Chuyện đánh án của lực lượng chống tội phạm bộ đội biên phòng

(PLO) - Mới ở rừng, thoắt đã xuống biển, bước chân của các chiến sĩ đặc nhiệm Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế in dấu khắp các nẻo đường, bất chấp gian nan. Nỗi trăn trở không nguôi đã thúc giục những bước chân của các anh mòn dấu trên khắp mọi nẻo đường để truy bắt tội phạm.
Những bước chân góp phần giữ bình yên cuộc sống

Đã nhiều năm trôi qua, nhưng Thượng tá Tôn Thất Nguyên Đạt, Trưởng phòng Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) vẫn nhớ như in những ngày gian nan theo dấu chân nhóm tội phạm buôn bán người qua biên giới. 

Lên rừng

Đó là thời điểm cuối năm 2012, tại vùng biên giới thuộc huyện A Lưới xuất hiện hai đối tượng lạ mặt người dân tộc Mường tên Bùi Thị Nị (SN 1969, quê ở Hòa Bình, đang thường trú tại Trung Quốc) và một người tên Bùi Thị Ngợi. Hai người phụ nữ này thường xuyên đến nhà một người dân ở thôn Ta Lưng (A Đớt) để dụ dỗ con gái ông bà này ra Cao Bằng làm ăn.

Trước những “viễn cảnh” mà hai đối tượng “vẽ” ra đó là mức lương cao, môi trường làm việc tốt, đôi vợ chồng nọ liền gật đầu cho con gái đi theo. Nhưng chỉ vài ngày sau, Châm (SN 1995) điện thoại về báo cho cha mẹ, mình đang ở Trung Quốc.

Nị và Ngợi có người em gái ruột đang sinh sống ở Bốt Đỏ (A Lưới). Trong khi đó, mẹ của Châm lại có mối quan hệ họ hàng với chồng của em gái Nị và Ngợi. Dựa vào mối quan hệ đó, hai nghi phạm đã lần tìm đến A Lưới, dụ dỗ các “sơn nữ” rồi đưa sang Trung quốc. Châm sau khi bị lừa bán sang Trung Quốc, đã lập gia đình. Trong thời gian ở xứ người, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Nị, Châm thường gọi điện về cho người bạn thân của mình là Kê (SN 1995). 

Giống như những viễn cảnh mà Nị từng “vẽ” ra cho Châm, giờ cô cũng “vẽ” lại y chang cho bạn mình. Châm nói nếu sang Trung Quốc, có thể vào làm công nhân trong nhà máy với mức lương cao và lấy được chồng giàu có. Nghe vậy, Kê đồng ý ngay.

Trước sự biến mất đột ngột, bất thường của hai cô gái trẻ, người dân vùng cao xôn xao nghi vấn. Từ những nguồn tin của quần chúng cung cấp, lực lượng PCMT&TP bộ đội Biên phòng tỉnh đã lập ban chuyên án mang bí số 704L để đấu tranh làm rõ.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ban chuyên án biết được cả Châm và Kê đều đã lấy chồng ở Trung Quốc. Thời gian đầu sang Trung Quốc, Kê không hề gọi điện thoại cho người thân biết mình đang ở đâu, làm gì. Nhưng thời gian gần đây, dưới sự chỉ đạo của Nị, Kê lại liên tục gọi điện về quê cho hai người bạn thân của mình là Ớt (SN 1984) và Vân (SN 1987).

Ớt đã có chồng và hai con, còn Vân có chồng con nhưng đang sống ly thân. Kê rủ hai người bạn của mình sang Trung Quốc làm ăn. Nghe lời ngon ngọt của bạn, hai cô gái chưa một lần đi xa khỏi bản làng đã gật đầu, âm thầm chuẩn bị khăn gói lên đường, mang theo ước mơ đổi đời nơi đất khách.

Lực lượng chống ma túy và tội phạm bộ đội biên phòng Thừa Thiên - Huế trong một cuộc tuần tra

Ban chuyên án 704L nhận định, người dân tộc thiểu số sinh sống giáp ranh với vùng biên giới Việt – Lào thường có trình độ học vấn hạn chế. Vì thế Kê không thể gọi điện thoại về rủ rê bạn một cách trôi chảy, suôn sẻ như rót mật vào tai được. Nhất định có sự giúp đỡ của bà “trùm” Nị. 

Đúng như nhận định của các trinh sát, đến ngày 20/6, Nị đã chủ động gọi điện thoại về thông báo cho hai “con mồi”, ngày 26/6 Nị sẽ có mặt ở thị trấn A Lưới để đưa cả hai sang Trung Quốc làm công nhân, lương 10 triệu một tháng. Nị còn hứa sẽ tìm chồng mới giàu có cho cả hai người. Đúng hẹn, Nị xuất hiện ở thị trấn A Lưới vào tối 27/6, ở nhà em gái Nị. Sau đó Nị gọi hai cô gái đến đây để thống nhất ngày giờ lên đường sang Trung Quốc.

Với tinh thần trách nhiệm cao mà ban chuyên án đề ra, tuyệt đối không để tội phạm tổ chức buôn bán đưa người ra nước ngoài trái phép trót lọt, ban chuyên án bố trí ba tổ, một tổ ở mặt đất theo sát đối tượng Nị và hai cô gái; một tổ sẽ lên theo xe khách; tổ còn lại sẽ chốt ở điểm đánh bắt. 

Tờ mờ sáng ngày 29/6, Nị nhờ người chở hai “con mồi” về Bốt Đỏ để kịp đi chuyến xe lúc 6h30 sáng. Nị rất ranh ma. Nị không lên ngồi cùng chuyến xe với hai cô gái mà bí mật thuê xe ôm đi theo sau xe khách để quan sát nhất cử nhất động của Ớt và Vân. Nhưng dù ranh ma và tính toán cặn kẽ, mọi hoạt động của nghi phạm đã nằm gọn trong tầm ngắm của ban chuyên án.

Khi chiếc xe khách lăn bánh rời khỏi A Lưới, ngồi bên cạnh Vân và Ớt trên xe khách chính là trinh sát trong vai một hành khách. Khi xe cập bến xe phía Nam TP Huế, cả hai cô gái xuống xe rồi gọi điện thoại cho Nị. Cả ba gặp nhau. Nị đến dẫn cả hai đi ăn cơm rồi thuê phòng trọ cho hai cô gái nghỉ ngơi. Khi Vân và Ớt nghỉ ngơi, Nị quay lại bến xe mua vé xe đi Quảng Ninh cho cả ba người.

Tuy nhiên, chuyến xe cố định này chỉ xuất bến vào 17h hàng ngày. Sợ chờ lâu dễ bị phát hiện, nên 11h cùng ngày, Nị thuê xe ôm chở hai cô gái lên đường tránh đoạn đi qua TP Huế để đón xe khách Bắc – Nam ra Quảng Ninh, rồi sang Trung Quốc.

Khi chiếc xe khách chở Nị và hai cô gái đến huyện Phong Điền, địa phận giáp ranh với tỉnh bạn, lực lượng trinh sát của ban chuyên án đã phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông công an tỉnh Thừa Thiên - Huế ra tín hiệu dừng xe kiểm tra. Nghi phạm đành tra tay vào còng. Các trinh sát sau đó đã dẫn giải Nị cùng hai nạn nhân về trụ sở của Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh để điều tra mở rộng vụ án. 

Tại cơ quan điều tra, Nị thừa nhận hành vi đưa người ra nước ngoài trái phép. Hai lần trước đều trót lọt, đến lần thứ ba thì bị bắt. 

Xuống biển

Phá xong một vụ án , nếu nhận được lệnh, các chiến sĩ đặc nhiệm lại ngay lập tức từ rừng xuống biển, tiếp tục âm thầm thực hiện nhiệm vụ mới. Nhiều khi cả tháng mới trở về nhà.

Hỏi bất cứ cán bộ, chiến sĩ đặc nhiệm nào, câu trả lời luôn là: “Khi chúng tôi đi thực hiện nhiệm vụ, ngay cả người ruột thịt trong gia đình, cha mẹ, vợ con đều không biết chúng tôi đi đâu, và bao lâu mới trở về. Kể cả điện thoại, người thân cũng không được gọi vì sợ ảnh hưởng đến nhiệm vụ”. Bởi nhiệm vụ lần theo dấu vết, ngăn chặn, phòng và chống tội phạm luôn luôn phải đảm bảo tuyệt đối bí mật.

Những chuyến tuần tra kéo dài cả tháng trời là chuyện thường với các cán bộ chiến sĩ

Lực lượng đặc nhiệm là “mũi nhọn” chuyên trách ngăn chặn, phòng ngừa và chống tội phạm. Vấn đề phòng ngừa còn quan trọng hơn cả chống. Vậy nên, chiến sĩ đặc nhiệm thường xuyên xa nhà, vác ba lô hết địa bàn này đến địa bàn khác. 

Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Phó trưởng phòng Phòng PCMT&TP đã từng cùng đồng đội trong tổ công tác “nằm” tại xã Phong Hải (Phong Điền) liền mấy tháng để thực hiện nhiệm vụ điều tra, ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên sử dụng cỏ Mỹ (một loại gây nghiện như ma túy) đang có nguy cơ “lây lan” khắp cả vùng.

Trong những ngày lần từng nhà, rà từng ngõ, nhiều đối tượng nghiện được các anh thuyết phục, vận động tự nguyện đi cai nghiện. Đồng thời các anh cũng thông báo cho gia đình, địa phương quản lý, giúp đỡ họ để ngăn chặn nguy cơ bị tái nghiện.

Điều khiến Thượng tá Dũng day dứt nhất là trường hợp một sinh viên đại học vốn thông minh và năng động nhưng sa vào con đường nghiện ngập nên bị nhà trường cho thôi học. Cha mẹ đau đớn, bao nhiêu tài sản đều đội nón theo từng cơn nghiện của con trai. Các chiến sĩ trinh sát đã gần gũi tâm tình, động viên, thanh niên này cuối cùng cũng đồng ý cai nghiện.

Có lần lên cơn, sợ mình không không khống chế được cơn nghiện lại sa vào lối cũ, anh ta tự chìa tay ra cầu cứu các anh trói giúp. Lúc thanh niên này tự nguyện vào trại cai nghiện sáu tháng, các anh đã rất vui. Thế nhưng, lòng chùng xuống trĩu nặng khi về với đời sống bên ngoài, chàng thanh niên trẻ lại không đủ nghị lực để dứt bỏ, không thắng nổi cám dỗ chết người.

Nỗi trăn trở không nguôi đã thúc giục những bước chân của các anh mòn dấu trên khắp mọi nẻo đường để truy bắt tội phạm. Hiếm hoi những giây phút hạnh phúc giản dị, được quây quần bên gia đình. Có những cha mẹ già yếu, ốm đau thiếu bàn tay chăm sóc của đứa con trai.

Có những người vợ trong mưa bão, chông chênh, thiếu bờ vai mạnh mẽ của chồng. Có những nỗi nhớ đành cất giữ lại, chỉ biết lặng lẽ đợi chờ. Và biết bao hy sinh thầm lặng khác để những bàn tay, bờ vai ấy vững vàng gánh vác nhiệm vụ nặng nề mà thiêng liêng, giữ gìn bình yên cho cuộc sống.

Đọc thêm