ yếu của người dân. Điều đó làm nên thú vị của sắc màu áo nâu - màu của đất.

Áo vải đơn sơ mà tình lắm

Trong cuốn “Người nông dân châu thổ Bắc kỳ - nghiên cứu địa lý châu thổ nhân văn” của Pierre Gourou, Tiến sĩ văn học - Uỷ viên thông tấn Viện Viễn đông Bác cổ Pháp nhận định rất lý thú về trang phục người nông dân Việt: “Một trong những dáng vẻ đáng yêu nhất của châu thổ là sự hoà hợp hoàn toàn giữa con người với thiên nhiên. Từ bao thế kỷ người nông dân đã biết tổ chức những mối quan hệ hài hoà và cảnh quan quanh mình. Quần áo của họ thường rách rưới, bẩn thỉu, nhưng màu nâu hoặc xanh xám đôi khi được tôn lên một nét tươi sáng với chiếc thắt lưng màu xanh tươi, kiểu may đơn giản đó không lạc lõng với khung cảnh thiên nhiên…”.

Một cái nhìn đầy lãng mạn, bình yên từ những vùng quê Bắc Bộ với áo nâu quần vải của người nhà quê, khiến cho bức tranh quê thật thuần phác. Trang phục người Việt từ áo dài, quần âu, áo vest..., tiếp cận văn minh phương Tây, thì trước đó các cụ xưa tuỳ theo giai cấp, phân tầng mà chọn áo quần. Người bình dân thì quần nâu, áo vải, đóng khố, mặc váy… có chút chức sắc trong làng thì áo dài, khăn đóng, làm đến chức quan huyện, tỉnh hay quan trong triều thì tuỳ theo phẩm hàm mà mang quần áo.

Áo quần thời đó dù sao phần nào cũng nói lên địa vị, chức tước, đẳng cấp con người. Ngược dòng lịch sử thấy rằng y phục của người Việt ta không được ghi quá nhiều, phần nào đó người Việt ăn mặc sơ sài. “Ăn ngon, mặc đẹp” chỉ là tầng lớp quan lại, vua chúa, tầng lớp cho thế lực, giàu có, còn dân thường vẫn là “áo anh sứt chỉ đường tà...”.

“Mãi đến khoảng năm 1900 hầu hết người trong nước còn may mặc bằng hàng nội hoá là vải sợi bông và lụa tơ tằm; chỉ một số rất ít người giàu sang mua hàng dệt nhập cảng của Trung Hoa và mấy năm sau của Âu Tây” - học giả Nhất Thanh cho biết như vậy.

Trong sách Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp có viết: “Hồi quốc sơ dân ta lấy vỏ cây làm áo, bện cỏ ống làm chiếu...”. Trong Việt Nam sử lược, cụ Trần Trọng Kim cho biết: “Vua Lý Thái Tông (1028-1054) định lệ những cung nữ phải học nghề thuê dệt gấm vóc”.

Sơ lược như vậy để “thấy gấm vóc, lụa là” cũng đã xuất hiện ở nước Nam từ lâu, nhưng chỉ dành cho người có thế lực, địa vị. Người nông dân bình dị thường gắn với áo nâu. Vải được nhuộm bằng củ nâu lấy ở rừng. Vải may váy quần đàn bà và may áo dài thì bao giờ cũng nhuộm thêm nước bùn ngả màu đen, mặc cũng nhanh bạc giống màu của đất.

Cái nghèo gắn với câu đồ “khố rách áo ôm”. Đóng khố mùa hè mát, tiện cho việc đồng áng, đầm nước đánh bắt tôm cá... Chuyện Chử Đồng Tử, chàng trai nghèo không có khố phải ở trần đã trở thành một trong những Tứ bất tử, nói lên phần nào thần thánh cũng đều xuất phát từ dân nghèo. Trang phục xưa của người Việt, dường như nữ giới hấp dẫn hơn nam. Phụ nữ có váy, yếm đào rồi sau này có áo dài rất hấp dẫn, gợi cảm. Trong khi đàn ông thì đóng khố, áo quần nâu vải không có mấy đặc sắc.

Nhà nghiên cứu Nhất Thanh dành nhiều thời gian nghiên cứu về chuyện ăn mặc của người Việt xưa. Ông cho biết, đàn bà nghèo khốn đến mấy cũng không bao giờ đóng khố, mà mặc váy hay quần ống ngắn đến nửa bắp chân.

Sự hấp dẫn của trang phục nữ giới và chuyện đàn ông kiêng kỵ không sờ trang phục đàn bà

Nhà nghiên cứu khảo cổ, dân tộc học người Pháp Gustave Dumoutier khi nhận định về y phục người Việt thì cho rằng “tất cả phụ nữ An nam đều phải biết may váy, yếm và quần áo cho mình, vì đó là y phục phụ nữ, không được phép đưa thợ may. Một phụ nữ không biết may vá là đồ hoàn toàn vô tích sự, còn thiếu nữ mà như vậy sẽ không kiếm được chồng. Việc giặt giũ cũng vậy, người đàn ông có thể giặt mọi thứ quần áo, trừ áo xống của vợ”.

Phong tục xưa cũng cho rằng tầng lớp nho sinh rất ghê sợ cái váy của đàn bà. Nếu trời mưa họ không dám cầm tay để cất cái váy mà phải dùng một cây sào để khều cái váy, vì ai mà nhìn thấy nho sinh cầm váy thì rất xấu hổ. Người ta sợ tục, sợ bẩn, mà phải nói trại đi cái váy là “cái xống”.

Nói về sự hấp dẫn của trang phục nữ giới thì cái yếm mới thực sự khiêu khích của phụ nữ Việt xưa. Nó đáo để, đa tình, lả lơi lắm.

“Yếm mặc để che kín ngực là mảnh vải vuông, một góc may cổ xẻ, cổ thìa hay cổ xây, có giải buộc treo lên cổ, hai góc đối nhau vắt sang hai bên sườn may dải rộng cuốn vòng sau lưng ra đằng trước bụng, bình thường quấn chặt không để cho vú ngóc lên phô trương đường cong nét gợi...” (Đất lề quê thói - Nhất Thanh).

Cái kiểu ăn mặc nửa kín nửa hở đó thì tình quá, nên mới có câu ca dao: “Ba cô đội gạo lên chùa/Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư”. Cha ông ta xưa cũng bóng gió lắm.

Yếm xưa hay được các cô mặc trong hội hè đình đám, vì vậy trai gái hay liếc mắt đưa tình, chòng ghẹo nhau: “Hỡi cô yếm trắng loà loà/Sao cô không bảo mẹ già nhuộm thâm/Ước gì anh được ở gần/Để anh nhuộm hộ thấm nhuần công anh”.

Nhưng dù sao khi người phụ nữ bỏ cái yếm mặc sang áo con như bây giờ vẻ đẹp được tôn vinh thêm hơn, giống như chiếc áo dài cách tân. Điều đó khiến cho trang phục nữ giới nước ta phong phú, đa dạng hơn nam.

Nhà văn tài danh của miền Nam Võ Phiến viết về áo dài rất sống động: “Mặc áo dài mà đứng yên chưa chắc đã ăn đứt nổi những cô gái Âu, Á khác mặc y phục dân tộc của họ. Nhưng mặc áo dài mà đi, mà múa… thì người con gái Việt Nam linh động hẳn lên. Áo dài Việt Nam vừa theo sát những nét tuyệt mỹ của thân người, lại vừa thêm cho tấm thân ấy sự linh động phơi phới mà nó vẫn ao ước. Những tà áo nhẹ ve vẩy phất phơ trong gió mát làm cho một thân hình nặng nề nhất, cục mịch nhất, cũng hoá ra thanh thoát…”.

Chuyện ăn mặc còn kéo dài, nhất là trong thời nay, nam thanh, nữ tú ăn mặc theo sở thích tự do, nhưng ngẫm lại các cụ ta xưa dù quần áo đơn sơ, sắc màu nâu sồng, vẫn có nhiều cái tình trong đó, có cái phản kháng, cái tự do khám phá bản thân.

Luật lệ của trang phục

Tưởng chừng việc ăn mặc là chuyện mưu cầu hạnh phúc, tự do của con người, nhưng ở xứ ta chuyện ăn mặc cũng chìm nổi theo phận nước. Không phải thích mặc gì thì mặc đâu.

Theo nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nhất Thanh, chuyện ăn mặc của phụ nữ cũng gian truân như vận nước: “Cái váy của đàn bà xứ Bắc đã nhiều gian truân với lịch sử; vốn dĩ người Việt chính tông vẫn mặc váy, thời nhà Minh đô hộ (1414-1427) - Hoàng Phúc muốn bắt dân ta đồng hoá với người Tàu, cấm con trai, con gái không được cắt tóc, đàn bà con gái phải mặc áo ngắn, quần dài theo kiểu người Tàu. Thời tự chủ, với ý quyết xoá bỏ hết tàn tích nô lệ về y phục, Vua Lê Thần Tông, niên hiệu Thịnh Đức năm đầu (1653) định phép ăn mặc cho quan dân. Vua Lê Huyền Tông niên hiệu Cảnh Trị thứ 3 (1665) cấm đàn bà con gái không được mặc áo có thắt lưng và mặc quần có ống chân (nghĩa là bắt buộc phải mặc váy).

Nhưng tới thời nhà Nguyễn Vua Minh Mệnh lại ban hành chiếu lệnh năm Mậu Tý (1828) bắt dân xứ Bắc đổi trang phục theo dân Thuân Quảng, cấm mặc váy, nhưng việc này khiến dân chúng nháo nhào và có thơ trào phúng: “Tháng Chín có chiếu vua ra/Cấm quần không đáy người ta hãi hùng/Không đi thì chợ không đông/Đi ra bóc lột quần chồng sao đang/Có quần ra quán bán hàng/Không quần đứng nấp đầu làng trông quan”. Thời Lê có tục lệ rất nghiêm để bảo tồn văn hiến, ai mặc trang phục lạ, quái dị, đàn ông phạt 80 trượng, đàn bà 50 trượng và tịch thu quần áo (Quốc triều hình luật).

Dù trải qua “phong ba bão tố” thì chiếc váy vẫn “phất phơ buông chùng cửa võng” cho người đàn bà đi tìm tình riêng như câu thơ của Hoàng Cầm. Váy, yếm bây giờ trở thành thứ thông dụng thời trang làm đẹp của phụ nữ mà đàn ông nhìn vào đã mê.

Đọc thêm