Người chồng biết lo xa
Trong cái nắng hanh hao của những ngày đầu tháng 8, chúng tôi theo chân những cán bộ của BHXH TP Bắc Ninh đến thăm gia đình chị Trần Thị Quyên ở phố Ba Huyện, phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh…
Đón chúng tôi với nụ cười tươi, chẳng ai có thể ngờ là chị Quyên mới trải qua đợt điều trị mổ u ở não hồi năm 2018. Chị Quyên tâm sự: “Tôi làm việc đến khi bị bệnh mới biết bảo hiểm nó hữu ích cho mình như thế nào. Thế nên tôi đã mua bảo hiểm y tế (BHYT). Mình bán hàng, sức khỏe không thể biết được nên tôi sẽ tham gia BHYT hộ gia đình”. Người phụ nữ nhỏ nhắn với nụ cười rạng rỡ, trẻ trung so với tuổi 45 của chị cho hay có BHYT thì “đi viện không phải mất phí nhiều” và điều này có lợi cho chị và người thân trong gia đình.
Trong câu chuyện giản dị, mộc mạc của chị Quyên, chúng tôi thực sự bất ngờ khi chị tiết lộ, ngoài BHYT, chị còn tham gia BHXH tự nguyện.
“Tôi đã tìm hiểu rồi, về già tôi cần có lương hưu, dù ít hay nhiều, ít thì cũng đồng rau đồng muối, mình cũng không phải phải phụ thuộc vào con cái. Tôi thấy tốt thì tôi tham gia”, chị Quyên chia sẻ.
Được biết, chị Quyên tham gia BHXH tự nguyện từ năm 2014 với mức đóng hơn 600 nghìn đồng/quý. Trước đó, chị Quyên đã có thời gian đi làm và tham gia BHXH bắt buộc 10 năm. Khi được hỏi dù đã đủ năm đóng nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu, chị có tiếp tục tham gia để đến tuổi nghỉ hưu được hưởng tỷ lệ cao hơn, chị cười thật tươi: “Nhờ trời chị cứ tham gia thôi”.
Điều bất ngờ hơn với chúng tôi là người đang bỏ tiền đóng BHXH cho chị Quyên chính là chồng chị, anh Cao Xuân Biếc. Chia sẻ về việc đóng BHXH cho vợ, anh Biếc chỉ nói đơn giản: “Tôi là người đi làm và có tham gia BHXH. Tôi hiểu ý nghĩa của việc này. Đóng BHXH tự nguyện để coi như tiền tiết kiệm cho sau này vợ có chế độ. Giờ vợ tôi không tham gia lao động, về già khó khăn hơn nên tôi đã đi tìm hiểu và đóng BHXH tự nguyện cho cô ấy”.
“Tên mình là Biếc, biếc trong xanh biếc” - người chủ gia đình ở Bắc Ninh thông tin hóm hỉnh như thế về cái tên của mình. Và cái cách anh lo cho tương lai của người vợ bằng BHXH tự nguyện cũng chính là đang vẽ nên màu xanh cho tương lai của vợ mình và của chính gia đình mình.
Tham gia BHXH tự nguyện để về già có lương hưu
BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Theo khoản 2 Điều 4 Luật BHXH 2014, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng 02 chế độ: Hưu trí và tử tuất. Sự linh hoạt về mức đóng cũng như việc đảm bảo an sinh xã hội về lâu dài khiến BHXH là sự lựa chọn đúng đắn đối với những người lao động tự do, công việc không ổn định.
Trên thực tế ghi nhận tại TP Bắc Ninh cho thấy, nhờ có sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của các cấp chính quyền cùng cơ quan BHXH, nhiều người dân đã biết và tham gia BHXH. Thông qua sự tư vấn của cán bộ BHXH, người dân nơi đây hiểu rất rõ quyền lợi của mình sẽ nhận được khi tham gia BHXH.
Trao đổi cùng chúng tôi, anh Trần Minh Tuấn, sinh năm 1985, trú tại khu 6 phường Đáp Cầu, TP Bắc Ninh, cho biết: “Tôi từng dạy học hợp đồng nhưng không có BHXH. Sau ra ngoài, tự mở trung tâm dạy học nhưng khi đó vẫn nghĩ phải vào cơ quan mới được tham gia BHXH. Tuy nhiên, sau lần ra phường làm việc, tôi thấy có đại lý thu BHXH tự nguyện và BHYT. Qua tìm hiểu và được tư vấn cụ thể, tôi đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện. Vì không có thời gian nên tôi chọn hình thức đóng một năm một lần, mỗi lần đóng là khoảng 6 triệu đồng/năm, tính ra 1 tháng hơn 500 ngàn đồng”, anh Tuấn chia sẻ.
Qua quá trình tham gia BHXH tự nguyện, anh Tuấn thấy thủ tục rất đơn giản, rất thuận tiện cho người dân. “Tôi tham gia BHXH tự nguyện để về già có lương hưu. Do đó, tôi sẽ tham gia đóng BHXH tự nguyện đủ 20 năm theo quy định”, anh Tuấn khẳng định.
Những ghi nhận của người dân như anh Tuấn, chị Quyên đã phần nào phản ánh kết quả sự nỗ lực của BHXH TP Bắc Ninh trong việc tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Theo Phó Giám đốc BHXH TP Bắc Ninh Hoàng Văn Hiển, để tuyên truyền phát triển nhiều đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, các cán bộ BHXH phải đi rất xa đến từng khu xóm, phải đi đến nhiều lần, nhiều khi phải đi cả buổi tối, cả ngày nghỉ mới gặp được các đối tượng cần tuyên truyền.
“Công tác tuyên truyền, truyền thông cần phải sâu rộng, liên tục và bền vững. Tuyên truyền phải hàng tháng, hàng tuần đến từng ngõ xóm để người dân hiểu vấn đề. Khi hiểu thấu đáo rồi, người dân sẽ tham gia”, ông Hiển cho biết.