Bạc Liêu nêu 3 kịch bản ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều mới chủ trì Hội nghị triển khai “Xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (hạn hán, xâm nhập mặn) mùa khô 2023-2024” trên địa bàn. Tại hội nghị, 3 kịch bản ứng phó thiên tai được nêu ra.
Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Kịch bản thích ứng với biến đổi khí hậu mùa khô năm 2023 - 2024 của Bạc Liêu tập trung chủ yếu vào các giải pháp ứng phó với tình huống diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn (lấy mốc so sánh là mùa khô năm 2015 - 2016).

Kịch bản 1: Giả định tình huống diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023 - 2024 ít gay gắt như mùa khô năm 2015 – 2016; Kịch bản 2: Giả định tình huống diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023 - 2024 gay gắt tương đương như mùa khô năm 2015 – 2016; Kịch bản 3: Giả định tình huống diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023 - 2024 gay gắt hơn như mùa khô năm 2015 - 2016.

Để ứng phó với các tác động của hạn hán, xâm nhập mặn đối với vụ mùa 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bạc Liêu chú trọng Kịch bản 2 (Giả định tình huống diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023 - 2024 gay gắt tương đương như mùa khô năm 2015 – 2016).

Dự kiến, trong mùa khô năm 2023-2024, tình hình cung cấp nước sinh hoạt khu vực nông thôn sẽ gặp khó khăn trong các tháng cao điểm của mùa khô (tháng 3, 4, 5 năm 2024) do mực nước ngầm hạ thấp. Một số hộ dân vùng ven biển, vùng sâu vùng xa chưa có tuyến ống cấp nước sạch sẽ gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Sản xuất vụ Đông Xuân và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh nhìn chung sẽ gặp khó khăn.

Cụ thể, kế hoạch sản xuất mùa khô 2023-2024 sẽ tiếp tục giữ nguyên kế hoạch sản xuất về diện tích lúa vụ mùa (tôm-lúa) trên 42.200 ha; diện tích lúa Đông Xuân gần 45.000 ha; diện tích nuôi trồng thủy sản là hơn 146.000 ha; diện tích muối gần 1.400 ha...

Trong mùa khô 2023-2024, trên địa bàn tỉnh sẽ giảm 2.900 ha lúa Đông-Xuân ở các nơi có nguy cơ thiếu nước ngọt ở khu vực phía Tây trục kênh Vĩnh Phong (huyện Phước Long) và diện tích ven theo các cống thuộc tiểu vùng giữ ngọt (dự kiến Giá Rai khoảng 1.000 ha; huyện Vĩnh Lợi 1.000 ha và huyện Hòa Bình khoảng 300 ha).

Vì vậy, công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn sẽ tập trung từ đầu tháng 12/2023 đến tháng 5/2024.

Ông Phạm Văn Thiều – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chủ trì Hội nghị.

Ông Phạm Văn Thiều – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị, ông Phạm Văn Thiều – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ động phối hợp với các địa phương ưu tiên cung cấp đủ nhu cầu nước tối thiểu cho sinh hoạt của người dân; quán triệt phương châm “không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt”. Bố trí các cống phân ranh mặn - ngọt hợp lý để trữ nước ngọt, lưu ý nếu tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn sâu vào đất liền. Vận hành hiệu quả hệ thống âu thuyền Ninh Quới (huyện Hồng Dân), giải quyết “bài toán” xung đột mặn - ngọt giữa các địa phương, không chỉ trong tỉnh Bạc Liêu mà còn đối với cả vùng giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền đến người dân để nâng cao nhận thức về tác động nghiêm trọng của hạn hán, xâm nhập mặn, chủ động các giải pháp tích trữ nước, đặc biệt tích trữ nước hộ gia đình, nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Cống âu thuyền Ninh Quới (huyện Hồng Dân) để phòng, chống hạn, mặn của tỉnh Bạc Liêu mà còn đối với cả vùng giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng.

Cống âu thuyền Ninh Quới (huyện Hồng Dân) để phòng, chống hạn, mặn của tỉnh Bạc Liêu mà còn đối với cả vùng giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng.

Cũng tại Hội nghị, các Sở, Ban, Ngành, đơn vị, địa phương… tham luận, chia sẻ kinh nghiệm xung quanh vấn đề ứng phó hạn, mặn. Các phương án vận hành các công trình thủy lợi; dự báo biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn có tác động như thế nào đến sản xuất nông; kinh nghiệm điều tiết nước, bố trí sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản và muối trong điều kiện hạn, mặn trong thời gian tới.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu đưa ra các giải pháp công trình như sửa chữa cống, trạm bơm, kéo dài đường ống cấp nước sạch nông thôn, công trình kênh mương tạo nguồn. Cùng đó là tăng cường kiểm tra, duy tu toàn bộ hệ thống cống, trạm bơm, máy bơm, các trạm cấp nước tập trung trong tỉnh để phục vụ phòng, chống hạn hán. Tổng kinh phí ứng phó giảm thiểu thiệt hại dự kiến trên 21 tỷ đồng.

Đọc thêm