Chuyển đổi xanh: 'Chìa khóa' để doanh nghiệp hội nhập quốc tế

(PLVN) -  Lộ trình chuyển đổi xanh là xu thế không thể đảo ngược, bắt buộc các doanh nghiệp phải tham gia nếu muốn tham gia vào cuộc chơi toàn cầu.
DN cần chủ động tham gia lộ trình chuyển đổi xanh. (Ảnh minh họa)

Xu thế đòi hỏi trên toàn thế giới

Ông Vũ Chí Công - Đại diện Quỹ đầu tư Vinacapital cho biết, trước đây khi đầu tư các quỹ đầu tư chủ yếu quan tâm đến yếu tố dòng tiền, quản trị nhưng gần đây đa phần các quỹ quan tâm nhiều hơn đến yếu tố môi trường - xã hội và quản trị (gọi tắt là ESG). Hiện các dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng quan tâm đến các yếu tố này, ngoài ra còn yêu cầu thêm việc tuân thủ các cam kết quốc tế về khí hậu môi trường. Đáng chú ý, ông Công thông tin, hiện đã có hơn 4.000 quỹ đầu tư chuyên đầu tư vào các dự án mang xu hướng ESG với tổng số vốn lên đến hàng trăm ngàn tỷ USD.

Bà Phạm Thu Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban IV (Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho rằng, thực ra, doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã thực hành ESG một cách rời rạc từ nhiều năm trước. Khoảng 1 năm trở lại đây, các yếu tố liên quan được nâng lên như yêu cầu kiểm kê phát thải nhà kính, tham gia các chương trình nhãn xanh… đều là những yếu tố rời rạc trong bài toán lớn ESG đang được đặt ra trên toàn cầu.

“Từ trước chúng ta vẫn đề cập đến khái niệm “phát triển bền vững”. Khái niệm này nghe thì rất mơ hồ nhưng hiện nay, sau khi thực hành những yếu tố rời rạc thì đã có thể thấy khái niệm này hiện diện rất rõ ràng. Đó là cuộc chơi bắt buộc mà mọi DN phải tham gia và gắn chặt với bài toán ESG mà nhiều tổ chức quốc tế đang yêu cầu mạnh mẽ” - bà Thủy phân tích.

Ông Công cũng khẳng định, đúng là các yếu tố rời rạc liên quan đến ESG đều đã được nghe nói và thực hành ở một vài công đoạn nào đó nhưng gần đây được gom lại để đồng triển khai, mang đến một tiêu chuẩn thực hành mới. Do đó, Vinacapital thường thẩm định chuyên sâu về ESG trước khi ra quyết định đầu tư vốn cho tư nhân, cân nhắc những rủi ro liên quan đến ESG trong quá trình đánh giá các cơ hội đầu tư.

Đáng chú ý, ông Công thông tin: “Chúng tôi sẽ thoái vốn khi nhận được bằng chứng về những vi phạm nghiêm trọng liên quan đến ESG hoặc DN không thực hiện quản trị các rủi ro liên quan đến ESG đã được xác định vì các nhà đầu tư quốc tế luôn yêu cầu tích hợp tất cả các yếu tố ESG vào để DN thực hiện”.

Thậm chí, thông tin đưa ra tại Hội thảo Lộ trình chuyển đổi xanh và những điều doanh nghiệp cần biết (tổ chức ngày 14/4) cho thấy, một số chuỗi cung ứng đã thẳng thắn cho biết, DN phải có ESG mới tiếp tục “nói chuyện”, chưa có thì không thể tiếp tục bàn về câu chuyện đầu tư hay vào chuỗi.

Doanh nghiệp tư nhân nên chủ động lựa chọn

TS Nguyễn Phương Nam, Giám đốc Công ty Tư vấn và Đổi mới khí hậu KLINOVA cho biết, tại COP 26 Thủ tướng Chính phủ đã cam kết phát thải ròng vào năm 2050, đến COP 27 Việt Nam được cam kết nhận hỗ trợ 15,5 tỷ USD trong 2 - 3 năm tới để thực hiện chuyển dịch năng lượng công bằng. Do đó, thực hiện cam kết là trách nhiệm chung của toàn xã hội nhưng cũng là trọng trách của DN, trong đó khối tư nhân cần có trụ cột quan trọng để vừa giúp Chính phủ thực hiện cam kết vừa giúp chính DN theo đuổi chiến lược chuyển đổi xanh phù hợp với xu hướng trên toàn thế giới.

Theo ông Nam, tài chính công không đủ cho các mục tiêu về thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Theo thực tiễn ở các nước đang phát triển cho thấy, khu vực tư nhân chiếm khoảng 60% đầu tư toàn cầu liên quan đến vấn đề khí hậu nhưng DN lại vận hành rất thị trường, vấn đề nào có lợi nhuận mới làm. Do đó, DN phải biến thách thức thành cơ hội sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, DN phải xây dựng các hệ thống phòng tránh rủi ro trong quá trình hoạt động; Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên theo hướng không chỉ là việc tiết kiệm chi phí cho DN mà mà sản phẩm đến tay khách hàng cũng sẽ có thể được hiệu quả, tiết kiệm; Đầu tư kinh phí phát triển vốn tự nhiên, ứng dụng khoa học công nghệ mới thân thiện với môi trường.

Đặc biệt, khối DN tư nhân cần tái cấu trúc phát triển mô hình kinh doanh trong dài hạn, hướng tới và chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu về xanh và bền vững cho sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp; “Điều quan trọng là phát triển và hình thành bộ phận chuyên trách về “xanh/bền vững” tại cấp lập chiến lược. Hiện nay ở Việt Nam mới chỉ có rất ít DN thành lập được bộ phận này. Ngoài ra, DN cần xây dựng thói quen/quy định nội bộ thống kê số liệu sản xuất theo các bộ chỉ số phát triển bền vững để hướng đến hoàn thiện các công bố thông tin ESG” - ông Nam lưu ý.

Ông Nam khẳng định, việc thống kê nội bộ theo chỉ số phát triển bền vững chưa bắt buộc tại Việt Nam và hiện cũng mới chỉ có khoảng 300 DN thực hiện công việc này nhưng nếu DN muốn chuyển đổi và đi cùng xu thế thì nên chủ động làm. Bởi việc này giúp DN chứng minh được số liệu trong quá trình chuyển đổi xanh của DN, sẽ mang lại cho DN rất nhiều lợi ích thiết thực trong xu thế hiện nay.

Đọc thêm