Chuyển Công an tiếp tục điều tra 7 vụ việc về mua sắm thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh

(PLVN) - Thanh tra Chính phủ đã chuyển Cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý 7 vụ việc liên quan đến sử dụng quỹ Bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh.
Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm phát biểu tại buổi thông báo Kết luận thanh tra.

Chiều 27/1, Thanh tra Chính phủ tổ chức thông báo Kết luận thanh tra việc sử dụng quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT), mua sắm trang thiết bị y tế (TTBYT) và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh

Thông báo nêu rõ, trong những năm qua, cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe ngày càng cao, ngành y tế cũng có bước chuyển biến lớn nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Trong đó, các chính sách về khám chữa bệnh (KCB) cho người dân nói chung và người tham gia BHYT nói riêng luôn được Bộ Y tế chú trọng, xây dựng và hoàn thiện.

Việc đầu tư cho TTBYT của ngành chiếm tỷ trọng đáng kể cả về số lượng và giá trị kinh tế từ nhiều nguồn khác nhau, danh mục TTBYT cho các đơn vị tương đối lớn, đa dạng về chủng loại. Hiện nay, hệ thống TTBYT trong ngành được cải thiện, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng KCB, phòng chống dịch bệnh và các hoạt động chuyên môn kỹ thuật, thúc đẩy phát triển, triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, nâng cao uy tín thương hiệu cho các đơn vị.

Đồng thời, việc đáp ứng đầy đủ thuốc chữa bệnh phục vụ cho các cơ sở KCB cũng được Bộ Y tế đặc biệt quan tâm.

Nhiều cơ quan, nhiều sai phạm trong các lĩnh vực thanh tra

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc sử dụng quỹ BHYT, mua sắm TTBYT và vật tư y tế tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh còn để xảy ra những sai phạm, khuyết điểm như quản lý, sử dụng quỹ BHYT vẫn còn nhiều bất cập; vẫn còn hiện tượng đầu tư TTBYT dàn trải, một số ít được đầu tư mua sắm nhưng chưa được sử dụng, khai thác có hiệu quả do công tác xây dựng kế hoạch chưa sát. Công tác quản lý TTBYT một số nơi còn nhiều hạn chế, công tác đấu thầu mua sắm thiểu chặt chẽ, khách quan, còn sai phạm; chưa sử dụng hết hiệu quả công suất thiết bị, lạm dụng kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị....

Cụ thể, Bộ Y tế tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan còn nhiều hạn chế, vi phạm như tham mưu xây dựng văn bản trình cấp có thẩm quyền ban hành còn có nội dung trái với quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn hoặc có nội dung trong cùng văn bản còn chưa thống nhất

Bộ không hướng dẫn thực hiện phương thức thanh toán chi phí KCB theo định suất và phương thức thanh toán theo trường hợp bệnh; không quy định cụ thể, chi tiết trong việc thanh toán của cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với những thuốc có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng có giá trúng thầu cao bất hợp lý khi quy đổi về cùng hàm lượng tương đương; không ban hành đầy đủ giá của 18.239 dịch vụ thanh toán BHYT, thực hiện việc phiên tương đương về giá dịch vụ dẫn đến gặp nhiều khó khăn khi thực hiện; không phối hợp với Bộ Tài chính để ban hành khung giá dịch vụ KCB theo yêu cầu theo quy định tại Khoản 6 Điều 1 Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15/12/2014 của Chính phủ…

Bộ Y tế đã không ban hành đầy đủ giá của 18.239 dịch vụ thanh toán BHYT. (Ảnh minh họa)

Đáng chú ý, việc cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị y tế còn sai phạm, có dấu hiệu lợi ích nhóm và dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (ông Nguyễn Minh Tuấn) vi phạm những việc cán bộ, công chức không được làm quy định tại Khoản 4 Điều 37 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế ban hành một số văn bản hướng dẫn tạm thời việc gia hạn số đăng ký và thời hạn nộp hồ sơ đăng ký lại cho thuốc, là những văn bản không thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa nội dung quy phạm pháp luật là vi phạm về những hành vi bị cấm quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.

BHXH Việt Nam thì trích lập quỹ dự phòng BHYT, chi phí quản lý quỹ BHYT năm 2016, 2017, còn trích thiếu số tiền quỹ dự phòng BHYT là gần 172,5 tỷ đồng (do trích tăng số tiền chi phí quản lý quỹ BHYT tương). Tuy nhiên, BHXH Việt Nam đã khắc phục, hoàn trả quỹ dự phòng BHYT vào năm 2020 số tiền nêu trên.

Đồng thời, gửi tiền tại 05 ngân hàng thương mại không có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (các năm 2016 - 2018), vi phạm quy định tại Điều 8 Nghị định số 30/2016/NĐ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH, BHYT, BHTN và quy định tại khoản 2 Điều 92 Luật BHXH năm 2014. Tuy nhiên, do quy định thiếu đồng bộ giữa Luật BHXH năm 2014 và Luật Ngân hàng nhà nước năm 2010 đối với việc “xếp loại tín nhiệm” các ngân hàng thương mại, dẫn đến khó khăn trong thực hiện của BHXH Việt Nam. Hay năm 2016, gửi tiền tại Ngân hàng TMCP Quân đội là ngân hàng không nằm trong Phương án đầu tư quỹ của BHXH Việt Nam được Hội đồng quản lý thông qua, vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 30/2016/NĐ-CP...

Tại các bệnh viện được thanh tra (7 bệnh viện thuộc Bộ Y tế: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Việt Đức, K, Nhi Trung ương, Trung ương Huế, Thống Nhất; kiểm tra, xác minh một số gói thầu mua sắm tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh), sử dụng thuốc phục vụ KCB BHYT không đúng chỉ định tại Tờ hướng dẫn sử dụng trong hồ sơ đăng ký thuốc, vi phạm điểm đ khoản 2 Điều 4 Thông tư số 40/2014/TT-BYT, BHXH TP Hà Nội đã không thanh toán đối với 5 thuốc chữa ung thư (Xeloda, Xalvobin, Eloxatin, Oxaliplatin, Sudoxplatin) tại 02 bệnh viện (Bệnh viện K và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), nhưng BHXH TP Hồ Chí Minh vẫn cho thanh toán (Bệnh viện Thống Nhất).

Ba bệnh viện không làm các thủ tục thanh toán cho người bệnh tham gia BHYT mà thu tiền của bệnh nhân đối với chi phí cho các xét nghiệm (xét nghiệm HIV/AIDS- nhanh; xét nghiệm Anti HIV bằng miễn dịch bán tự động/tự động, HIV Ab test nhanh; HIV Ab miễn dịch tự động, Treponema pallidum RPR định lượng thuộc danh mục dịch vụ BHYT chi trả theo Phụ lục III Thông tư số 37/2015/TT-BYT và Phụ lục III Thông tư số 15/2018/TT-BYT ngày 30/5/2018, với tổng số tiền 15.857,102 triệu đồng (Chợ Rẫy: 7.577,758 triệu đồng, Trung ương Huế: 2.393,498 triệu đồng, K: 5.885,846 triệu đồng).

Các bệnh viện mua sắm vật tư y tế, hóa chất và thuốc bằng hình thức chỉ định thầu rút gọn, mua sắm trực tiếp, mua ngoài không qua các hình thức mua sắm quy định tại Luật Đấu thầu còn nhiều sai phạm như không có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được cấp thẩm quyền phê duyệt; mua vượt số lượng quy định; sử dụng giá một số mặt hàng vượt 12 tháng của hợp đồng gói thầu trước đó...; có dấu hiệu chia nhỏ giá trị gói thầu để thực hiện chi định thầu rút gọn...

Bệnh viện Bạch Mai phê duyệt hồ sơ mời thầu và tổ chức đấu thầu thuốc cho nhà thuốc bệnh viện giai đoạn thí điểm (2018 - 2019) theo tên thương mại đối với 02/03 gói thầu, trái quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật Dược 2016, khoản 1, 2 Điều 5 Thông tư số 11/2016/TT-BYT, khoản 2 Điều 136 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP và khoản 1 Điều 5 Thông tư số 02/2018/TT-BYT…

Robot Rosa liên doanh liên kết tại Bệnh viện Bạch Mai.

Cũng tại Bệnh viện Bạch Mai, đối với việc mua sắm Robot hỗ trợ phẫu thuật sọ não có sử dụng công nghệ lập kế hoạch và giải pháp PACS tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội TP Hà Nội, quá trình thanh tra tại đây, Bệnh viện đã cung cấp Hợp đồng cho biết Hệ thống robot có cấu hình tương đương với hệ thống Robot Rosa liên doanh liên kết tại Bệnh viện Bạch Mai (là hệ thống robot đưa vào liên doanh mà cơ quan Công an đang điều tra) với giá trị tại hợp đồng là 38.788,99 triệu đồng.

Giá trị theo hợp đồng của Hệ thống robot mà Ban Quản lý dự án Hà Nội mua là quá cao so với giá trị thực tế của hệ thống robot đưa vào liên doanh tại Bệnh viện Bạch Mai (10.989,42 triệu đồng), cần tiếp tục điều tra, làm rõ.

Trách nhiệm thuộc lãnh đạo Bộ Y tế phụ trách thời kỳ 2014 - 2018

Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm về các thiếu sót, vi phạm được phát hiện qua thanh tra trong việc quản lý sử dụng quỹ BHYT, mua sắm TTBYT và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh thuộc lãnh đạo Bộ Y tế được giao phụ trách thời kỳ 2014 - 2018, các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Y tế (Vụ BHYT, Cục Quản lý dược, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Vụ Kế hoạch tài chính, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Trung tâm Mua sắm tập trung quốc gia) giai đoạn 2014 - 2018.

Trách nhiệm trong quản lý, sử dụng quỹ BHYT của BHXH Việt Nam thuộc lãnh đạo BHXH Việt Nam được giao phụ trách thời kỳ 2014 - 2018; các đơn vị liên quan và BHXH các tỉnh, thành phố có cơ sở KCB được kiểm tra (Hà Nội, Thừa Thiên Huế, TP Hồ Chí Minh).

Trách nhiệm về các thiếu sót, sai phạm trong việc thực hiện tại các cơ sở KCB nêu tại kết luận thanh tra thuộc Giám đốc Bệnh viện, các phòng, khoa tham mưu và các cá nhân liên quan (Khoa Dược, Phòng Tài chính - Kế toán, Phòng Quản lý TTBYT).

Từ kết quả thanh tra, để việc chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật trong sử dụng quỹ BHYT, mua sắm TTBYT và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh, cùng với kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý về cơ chế chính sách, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng xử lý về kinh tế.

Theo đó, yêu cầu BHXH Việt Nam khẩn trương hoàn thành việc giải ngân số tiền 518.389 triệu đồng từ nguồn 20% kinh phí kết dư quỹ KCB BHYT năm 2015 được sử dụng mua sắm TTBYT, phương tiện vận chuyển người bệnh; chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, rà soát để thanh toán chi phí KCB BHYT vượt dự toán các năm cho các cơ sở KCB;

Chỉ đạo các bệnh viện tổng hợp kết quả thực tế đã mua thuốc, vật tư y tế tiêu hao tại các hợp đồng mua sắm theo kết quả đấu thầu, chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp có sai phạm dẫn đến phải mua với giá cao hơn đã được nêu tại Kết luận thanh tra để xác định số tiền gây thiệt hại cho quỹ KCB BHYT và người bệnh, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân sai phạm để thu hồi hoàn trả quỹ BHYT và nộp ngân sách nhà nước; chỉ đạo Bệnh viện Bạch Mai rà soát, xử lý số tiền 27.373 triệu đồng doanh nghiệp được hưởng và số tiền 4.074 triệu đồng Bệnh viện được hưởng giai đoạn 2014 - 2018 và chi phí lãi vay của máy Robot Mako và máy Robot Rosa theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, căn cứ các vi phạm nghiêm trọng về đấu thầu mua sắm TTBYT và vật tư y tế tiêu hao, thuốc chữa bệnh và một số nguyên nhân khác, Thanh tra Chính phủ đã có Văn bản số 140/TTCP-V.III ngày 10/6/2021 chuyển Cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý 7 vụ việc gồm:

- Hồ sơ về gói thầu số 02 và gói thầu số 05 đấu thầu tập trung năm 2017 tại Trung tâm Mua sắm tập trung quốc gia liên quan đến Liên danh Công ty UNI - Văn Lang.

- Hồ sơ việc thực hiện liên doanh, liên kết đối với 11 máy liên doanh, liên kết, máy đặt tại Bệnh viện Bạch Mai.

- Thông tin việc mua sắm Robot hỗ trợ phẫu thuật sọ não có sử dụng công nghệ lập kế hoạch và giải pháp PACS tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội TP Hà Nội.

- Thông tin việc mua sắm TTBYT, vật tư y tế tiêu hao tại Bệnh viện Tim Hà Nội đối với 10 gói thầu chỉ định thầu rút gọn năm 2018; mua sắm trực tiếp dụng cụ và vật tư y tế tiêu hao năm 2018; gói thầu “Mua sắm hệ thống máy Cộng hưởng từ bắt nguồn kinh phí Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp năm 2018” và gói thầu số 01 “Mua sắm hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính năm 2019”.

- Thông tin việc thực hiện Gói thầu “Cung cấp và lắp đặt hệ thống xạ trị gia tốc dưới hướng dẫn hình ảnh” thuộc Dự án “Đầu tư TTBYT cho khu khám, chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao của Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh”.

- Thông tin về việc cấp giấy phép nhập khẩu TTBYT trái quy định, có dấu hiệu lợi ích nhóm ở Vụ Trang thiết bị và công trình y tế - Bộ Y tế.

- Thông tin về việc đấu thầu mua sắm thiết bị đối với gói thầu TB05/2014 Cung cấp lắp đặt thiết bị xạ trị 1” và gói thầu TB-06/2014 “Cung cấp và lắp đặt thiết bị xạ trị 2” tại Bệnh viện K.

Đọc thêm