Những câu chuyện truyền “cảm hứng số”
Thời gian qua, trên nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử TikTok, sản phẩm miến dong thái tay sợi to của tài khoản có tên Sùng Thị Bầu trở nên vô cùng “hot” với gần 100 nghìn lượt mua. Sùng Thị Bầu là cô gái sinh năm 2002 sống tại vùng cao cách thành phố Điện Biên 30km. Thoạt đầu, Sùng Thị Bầu dùng TikTok để đăng tải video chia sẻ cuộc sống thường ngày về con người, văn hoá nơi địa phương mình sinh sống. Sau một thời gian lập kênh, Sùng Thị Bầu nhận được nhiều sự ủng hộ của người dùng TikTok, cũng như sự “mách nước” thử kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.
Sau một thời gian tìm tòi, cân nhắn, nhận thấy tiềm năng từ sản phẩm miến dong sợi to bản địa, hai vợ chồng Sùng Thị Bầu bắt tay vào mở gian hàng trên sàn điện tử, đăng sản phẩm, quay video giới thiệu sản phẩm… Sản phẩm ban đầu được mọi người mua nhiều với lý do “ủng hộ”, sau đó thì thành yêu thích thật sự vì không ai nghĩ miến dong sợi to lại ngon và lạ miệng đến thế. Tiếng lành đồn xa, sản phẩm miến dong sợi to bản địa của hai vợ chồng Sùng Thị Bầu trở thành mặt hàng “hot” trên nền tảng TikTok. Cứ nhắc đến miến dong sợi to là người mua sẽ nhớ ngay đến thương hiệu miến dong Sùng Thị Bầu. Từ chỗ không có tiền để sinh con, hai vợ chồng Sùng Thị Bầu đã xây được nhà ở tuổi 21. Không chỉ làm giàu cho mình, thông qua kênh TikTok Sùng Thị Bầu còn giúp đỡ các em nhỏ nơi cô sống và làm cầu nối đưa tình cảm của các mạnh thường quân đến thôn làng.
Chảo Thị Yến ở xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai cũng là một cái tên được nhiều người biết đến trên mạng xã hội bởi những video kể lại nhiều câu chuyện thú vị của cộng đồng người Dao Tuyển về ẩm thực, trang phục, phong tục tập quán, cuộc sống hàng ngày của miền sơn cước… để quảng bá những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Kho tàng những câu chuyện đời thường, những nét đẹp văn hóa dân tộc xuất hiện gần gũi, chân thực trên các nền tảng mạng xã hội của cô, đóng góp không nhỏ vào quá trình khôi phục, giữ gìn, giới thiệu nét đẹp văn hóa của dân tộc Dao nơi miền sơn cước.
Từ thành công ban đầu, ngày 10/7/2023, Hợp tác xã Tri thức - Bản địa Goong (trong tiếng Dao, Goong có nghĩa là tốt đẹp) đã ra đời. Đây là kết quả của quá trình “thai nghén” trong hành trình gắn bó của Chảo Thị Yến cùng bà con, bản làng hướng tới mục tiêu đẩy mạnh thương mại các sản phẩm của người Dao, đặc biệt tập trung vào các sản phẩm tri thức bản địa đã được tích lũy từ hàng ngàn năm, như việc sử dụng các loại cây, lá rừng để chữa bệnh, các bài thuốc nam, hay các sản phẩm nông sản được canh tác theo hướng thuận tự nhiên...
Nói về lý do thành lập hợp tác xã cũng như ước mơ về tương lai, Chảo Thị Yến cho biết, khi xây dựng kênh cá nhân trên mạng xã hội ban đầu chỉ với mục đích truyền cảm hứng, nhưng rồi nhận thấy nếu như bản thân chưa thực sự thành công và có những thành quả thiết thực giúp cộng đồng thì cảm hứng chỉ mãi là trên giấy. Vì thế, cô đã đi tới quyết định phải làm giàu, kiếm được tiền và tạo được sinh kế cho cộng đồng thì mới có chỗ đứng nhất định.
Nhận thấy tiềm năng bán hàng trên nền tảng mạng xã hội, Chảo Thị Yến đã có hướng dẫn cho các nhóm nông dân, phụ nữ dân tộc thiểu số để họ bước đầu tiếp cận với nền tảng bán hàng số. Từ những việc nhỏ, nhờ biết cách tận dụng công nghệ số, cô gái dân tộc Dao đã mang về lợi nhuận kinh tế và tạo sinh kế cho cộng đồng tại địa phương. “Chảo Yến luôn có ước mơ là sẽ làm được nhiều điều có ích cho đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, Yến hy vọng Hợp tác xã Tri thức - Bản địa Goong sẽ là cầu nối tiêu thụ sản phẩm cho bà con, khắc phục thực tế tự cung, tự cấp, tác động đến kinh tế một cách tích cực, rõ ràng hơn”, cô cho biết.
Để không ai bị bỏ lại phía sau
|
Sản phẩm miến dong sợi to bản địa của Sùng Thị Bầu thành công trên sàn thương mại điện tử. (Ảnh từ Shopee). |
Qua hai câu chuyện trên đây có thể thấy, chuyển đổi số là cơ hội lớn để chị em phụ nữ nắm bắt thông tin, tiếp cận với các mô hình kinh doanh mới, thị trường, tạo ra các giá trị mới. Thực vậy, bởi một nghiên cứu quốc tế chỉ ra rằng, nếu có thêm 600 triệu phụ nữ và trẻ em gái truy cập các dịch vụ trực tuyến trên khắp thế giới có thể dẫn đến GDP toàn cầu tăng 18 tỷ USD.
Với cam kết thúc đẩy chuyển đổi số, Việt Nam triển khai “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng phê duyệt năm 2020 tập trung vào ba trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Song song với cam kết và hỗ trợ mạnh mẽ từ các cơ quan nhà nước cùng các thành phần trong hệ sinh thái, quá trình chuyển đổi số và nâng cao năng lực số cho nguồn nhân lực tại Việt Nam vẫn tồn tại nhiều thách thức như sự phức tạp của các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI) và đặc biệt, khoảng cách về giới trong lĩnh vực công nghệ số còn khá lớn.
Do đó, tại buổi đối thoại chính sách với chủ đề “Bình đẳng giới trong chuyển đổi số ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức” do cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam tổ chức tháng 3/2023, vấn đề đặt ra là làm thế nào để phá bỏ rào cản và trao quyền cho phụ nữ một cách toàn diện trong các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam hiện nay. Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, việc nhận thức rõ các vấn đề giới nảy sinh trong bối cảnh chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan chức năng liên quan hoàn thiện khung khổ chính sách, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ và trẻ em gái có cơ hội tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực này.
Cuối tháng 1/2024, tại Toà nhà Xanh Một Liên hợp quốc (Hà Nội) 30 học viên xuất sắc nhất của Chương trình đào tạo Empower Her Tech - Nâng cao kỹ năng số cho phụ nữ trẻ khởi nghiệp đã có cơ hội gặp gỡ, trình bày và thảo luận để hoàn thiện dự án nhóm và dự án cá nhân với đại diện Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) trong lễ tổng kết Chương trình. Chương trình đào tạo Empower Her Tech - Nâng cao kỹ năng số cho phụ nữ trẻ khởi nghiệp do UNDP phối hợp cùng Alobase tổ chức nhằm nâng cao kỹ năng số cho nữ doanh nhân trẻ và phụ nữ có độ tuổi 18 - 35 có ý tưởng khởi nghiệp phi công nghệ. Song song đó, chương trình đem lại những kiến thức cơ bản về trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ kỹ thuật số 4.0 cần thiết để phụ nữ trẻ có thể cải thiện hiệu suất công việc và mang lại lợi ích cho doanh nghiệp của mình.
Chính thức phát động vào ngày 15/12/2023, chương trình đã nhận được nhiều sự quan tâm phụ nữ trẻ, thu hút gần 300 đơn đăng ký tham gia từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Sau vòng tuyển chọn hồ sơ, 60 học viên được lựa chọn, bao gồm phụ nữ trẻ từ các cộng đồng yếu thế như người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, cộng đồng LGBTIQ+. Các học viên đã trải qua 10 buổi học về các học phần nâng cao kỹ năng số gồm ứng dụng Wix (công cụ khởi tạo website không cần lập trình), công nghệ trí tuệ nhân tạo khởi sinh (Generative AI) và Canva (công cụ thiết kế dành cho dân không chuyên). Xuyên suốt khoá học, chương trình đã nhận về nhiều phản hồi tích cực từ phía học viên, giảng viên và giúp ích cho công việc kinh doanh của phụ nữ trẻ khởi nghiệp tại Việt Nam.
Ghi nhận sự đóng góp của Chương trình đào tạo Empower Her Tech trong việc thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực công nghệ số, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam khẳng định: “Đây là những bước thiết thực trong nỗ lực xây dựng kỹ năng kỹ thuật số và nâng cao năng lực lãnh đạo, đồng thời là bước đột phá để đưa doanh nghiệp lên một tầm cao mới, thúc đẩy sự phát triển bền vững cho tất cả mọi người”. Trong thời gian tới, Chương trình đào tạo Empower Her Tech sẽ tiếp tục và hướng đến xây dựng cộng đồng doanh nhân trẻ là phụ nữ, hỗ trợ lan tỏa và thúc đẩy phong trào áp dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh của mình.
Có thể thấy việc nâng cao nhận thức về các cơ hội giáo dục và xoá bỏ khuôn mẫu giới trong chương trình giảng dạy, định hướng nghề nghiệp, đặc biệt là trong đào tạo các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) được xem là “chìa khoá” để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào chuyển đổi số. Và vấn đề trang bị cho phụ nữ các kỹ năng và hỗ trợ họ chuyển đổi sang các hình thức việc làm liên quan đến kỹ thuật số là rất quan trọng để bảo đảm rằng phụ nữ không bị bỏ lại phía sau.
Tại Việt Nam, theo điều tra mức sống dân cư năm 2021, tỷ lệ người dân được tiếp cận internet và điện thoại khá cao, song vẫn còn một khoảng cách giữa phụ nữ và nam giới. Tỷ lệ phụ nữ sử dụng internet là 70% so với nam giới là 78%; tỷ lệ phụ nữ sử dụng điện thoại là 87% so với nam giới là 93%. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), lao động nữ chiếm khoảng 37% lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam, cao hơn so với thế giới (25%). Tuy nhiên, phần lớn phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ vẫn chủ yếu đảm nhiệm các vị trí khác như thử nghiệm, marketing, bán hàng, hành chính và nhân sự, hơn là các vai trò kỹ thuật như nhân viên phát triển phần mềm... Theo nghiên cứu của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Việt Nam có ít cơ hội tiếp cận và sử dụng nguồn lực số hơn so với nam giới. Điều này cản trở việc phụ nữ tận dụng các nguồn lực số cho mục đích học tập và công việc. Trong khi đó, công nghệ thông tin đang tác động làm thay đổi mô hình việc làm, một số công việc sẽ cần ít lao động hơn, trong đó lao động nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn.