Sáng nay, giá vàng trong nước ngược chiều thế giới quay đầu giảm sâu. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện là 10,05 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường vàng trong nước, chốt phiên giao dịch cuối tuần:
Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - chi nhánh Hà Nội được niêm yết ở mức 62,55-63,27 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tăng 50.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua-bán vàng là 720.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng SJC của Tập đoàn Phú Quý đang ở mức 62,60-63,17 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giữ nguyên mức giá chiều mua vào và giảm 30.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua – bán vàng là 570.000 đồng/lượng.
Còn tại Tập đoàn DOJI, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 62,35-63,15 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giữ nguyên mức giá cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua – bán vàng là 800.000 đồng/lượng.
Tuần qua giá vàng trong nước giao dịch lình xình quanh mốc 63 triệu đồng/lượng. Cụ thể, sáng đầu tuần, giá vàng tăng liên tiếp trong ngày 14 - 15/2, sau đó giảm vào sáng 16/2 và tăng trở lại vào sáng 17 - 18/2.
Đáng chú ý, sáng 18/2, giá vàng có thời điểm vụt tăng mạnh lên 63,52 triệu đồng, vượt ngưỡng kỷ lục 63,5 triệu đồng/lượng. Tới cuối tuần, vàng biến động nhẹ. Với biên động giá này, tính chung cả tuần, giá vàng trong nước tăng 500 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.
Tại thị trường vàng thế giới (chốt phiên giao dịch cuối tuần): giá vàng được niêm yết ở mức 1.899,20 USD/ounce. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (22.980), tương đương 53,17 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước 10,1 triệu đồng/lượng.
Tuần qua, bất ổn địa chính trị và lạm phát tiếp tục chi phối tâm lý thị trường. Thị trường vàng đã vượt qua làn sóng sợ hãi và leo lên mức cao nhất trong vòng 8 tháng qua là 1.900 USD/ounce.
Sau đó, vàng thế giới tuy giảm nhẹ và rời mức quan trọng 1.900 USD/ounce trong phiên 18/2 khi thị trường đặt nhiều hy vọng cuộc đàm phán Mỹ - Nga sẽ mang lại sự bình tĩnh cho giới đầu tư, song những lo ngại về tình hình Ukraine vẫn giúp vàng ghi nhận tuần tăng giá mạnh nhất trong 9 tháng.
Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.896,04 USD/ounce vào lúc 1 giờ 59 phút (sáng 19/2 theo giờ Việt Nam) sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 6/2021 là 1.902,22 USD/ounce hồi đầu phiên. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ chốt phiên này cũng lùi 0,1% xuống 1.899,80 USD/ounce.
Chiến lược gia thị trường cấp cao Bob Haberkorn của Công ty Môi giới đầu tư RJO Futures (Mỹ) đánh giá diễn biến mới nhất xung quanh tình hình Nga - Ukraine là khá tích cực và điều đó khiến vàng giảm giá nhẹ.
Chuyên gia này đánh giá đợt giảm này sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn vì những căng thẳng kéo dài sẽ tiếp tục hỗ trợ vàng.
Bên cạnh đó, giới đầu tư hiện đang chuyển sự chú ý tới khả năng vào tháng 3 tới, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ lần đầu tiên tăng lãi suất kể từ khi dịch bùng phát để ứng phó lạm phát tăng cao ở nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Nhận định về giá vàng thời gian tới, Edward Moya, chuyên gia phân tích của Oanda (Mỹ) nhận định, vàng đang thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm như một kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine. Xu hướng tăng giá của vàng ngày càng rõ ràng. Tuy nhiên, vàng sẽ bị ảnh hưởng bởi một số đợt bán tháo do kỳ vọng Fed thắt chặt chính sách.
Trong khi đó, Giám đốc cố vấn của công ty AirGuide - Michael Langford cho biết, trong tương lai, đồng USD có nhiều triển vọng hơn vàng trong việc trở thành tài sản trú ẩn an toàn của các nhà đầu tư. Bất kỳ căng thẳng nào trong cuộc khủng hoảng Ukraine đều có thể thúc đẩy giá vàng tăng và ngược lại.