Chuyển đổi năng lượng và giảm thiểu biến đổi khí hậu cho người nuôi tôm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ kết quả ấn tượng của Dự án “Chuyển đổi năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, tỉnh Bạc Liêu đã ban hành chính sách nhân rộng mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Ông Nguyễn Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, đánh giá tại buổi tổng kết dự án, chuyển đổi năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là dự án phù hợp cho người dân và mang lại hiệu quả trong nuôi tôm trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, đánh giá tại buổi tổng kết dự án, chuyển đổi năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là dự án phù hợp cho người dân và mang lại hiệu quả trong nuôi tôm trong thời gian tới.

Dự án “Chuyển đổi năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, do Tổ chức Bánh mỳ Thế giới và Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam đồng tài trợ, triển khai tại huyện Đông Hải trong thời gian 3 năm (2021 - 2023), mới được tổng kết tại huyện Đông Hải.

Dự án “Chuyển đổi năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long” có tổng kinh phí là 920.000 EURO, đã góp phần hỗ trợ gần 5.000 người trong hơn 1.000 hộ gia đình ở chuyển đổi năng lượng trong nuôi trồng thủy sản và kinh doanh dịch vụ hỗ trợ; nuôi tôm dưới tán rừng theo phương pháp hữu cơ; lắp đặt bể biogas xử lý chất thải từ ao nuôi tôm. Từ kết quả ấn tượng này, tỉnh Bạc Liêu đã ban hành chính sách nhân rộng mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt nhằm gia tăng các lợi ích kinh tế cho người nông dân nuôi tôm trong thời gian tới.

Ông Trương Văn Hồng, ấp Phước Thắng A, xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải) chia sẻ, từ khi tham gia Dự án, được hỗ trợ khu vèo thực hành mô hình nuôi tôm quảng canh hai giai đoạn, trong đó tập trung vào giai đoạn vèo tôm, đồng thời tham gia hoạt động đo giám sát trong nhà kính nuôi tôm…, tỷ lệ tôm sống sau khi thả ao nuôi từ khu vèo đạt khoảng 45%. Chất lượng và môi trường sống của tôm được đảm bảo.

Hiện, thu nhập từ bán tôm hàng tháng của ông tăng trung bình khoảng 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/đợt thu hoạch mỗi tháng, nhờ chất lượng sản phẩm tốt, giảm chi phí đầu vào (tỷ lệ sống của tôm cao giúp giảm chi phí con giống).

Nâng cao nhận thức của người dân nuôi tôm về chuyển đổi năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nâng cao nhận thức của người dân nuôi tôm về chuyển đổi năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại tổng kết Dự án, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Lộc – Phó Trưởng khoa môi trường và tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ, thành viên nhóm tư vấn cho biết: "Giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng là một nội dung mới, nhiều thách thức, nhưng cần nghiên cứu, triển khai sớm để góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế”.

Ông Nguyễn Trọng Hán - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) thông tin, trong chiến lược phát triển thủy sản tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bạc Liêu sẽ trở thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước, mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu của tỉnh 1,3 tỷ USD vào năm 2025. Vì vậy, việc dự án được hoàn thành một cách xuất sắc có ý nghĩa to lớn cho những người làm nông nghiệp, phát triển nông thôn theo hướng bền vững.

Theo báo cáo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hải, tổng diện tích nuôi siêu thâm canh của huyện tăng mạnh trong những năm gần đây, đến tháng 6/2023 là 1.094,14 ha/449 hộ. Trước đó, năm 2017 diện tích nuôi là 1,2 ha/3hộ; năm 2018 diện tích nuôi là 110,2 ha/75 hộ; năm 2019 diện tích nuôi là 316,38 ha/117 hộ; năm 2020 diện tích nuôi là 428 ha/216 hộ; năm 2021 diện tích nuôi là 907,2 ha/326 hộ; 11 tháng năm 2022 diện tích nuôi là 1.094,14 ha/449 hộ.

Đọc thêm