Chuyện đời những bác sĩ “sinh nghề tử nghiệp”

(PLO) -Khi nhắc đến những hi sinh thầm lặng của các nhân viên ngành y, bác sĩ Quang nhẹ nhàng: “Nhiều ngày bệnh nhân đông, tôi siêu âm nhiều đến nỗi tay bị chuột rút cứng đơ. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ việc. Trong xã hội mỗi người đều có một công việc để giúp ích cho đời và tôi là bác sĩ của các bệnh nhân lao, như bao công việc khác”. 
Bác sĩ Quang siêu âm cho bệnh nhân
Bác sĩ Quang siêu âm cho bệnh nhân

Bác sĩ “kiêm” bệnh nhân

Nói về cơ duyên đến với nghề, bác sĩ Nguyễn Đức Bằng (SN 1966, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạnh) vui vẻ: “Thời điểm tôi tốt nghiệp, bệnh viện tư còn rất hiếm, nhà nghèo học xong chẳng biết xin ở đâu, nộp đơn vào bệnh viện này thì được nhận luôn…thế là theo ngành phổi”.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề, trưởng khoa nhi chia sẻ: “Các cháu đến đây đều bị bệnh về phổi nên thường khó thở, nhiều bé phải ngồi ngủ rất khổ sở. Sau khi được điều trị bé nằm ngủ ngon lành, đó không chỉ là niềm hạnh phúcvới bố mẹ các cháu mà còn là niềm vui các y bác sĩ”. 

Gắn bó với các em nhỏ, với bệnh lao nên khi làm luận án tiến sĩ, anh chọn đề tài “chuẩn đoán và điều trị lao màng não ở trẻ em Việt Nam”. Năm 2010, khi còn đang quay cuồng giữa bệnh viện và phòng thí nghiệm, anh bất ngờ bị đau đầu dữ dội kèm theo sốt cao. Đang nghiên cứu về lao màng lão nhưng bác sĩ Bằng không thể ngờ được chính mình lại mắc căn bệnh này. 

Anh chia sẻ: “Tôi chỉ bị sốt cao và đau đầu nhưng không có biểu hiện nôn ói, táo bón nên nghĩ cảm thông thường, nhờ các đồng nghiệp chọc dịch màng tủy… “cho vui” không ngờ mắc bệnh”.

Anh cho biết lao màng não là thể lao ít gặp nhưng tỷ lệ tỷ vong lên đến trên 50%, thường để lại di chứng nặng như yếu chi, liệt tay chân, lé mắt, mù mắt… “Lúc đầu tôi có lo lắng đôi chút. Tuy nhiên là người làm trong ngành tôi biết mình mắc thể lao nhẹ nên khi được điều trị tỷ lệ thành công rất cao”, bác sĩ Bằng nhớ lại.

Mặc dù mắc thể nhẹ, nhưng quá trình trong điều trị nó cũng “hành” anh “lên bờ xuống ruộng”. Từ một một đàn ông khỏe mạnh, anh yếu đến mức đi lại phải có người dìu, thậm chí không thể tự giơ tay lên để mặc quần áo. May nhờ được điều trị kịp thời, đáp ứng thuốc tốt nên chỉ 2 tháng sau anh đã có thể tự leo cầu thang. 

Bác sĩ Bằng chia sẻ: “Khi tôi bị bệnh ngoài người thân, đồng nghiệp thì có rất nhiều bệnh nhân tìm đến tận nhà thăm tôi. Có người đi ngồi xe đò suốt đêm chỉ để tặng tôi chục trứng gà nhà. Có người nắm tay tôi khóc: “Nhớ lúc tui bị bệnh bác sĩ hết lòng chăm sóc, giờ bác sĩ bệnh như vầy, tôi xót quá”. Với những bác sĩ như chúng tôi, tình cảm cũng những bệnh nhân chính là món quà quý nhất”.

Đến tháng thứ 6, tuy vẫn đang điều trị nhưng bác sĩ Bằng đã xin ban giám đốc được quay trở lại bệnh viện để làm việc. 

Anh chia sẻ: “Thời điểm đó bệnh viện thiếu người, các đồng nghiệp rất vất vả phải trực, làm thêm triền miên nên tôi xin đi làm sớm. Cùng thời gian đó tôi sang Anh và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về lao màng não ở trẻ em. Dù mắc bệnh nhưng so với một số anh em đồng nghiệp khác tôi may mắn tôi hơn, không bị di chứng”.

Bác sĩ Bằng điều trị cho bệnh nhi 6 tháng tuổi
Bác sĩ Bằng điều trị cho bệnh nhi 6 tháng tuổi
“Công việc giúp ích cho đời”

Người đồng nghiệp thiếu may mắn mà bác sĩ Bằng nhắc tới là bác sĩ Nguyễn Xuân Quang (SN 1958) khoa chẩn đoán hình ảnh.

Nếu bác sĩ Bằng có duyên với nghề do “hoàn cảnh” thì bác sĩ Quang lại đến với nghề do tiếng gọi của tình yêu. Sau khi tốt nghiệp Y Khoa Hà Nội, anh Quang học nội trú ở viện Lao Trung Ương. Năm 1981, anh được cử vào công tác trong một bệnh viện quân đội ở TP.HCM. Đến năm 1985, được rút về Bắc, nhưng thời điểm này chàng bác sĩ trẻ đã nảy sinh tình cảm với một cô gái Sài Gòn. Anh quyết địnhở lại mảnh đất phương Nam để lập nghiệp. Mấy chục năm gắn bó với bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ Quang coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình.

Chia sẻ về nghề nghiệp, anh trầm ngâm: “Lao là bệnh lây, làm ở môi trường mà hàng ngày phải tiếp xúc với hàng trăm bệnh nhân nên khả năng  các y bác sĩ nhiễm bệnh là rất cao”.

Năm 2004, hai người con của anh đều bị thủy đậu. Hơn 1 tuần liền, anh cùng vợ trắng đêm chăm sóc các con. Khi những nốt thủy đậu của các con bắt đầu xẹp xuống cũng là lúc người cha đổ bệnh. 

Bác sĩ Quang kể: “Bản thân tôi bị viêm xoang rất nặng, nên ban đầu khi bị đau đầu và sốt tôi nghĩ do sức khỏe giảm sút nên bệnh viêm xoang tái phát. Tôi nói với gia đình và các đồng nghiệp là khả năng viêm xoang. Nhưng khi những cơn sốt cao dữ dội liên tục hoành hành thì linh cảm nghề nghiệp mách bảo tôi phải thận trọng”. 

Anh sẽ đề nghị các đồng nghiệp chọc dịch não tủy để kiểm tra nhưng bác sĩ trẻ không ai dám thực hiện. Một bác sĩ trẻ nói: “Chọc cho cả trăm bệnh nhân không sao nhưng chọc cho thầy run tay lắm, em không dám làm”. 

Kiên quyết đề nghị, cuối cùng kết quả xét nghiệm xác định bác sĩ Quang bị lao: tiểu não, hành não, màng não. Nghiêm trọng hơn anh mắc thể kháng thuốc rất khó điều trị (cho đến nay, anh là bác sĩ bệnh viện Phạm Ngọc Thạch mắc bệnh lao phức tạp nhất). 

Khi cầm trên tay bệnh án của anh, Phó giám đốc bệnh viện nắm tay anh khóc nghẹn. Bệnh anh rất nặng, nếu may mắn sống sót thì khả năng bị liệt chi, mù mất, điếc, thậm chí sống đời sống thực vật rất cao.

Những ngày tháng chống chọi với bệnh tật khó khăn đến nỗi những lúc anh tưởng chừng nhưng không thể vượt qua. Vợ anh phải xin nghỉ việc ở cơ quan ở nhà chăm sóc chồng. Anh vật vã với những cơn đau đầu dữ dội, mất ngủ triền miên, nôn ói liên tục, sút gần chục ký, đôi chân không thể đi lại được.

Ròng rã điều trị suốt 6 tháng trời, bác sĩ Quang  mới có thể lần tường tập đi. Nếu lao thường chỉ phải uống thuốc từ 6-8 tháng thì thể lao kháng thuốc phải điều trị từ 18-24 tháng.

Nhớ lại thời khắc đó, anh chia sẻ : “Nằm trên giường bệnh tôi càng thông cảm với những người bệnh hơn. Họ nhăn nhó, cáu cáu gắt cũng là do quá đau đớn, mệt mỏi. Hiểu được điều đó khi khám chữa bệnh mình hướng dẫn nhẹ nhàng, động viên họ an tâm chữa trị ”. 

Điều trị được hơn 1 năm, mặc dù vợ và gia đình hết lời khuyên anh chuyển sang bệnh viện khác nhưng bác sĩ Quang kiên quyết xin ban giám đốc cho trở lại làm việc.

Lo lắng anh bị tái phát, ban giám đốc phân anh về khoa vật lý trị liệu, công việc nhàn hạ ít áp lực hơn. Bác sĩ Quang không đồng ý: “Nếu không cho tôi làm đúng chuyên ngành thì tôi nghỉ việc chứ tôi không đồng ý nhận công việc để chờ nghỉ hưu như vậy”. Trước sự kiên quyết của anh, bệnh viện đồng ý phân anh về khoa chẩn đoán hình ảnh. 

Khi nhắc đến những hi sinh thầm lặng của các nhân viên ngành y, bác sĩ Quang nhẹ nhàng: “Sau khi bị bệnh chân tôi rất yếu, không thể đi xe máy, 13 năm nay mỗi ngày đều đi xe ôm đến viện. Nhiều ngày bệnh nhân đông, tôi siêu âm nhiều đến nỗi tay bị chuột rút cứng đơ. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ việc. Trong xã hội mỗi người đều có một công việc để giúp ích cho đời và tôi là bác sĩ của các bệnh nhân lao, như bao công việc khác”.