Chuyển COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B: Phải căn cứ vào diễn biến của dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu “hạ nhiệt” trên phạm vi cả nước, nhiều ý kiến cho rằng cần chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Đó cũng là quan điểm của Bộ Y tế khi xây dựng Chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2022-2023.
l Cấp cứu cho bệnh nhân mắc COVID-19 bị chảy máu dữ dội tại Bệnh viện Việt Đức.
l Cấp cứu cho bệnh nhân mắc COVID-19 bị chảy máu dữ dội tại Bệnh viện Việt Đức.

Chuyển biện pháp phòng, chống COVID-19 càng sớm càng tốt

Lý do của việc tán thành sự chuyển dịch này dựa trên quan điểm là dịch bệnh COVID-19 hiện nay đã đạt đỉnh và có chiều hướng đi xuống; tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh nặng, tử vong rất thấp; nhận thức của người dân trong việc tự theo dõi, dự phòng và điều trị bệnh đã được nâng cao. Hơn nữa, đây cũng là xu hướng chung trên thế giới.

Theo TS. Nguyễn Việt Hùng – Phó Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam, hiện nay hầu như các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã được Chính phủ, ngành Y tế triển khai, áp dụng. Thêm vào đó, Việt Nam hiện là nước có tỷ lệ bao phủ vaccine COVID-19 cao trên thế giới. Trong khi đó, chủng Omicron đang lưu hành chiếm ưu thế là chủng gây bệnh nhẹ, tỷ lệ nhập viện và tử vong rất thấp. Việc triển khai theo dõi và điều trị COVID-19 tại nhà được triển khai rất tốt. Khi đa số người dân đã có thể tự theo dõi và điều trị tại nhà được nên kể cả dịch bệnh có lan rộng cũng không gây áp lực lớn cho cơ sở y tế, cũng như hệ thống khám chữa bệnh… Chính vì lẽ đó, TS. Nguyễn Việt Hùng cho rằng cần sớm chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

“Nếu vẫn giữ COVID-19 là dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A như hiện nay sẽ gây ra rất nhiều phiền toái liên quan đến khai báo, thống kê, chế độ chính sách cho những người nhiễm; Ảnh hưởng, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, thậm chí liên quan đến cả vấn đề tử vong, khâm liệm…”, TS Nguyễn Việt Hùng nhận định.

Cũng theo TS. Nguyễn Việt Hùng, những quy định phòng bệnh khi giữ COVID-19 là bệnh thuộc nhóm A rất khắt khe, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, xã hội, nền kinh tế. Do đó, Bộ Y tế cần sớm sửa đổi, điều chỉnh các quy định theo hướng bình thường hóa và phù hợp hơn với các biện pháp phòng, chống như bệnh nhóm B và sự thay đổi này càng được thực hiện sớm càng tốt.

TS. Nguyễn Việt Hùng lưu ý, việc chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B không có nghĩa là bỏ qua toàn bộ biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Thực tế, việc chuyển đổi chủ yếu chuyển từ phòng ngừa, điều trị tập trung sang biện pháp hành chính mang tính cá nhân. Mọi người vẫn phải tuân thủ áp dụng 5K và các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm khi tham gia các hoạt động cộng đồng.

Xem xét nhiều yếu tố

Chia sẻ về vấn đề trên, PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay, để đưa COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B phải căn cứ vào diễn biến của dịch. Và việc đầu tiên chúng ta cần xem xét là dịch bệnh có còn bùng phát mạnh hay không, có xuất hiện các biến chủng mới nữa không và nó phải thể hiện tính ổn định qua các năm và phải dự báo được. Ngoài ra, phải xem xét tình hình chuyển nặng và tử vong do nhiễm COVID-19 có lớn không, có gây quá tải hệ thống y tế không. Phải căn cứ vào khả năng đáp ứng về y tế, hiệu quả của vaccine, thuốc điều trị. Đặc biệt là dịch có ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, an sinh của người dân hay không.

Theo ông Trần Đắc Phu, nếu dịch còn lây lan nhanh, vẫn còn bệnh nhân nặng, hệ thống y tế còn quá tải và khả năng kiểm soát dịch còn khó khăn thì chưa thể công nhận thành bệnh truyền nhiễm nhóm B được. Cũng theo vị chuyên gia này, khi một bệnh truyền nhiễm nhóm A chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B sẽ kéo theo sự thay đổi về biện pháp ứng phó (xét nghiệm, giám sát, quản lý ca bệnh...). Cụ thể, với COVID-19, khi chuyển từ nhóm A sang nhóm B sẽ không xét nghiệm toàn bộ như hiện nay mà chỉ ước lượng số mắc một năm để đánh giá.

Không chỉ vậy, khi COVID-19 chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, sẽ phải thay đổi rất nhiều chính sách về y tế, an sinh xã hội. Theo đó, người bệnh sẽ không được Nhà nước chi trả toàn bộ chi phí điều trị nữa, mà người dân phải trả tiền hoặc hưởng bảo hiểm y tế như khám chữa bệnh thông thường. Nếu COVID-19 là nhóm B, người dân có thể không phải khai báo y tế nữa… Vì vậy, theo PGS. TS Trần Đắc Phu, khi chuyển COVID-19 sang nhóm B cần phải căn cứ vào việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là người nghèo, người dễ bị tổn thương; Các chính sách phải xây dựng cho phù hợp vì COVID-19 có nhiều tính chất đặc thù và phức tạp.

“Trước khi quyết định chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B cần nghiên cứu rất kỹ lượng. Cụ thể, phải thành lập các nhóm nghiên cứu, với sự tham gia của các bộ, ngành và chính quyền các cấp và phải có lộ trình. Nghiên cứu và các chính sách phải sâu sát tới từng địa phương vì mỗi tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế, đáp ứng khác nhau đối với công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19” – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.

Nghị quyết 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ quy định Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 nêu rõ: Căn cứ tình hình dịch bệnh chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B và sẵn sàng kịch bản cho mọi tình huống, kể cả khi dịch bệnh bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế và có biến chủng mới nguy hiểm hơn. “Chuyển COVID-19 sang nhóm B không có nghĩa là coi nhẹ các biện pháp phòng, chống dịch hiện nay, mà chủ yếu để phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân vào công tác phòng, chống và điều trị bệnh!” - TS. Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam nói.

Đọc thêm