Việt Nam có khoảng 4 triệu đến 8 triệu người bị khô mắt ở các mức độ
Bệnh nhân Trần Tiến H. ở Hà Nội đang điều trị tại Bệnh viện Mắt Quốc tế DND cho biết, mắt của anh bị rối loạn lớp chất béo tức là lớp bảo vệ ngoài cùng của mắt. Anh đã phải sống chung với bệnh này khoảng 6 năm qua.
“Sáng dậy nhiều khi mình bị khô mắt và khó chịu, không muốm mở mắt ra, Sử dụng điện thoại tầm 15-20 phút rất khó chịu. Mình đã đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa mắt và được bác sĩ cho biết là bị bệnh khô mắt”- anh H kể.
Khi bị các bệnh liên quan đến mắt, đặc biệt trẻ em nên đến chuyên khoa sâu về mắt để được chẩn đoán, điều trị hợp lý
Bệnh nhân Trần Tiến H chỉ là một trong số từ 4-8 triệu bệnh nhân mắc bệnh lý khô mắt ở các mức độ nặng và nhẹ khác nhau.
Tại Hội thảo Đánh giá tình trạng khô mắt và hướng điều trị trên bệnh nhân sau phẫu thuật khúc xạ do Bệnh viện Mắt quốc tế DND tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đăng Dũng, Giám đốc Bệnh viện này cho biết, bệnh khô mắt ảnh hưởng tới hàng trăm triệu người trên thế giới và là nguyên nhân phổ biến khiến mọi người đi khám mắt.
Theo đó, nếu có cảm giác mắt bị cộm, mí mắt như có sạn, hoặc mỏi mắt khi nhìn lâu vào máy tính… rất có thể bạn đã mắc bệnh khô mắt. Vào thời tiết hanh khô, lạnh, độ ẩm thấp như thời tiết hiện tại ở miền Bắc và miền Trung, lớp nước trên mắt bốc hơi nhanh hơn, bề mặt mắt khô hơn, dẫn đến các triệu chứng của khô mắt càng biểu hiện rõ rệt, người bệnh cũng thấy khó chịu hơn.
“Điều đáng nói là nhiều người thường bỏ qua bệnh này do những biểu hiện của bệnh rất giống với những phản ứng thông thường khi mắt bị mỏi hay khi tiếp xúc với khói, bụi. Song bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm dẫn đến viêm mắt, nhiễm khuẩn, gây sẹo bề mặt giác mạc, giảm thị lực hoặc mất thị lực vĩnh viễn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời”- ông Nguyễn Đăng Dũng nói.
Với bệnh khô mắt, người bệnh thường phải điều trị lâu dài, trong đó tập trung vào việc giữ gìn vệ sinh mắt. Đối với bệnh nhân phẫu thuật các tật khúc xạ về mắt càng cần phải lưu ý nhiều hơn.
Nguyên nhân của bệnh khô mắt
Bệnh khô mắt xuất phát từ tổn thương, rối loạn của các lớp bảo vệ mắt. Các yếu tố gây nên tổn thương rối loạn gồm:
- Sử dụng máy tính, điện thoại quá nhiều…
- Môi trường khói bụi, ô nhiễm.
- Sử dụng các loại thuốc huyết áp, lợi tiểu, thần kinh…
- Tuổi tác.
- Phẫu thuật các bệnh về mắt.
Cách phòng tránh bệnh khô mắt:
Với các nguyên nhân môi trường, thói quen sinh hoạt, làm việc, sử dụng thuốc… người bệnh cần tự chủ động điều tiết trong chế độ sinh hoạt, chữa bệnh.
Với nguyên nhân do các phẫu thuật về mắt, quan trọng nhất là cần lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp để loại trừ nguy cơ bị bệnh khô mắt sau phẫu thuật. Đặc biệt là phẫu thuật các tật khúc xạ, tức là phẫu thuật chữa cận, loạn, viễn thị…
Một ca phẫu thuật mắt cho bệnh nhân
Theo các chuyên gia nhãn khoa, hiện phương pháp smile là phương pháp tiên tiến nhất và đã có mặt tại Việt Nam.
BS Nguyễn Đăng Dũng cho biết: "Với kỹ thuật smile đường rạch mổ khoảng 2mm giúp ít bị tổn thương về nội thần kinh, ít bị tổn thương trên giác mạc và dẫn tới tình trạng khô mắt nó có thể là gần như rất ít. Chỉ sau 1 - 2 tuần, mắt có thể trở lại bình thường và tránh được hiện tượng khô mắt".
Điều trị bệnh khô mắt thế nào?
- Nếu đã mắc bệnh khô mắt, điều quan trọng nhất là người bệnh cấn giữ vệ sinh mắt bằng cách: rửa mặt nhẹ nhàng bằng khăn ấm, nước sạch. Đeo kính bảo vệ khi ra đường..
- Cung cấp độ ẩm thường xuyên cho mắt bằng cách sử dụng các loại nước mắt nhân tạo.
- Nếu tình trạng khô mắt kéo dài có thể gây tổn thương giác mạc, suy giảm thị lực. Vì vậy cần thường xuyên tới khám bác sĩ chuyên khoa mắt để phát hiện kịp thời các tổn thương.
BS Nguyễn Đăng Dũng cũng cảnh báo hiện trên mạng xã hội rất nhiều những quảng cáo chữa các bệnh ở mắt bằng yoga, mát xa. Nhiều bậc phụ huynh đổ xô cho con đi tập, từ chối đeo kính, không cho con khám bác sỹ.
Trước thực tế trên bác sỹ Dũng cho rằng, tập yoga, mát xa để chữa bệnh mắt, phục hồi chức năng thị giác cho bệnh nhân là không có cơ sở khoa học. Bất cứ một phương pháp nào muốn được sử dụng để chữa bệnh cho người phải được sự đồng ý của Bộ Y tế.
"Muốn phục hồi thị giác cần dựa trên cơ sở khoa học, thiết bị nhãn khoa, nhân viên y tế được đào tạo bài bản, phương pháp điều trị riêng cho từng bệnh nhân, mức độ bệnh nếu không sẽ có biến chứng khôn lường, nặng nhất là mất thị lực vĩnh viễn", BS Dũng khuyến cáo.