Chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt

(PLVN) - Trong giai đoạn hiện nay, chuyển đổi số là xu hướng không thể chối bỏ của mọi nền kinh tế và doanh nghiệp Việt cũng không phải ngoại lệ. Nhưng chuyển đổi số như thế nào lại là bài toán mà hầu hết doanh nghiệp Việt vẫn loay hoay không biết cách giải.

Xu thế tất yếu

Nếu như còn ai phân vân rằng chuyển đổi số là việc của người khác, không liên quan đến mình thì câu chuyện của Kodak, một “người khổng lồ”, chắc chắn sẽ khiến họ giật mình nghĩ lại.

Kodak từng là doanh nghiệp nằm top đầu của thế giới khi đỉnh điểm hãng Kodak có doanh thu 1 tháng là 8 tỷ USD (năm 1999), đến từ việc bán cuộn phim, rửa phim. Kodak nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ chết, cho đến năm 2010 xuất hiện một doanh nghiệp được thành lập từ 12 người làm việc rửa ảnh, chụp ảnh, chia sẻ ảnh với chi phí… 0 đồng. Đó chính là Instagram. 

Kodak không chuyển đổi mô hình và thế là doanh số đi xuống. Trên thực tế, người phát minh ra digital camera là thành viên của Kodak, nhưng Ban Giám đốc không đồng ý phát triển mà “đắp chiếu” dự án này. Tất cả điều đó dẫn đến Kodak không chết vào năm 1999, 2000; nhưng chết vào năm 2012.

Trở lại câu chuyện ở Việt Nam, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ Nexttech chia sẻ, phải hiểu ý nghĩa của chuyển đổi số, rằng các ngành truyền thống không mất đi nhưng cách người ta ăn ở, đi lại sẽ thay đổi. Ví dụ, 5 - 10 năm trước, không ai nghĩ vận tải hàng hoá, taxi sẽ “chết” vì ai cũng phải đi. Nhưng giờ người ta đi nhưng theo cách khác, gọi xe theo cách khác, nên nhiều hãng taxi “chết” vì thừa tài xế, thiếu xe. Đó là một câu chuyện về chuyển đổi số.

Hoặc, phở Thìn trăm năm không “chết”, nhưng nếu mãi vẫn như thế thì sẽ không thể phát triển. Bởi khách hàng trẻ hiện nay gọi món online, đem về tận nơi, tức là cách ăn của giới trẻ thay đổi, doanh thu sẽ dồn về doanh nghiệp mới đón đầu được xu thế khách hàng trẻ và hàng ăn truyền thống sẽ bị giảm khách. Chuyển đổi số, công nghệ giúp nhà hàng mở chuỗi nhưng kiểm soát được từng cọng hành, từng bát phở bán ra. Hoặc là Thegioididong ứng dụng công nghệ vào quản trị lĩnh vực bán lẻ và đã “sống”, mở rộng được, phát triển lên mức độ mới, chứ không “bình bình” như những cửa hàng bán điện thoại di động nhan nhản trước đây.

Chuyển đổi số cũng ghi dấu trong cuộc sống như công nghệ được ứng dụng khiến việc “phạt nguội” nhiều hơn và thuận lợi hơn, có thể dẫn đến giảm biên chế cảnh sát vì người dân đi cẩn thận hơn.

“Tôi hay nói doanh nghiệp truyền thống là “chuyển đổi số hay chết”, bởi cách thức kinh doanh truyền thống có thể bị chuyển đổi số “tiêu diệt”, từ ngành nghề vận tải, bác sĩ cho đến bán lẻ, ngân hàng… Những ví dụ đó để truyền cảm hứng cho doanh nghiệp truyền thống, bắt buộc họ thay đổi, phải chuyển đổi số”, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết. 

Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghệ thông tin - Truyền thông (Vietnam ICT Summit 2019), Liên minh Chuyển đổi số Việt Nam đã ra mắt với sự tham gia của 8 doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu
Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghệ thông tin - Truyền thông (Vietnam ICT Summit 2019), Liên minh Chuyển đổi số Việt Nam đã ra mắt với sự tham gia của 8 doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu 

Hiểu đúng về chuyển đổi số

Theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) với 352 tổ chức và doanh nghiệp tại Việt Nam, chỉ 5,1% trả lời chưa hiểu biết và chưa có hành động gì liên quan chuyển đổi số. Tuy nhiên, dù đã tìm hiểu, đa số doanh nghiệp vẫn chưa biết cần làm gì, nên bắt đầu từ đâu, thậm chí chưa hiểu tin học hóa khác với chuyển đổi số ra sao.

Trong một phiên thảo luận chuyên đề mới đây về chuyển đổi số, ông Lương Tuấn Thành, Giám đốc công nghệ Tập đoàn CMC cho rằng, chuyển đổi số đối với doanh nghiệp không chỉ là câu chuyện công nghệ mà còn là đổi mới mô hình kinh doanh. Đây là câu chuyện dài, chủ yếu nằm ở con người. “Chuyển đổi số là một thách thức rất lớn cho mỗi doanh nghiệp, bởi mỗi doanh nghiệp đều đang theo đuổi công việc hiện tại, trong khi chuyển đổi số lại bao gồm nhiều hình thức hoàn toàn mới. Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải đầu tư đào tạo nguồn lực mới mà chính xác là làm thay đổi nhận thức mới cho những con người đang hoạt động trong một lĩnh vực cũ”, ông Thành cho biết.

Còn ông Vũ Minh Trí, CEO VNG Cloud nhận định, chuyển đổi số hiện là vấn đề bức bách, mọi doanh nghiệp đều phải thực hiện trong thời đại cạnh tranh công nghệ 4.0 như hiện nay. “Nhưng làm bằng cách nào thì từ nội tại mỗi doanh nghiệp phải tự hiểu mình muốn gì, hiểu cơ hội bên ngoài như thế nào, từ đó doanh nghiệp biết mình phải có hành động gì, chuyển đổi những gì”, ông Trí nói. 

Có nhiều câu chuyện thành công của chuyển đổi số, nhưng trước thực tế hơn 80% doanh nghiệp trong nước đang gặp tình trạng thất bại khi thực hiện chuyển đổi số, ông Vũ Minh Trí cho rằng, việc chuyển đổi số theo phương thức cũ là số hoá đơn thuần hoạt động của doanh nghiệp đã khiến cho doanh nghiệp Việt chuyển đổi số thất bại. Họ vừa tốn kém chi phí “khủng” cho việc đầu tư trang thiết bị công nghệ, vừa không biết làm gì với khối lượng dữ liệu khổng lồ sau khi số hoá. 

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chưa thực sự quyết tâm trong việc chuyển đổi số, cho rằng doanh nghiệp vẫn có thể kiếm tiền được từ mô hình kinh doanh cũ, dẫn tới khi các doanh nghiệp nước ngoài giàu tiềm lực nhảy vào thị trường thì lao đao vì không thể cạnh tranh lại. “Cả hai yếu tố này đều có điểm mấu chốt nằm ở con người”, ông Trí nói.

Là người có trải nghiệm chuyển đổi số cho doanh nghiệp từ năm 2005, ông Nguyễn Hòa Bình, đại diện NextTech kể lại, ông đã đi gặp nhiều doanh nghiệp cần chuyển đổi số, thì thấy, cách nhìn của họ đơn giản và không hiểu chuyển đổi số là làm gì. “Lãnh đạo doanh nghiệp rất mông lung. Tôi đã đưa ra hình ảnh để họ dễ hình dung, rằng bản chất chuyển đổi số không phải cái gì mới mà là quá trình tiếp theo, chuyển đổi cách truyền tin, từ đó tạo ra cách truyền tin nhanh hơn, để người lãnh đạo có thể đưa ra quyết sách kịp thời, nhờ đó mang đến nhiều cơ hội thành công hơn”, ông Bình cho biết.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa 

Con đường chuyển đổi số nào dành cho doanh nghiệp?

Khi thế giới đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng 4.0 kiến tạo xã hội số, tại Việt Nam, dự thảo Đề án Chuyển số Quốc gia đã đưa ra 3 giai đoạn chuyển đổi số nhằm hướng tới chuyển đổi số toàn diện, với nền kinh tế, xã hội vận hành dựa trên công nghệ số và đổi mới và sáng tạo.

“Hiện nay chuyển đổi số là tất cả thông tin, cơ sở dữ liệu thông qua các phần mềm và dữ liệu mang tính quyết định chiến lược cao hơn cho các chủ doanh nghiệp. Doanh nghiệp vẫn thường bị “hù dọa” là “chuyển đổi số hay là chết”, nhưng chắc chắn nếu không chuyển đổi số doanh nghiệp sẽ chết vì hiện nay, theo phân tích có khoảng 20 loại hình doanh nghiệp cũng như các ngành nghề có thể bị quá trình chuyển đổi số “tiêu diệt”, ông Nguyễn Hòa Bình nói: “Các ngành bị tác động lớn từ vận tải cho đến y khoa hay lĩnh vực bán lẻ… đều nhìn thấy bóng dáng của doanh nghiệp công nghệ thông tin đang dần chiến thắng các doanh nghiệp truyền thống”.

Dù tuỳ ngành nghề khác nhau mà có tốc độ chuyển đổi số khác nhau, nhưng con người, thể chế và công nghệ đều quan trọng và phải song hành. Từ phân tích của các chuyên gia cho thấy, thời gian qua chuyển đổi số chậm cơ bản là do con người; và vì thế yếu tố phải giải quyết đầu tiên là thay đổi nhận thức.

Còn ông Vũ Minh Trí, CEO VNG Cloud thì nhìn nhận việc chuyển đổi số cho doanh nghiệp cụ thể hơn: “Với chuyển đổi số, doanh nghiệp cần bắt đầu từ mục tiêu, từ đích đến: Xác định rõ mình muốn gì rồi tìm giải pháp để đạt được mục đích đó. Đó là cách tiếp cận kiểu mới: Doing & Discovering, tức là cứ làm đi, gặp vấn đề thì giải quyết”. Do đó, người dẫn dắt hành trình chuyển đổi số của một doanh nghiệp nên là người làm kinh doanh (Sales), thay vì bộ phận IT như tư duy thông thường.

“Người làm IT thường có xu hướng số hoá toàn bộ hoạt động của công ty. Nhưng người làm kinh doanh thì mới hiểu doanh nghiệp đang gặp khó khăn gì, cần gì để giảm chi phí, tăng doanh thu và tìm giải pháp công nghệ cho đúng những điểm then chốt”, ông Trí lý giải. 

Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, hướng tới xây dựng cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng dự thảo Đề án Chuyển đối số quốc gia với những mục tiêu cụ thể và táo bạo như: Đến năm 2020, kinh tế số gia tăng 20% mỗi năm; Việt Nam thuộc nhóm 20 nước dẫn đầu thế giới và top 3 ASEAN về chỉ số cạnh tranh toàn cầu; xếp hạng top 50 thế giới và top 3 ASEAN về chỉ số cạnh tranh toàn cầu; xếp hạng top 50 quốc gia về Chính phủ điện tử với 100% thủ tục hành chính được cung cấp ở cấp độ 3 và 4, đặc biệt, năng suất lao động xã hội tăng trưởng từ 8-10% mỗi năm.

Đọc thêm