Chuyển đổi số ngành Thuế: Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chia sẻ về định hướng chuyển đổi số của ngành Thuế giai đoạn 2021 - 2025, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh, ngành Thuế sẽ tiếp tục lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh.

Hoàn thiện môi trường pháp lý, phát triển hạ tầng

Tại Diễn đàn Thuế - Hải quan năm 2023 vừa diễn ra, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, trong những năm qua, ngành Thuế luôn nỗ lực cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý, từ việc hoàn thiện môi trường pháp lý đến phát triển hạ tầng, cung cấp các dịch vụ thuế điện tử theo hướng tích hợp, tập trung, đáp ứng yêu cầu Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.

“Với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp (DN) làm trung tâm để phục vụ, ngành Thuế đã và đang triển khai nhiều dự án, nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý thuế (QLT) và chuyển đổi số (CĐS) một cách toàn diện. Ngành Thuế xác định mục tiêu chiến lược là cần phải cung cấp dịch vụ điện tử và các công cụ hỗ trợ cho người dân, DN để giúp họ tham gia quá trình CĐS…” - Lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định.

Cụ thể, thời gian qua, Tổng cục Thuế đã triển khai nghiêm túc các Nghị quyết của Chính phủ với mục tiêu cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC), đơn giản hóa quy định về hoạt động kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử, tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế (NNT).

Xác định CĐS chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân, DN tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà CĐS mang lại, ngành Thuế đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh cải cách, ứng dụng CNTT, hiện đại hóa công tác QLT như: Triển khai ứng dụng QLT tập trung TMS; hóa đơn điện tử (HĐĐT); HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền; phân tích, phân loại rủi ro trong hoàn thuế; ứng dụng AI trong phân tích chuỗi liên kết mua bán trên HĐĐT…

Nhằm hỗ trợ NNT trong việc khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử nhanh chóng, thuận tiện, ngành Thuế cũng đã triển khai cung cấp các dịch vụ thuế điện phục vụ cho người dân và DN (từ năm 2009) và dịch vụ hoàn thuế điện tử (từ năm 2017). Đặc biệt từ tháng 6/2023, ngành Thuế đã triển khai ID khoản phải nộp hỗ trợ NNT tra cứu, xác định các khoản nộp theo tính chất, thứ tự thanh toán.

Phát triển công nghệ thông tin tích hợp, tập trung

Chia sẻ về định hướng CĐS của ngành trong giai đoạn 2021 - 2025, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết, ngành Thuế xác định các giải pháp phát triển CNTT ngành Thuế theo hướng tích hợp, tập trung, lấy người dân, DN làm trung tâm, đáp ứng yêu cầu Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.

Cụ thể, ngành Thuế định hướng phát triển hệ thống CNTT tích hợp, tập trung, bảo đảm lấy người dân, DN làm trung tâm, công khai, minh bạch, hiệu quả, tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động, cũng như bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả của quản lý nhà nước; Cung cấp các dịch vụ thuế số và các dữ liệu điện tử để tạo thuận lợi cho NNT, góp phần nâng cao xếp hạng của Việt Nam về mức độ đơn giản, thuận lợi về thuế; Xây dựng các nền tảng tích hợp, nền tảng dữ liệu lớn để cung cấp thông tin đầy đủ cho việc chỉ đạo điều hành, kết nối trao đổi thông tin liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước, hỗ trợ công tác QLT, quản lý rủi ro thuế và hoạch định chính sách.

Đặc biệt, ngành Thuế sẽ ứng dụng các thành tựu công nghệ mới phù hợp với chuẩn mực quốc tế nhằm xử lý tự động các quy trình nghiệp vụ QLT và phân tích dữ liệu lớn phục vụ công tác hoạch định chính sách, dự báo số thu, tuyên truyền hỗ trợ NNT, quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ và thanh tra, kiểm tra thuế, điều tra thuế... Phát triển hạ tầng kỹ thuật CNTT, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, bảo đảm vận hành liên tục, hiệu quả, an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu. Trong đó, hệ thống CNTT được phát triển theo định hướng Chính phủ điện tử và Chính phủ số.

“Trong giai đoạn tới, trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Thuế sẽ có nhiều cơ hội và thách thức cho sự phát triển. Chính vì vậy, để có được sự thành công của CĐS, ngành Thuế cần triển khai nhiều dự án, nhiệm vụ ứng dụng CNTT trong công tác QLT và CĐS một cách toàn diện…” - Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho hay.

Cụ thể là xây dựng kho cơ sở dữ liệu thuế và phát triển hệ thống phân tích dữ liệu, quản lý rủi ro; mở rộng các dịch vụ thuế điện tử; Chatbot hỗ trợ NNT; mở rộng bản đồ số hộ, cá nhân kinh doanh; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, an toàn an ninh theo định hướng CĐS.

“Triển khai thành công các nhiệm vụ nêu trên sẽ góp phần đẩy mạnh quá trình CĐS ngành Thuế nói riêng và chiến lược CĐS Quốc gia nói chung” - Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh.

Đọc thêm