“Đang bảo hộ ngược”!
“Theo số liệu của Google và Temasek (Singapore), doanh thu kinh tế số của Việt Nam đạt 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Vấn đề là số tiền này đi về đâu, Nhà nước quản lý như thế nào và thu thuế như thế nào. Hiện chúng ta chỉ thu được thuế đối với DN trong nước. Lẽ ra phải tạo được sân chơi bình đẳng thì lại đang tạo ra bảo hộ ngược”, ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) - đã phát biểu như vậy tại Hội thảo Quản lý thuế trong nền kinh tế số diễn ra mới đây tại Hà Nội.
Các đại biểu dẫn chứng về việc Google, Facebook có doanh thu khủng tại Việt Nam nhưng chẳng những không đóng thuế tại Việt Nam, mà còn đẩy nghĩa vụ đóng thuế cho đối tác trong nước. Hiện Google và Facebook cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho thị trường Việt Nam thông qua đại lý hoặc mua - bán trực tuyến. Trường hợp thông qua các đại lý trong nước thì chính các DN này sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật khi phát sinh doanh thu. Và cơ quan thuế thu được thuế nhưng là do DN Việt Nam nộp chứ không phải từ Facebook hay Google.
Đại diện Tổng cục Thuế thừa nhận, điểm khó trong công tác thu thuế là các DN này hoạt động xuyên quốc gia và không đăng ký kinh doanh, cũng như không có văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam.
Phải đảm bảo bình đẳng giữa DN trong và ngoài nước, trực tuyến và ngoại tuyến
Trước vấn đề này, các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia và DN đã bày tỏ quan điểm về việc cần bình đẳng trong quản lý và thu thuế giữa DN trong nước và DN xuyên biên giới. “Hoạt động quản lý thuế trong nền kinh tế cần đảm bảo sự công bằng, không hạn chế hoạt động kinh doanh của DN, không phân biệt DN trong và ngoài nước, đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế”, bà Nguyễn Vân Chi - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - nói.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết, hiện có hơn 50 quốc gia đã hoặc đang cân nhắc việc áp dụng các quy định về thuế giá trị gia tăng đối với các giao dịch cung cấp dịch vụ và sản phẩm B2C của các nhà cung cấp nước ngoài.
Theo đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế số sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam trong tương lai. Muốn vậy, kinh tế số phải đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, công bằng, trung lập, không bóp nghẹt, không tạo bất lợi cho DN. “Quan điểm của WB là phải đảm bảo bình đẳng giữa DN trong và ngoài nước, DN trực tuyến và ngoại tuyến. Không nên phân biệt DN số với các loại hình khác vì sau cùng, không sớm thì muộn, không ít thì nhiều, các DN cũng đều hướng tới số hoá”- ông Jonathan, chuyên gia cao cấp của WB nói.
Đại diện của WB cũng cho hay, quy định cũ về sự hiện diện thực tế/văn phòng thường trú đã 100 năm, nên không theo kịp thực tế kinh tế số hiện nay, dẫn tới sự dàn xếp có chủ ý của các DN đa quốc gia để tránh cơ sở thường trú, cố ý tách nơi tạo ra giá trị với nơi ghi nhận giá trị để trốn thuế. Rất nhiều nước đã nhận thấy kẽ hở này và sự đồng thuận quốc tế để điều chỉnh lại luật thuế, chống xói mòn thuế ngày càng cao.
Sẽ bổ sung quy định pháp luật về thuế
Tại nhiều nước như Na Uy, Albania, dịch vụ kỹ thuật số được cung cấp bởi DN không thành lập cơ sở thường trú tại nước sở tại phải chịu thuế giá trị gia tăng. Những trường hợp này được coi là ví dụ hữu hiệu đối với Việt Nam. Theo đề xuất của Công ty cổ phần VNG, hệ thống thuế cần phải thay đổi. Đầu tiên, cần xây dựng cơ chế thu thuế hiệu quả đối với DN nước ngoài, như xây dựng hệ thống khai thuế trực tuyến giản đơn, và cơ quan chức năng của Việt Nam có thể chủ động liên hệ, làm việc trực tiếp với các DN nội dung số nước ngoài để đảm bảo các DN này phải tham gia tự khai, tự nộp thuế.
Bên cạnh đó, cần quy định thống nhất mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với DN trong nước và DN nước ngoài.
Hiện Luật Quản lý thuế sửa đổi đang được Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV xem xét, thông qua tại kỳ họp vào tháng 5/2019, trong đó, đã bổ sung các nội dung liên quan đến việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Đồng thời, bổ sung quy định cho phép các nhà thầu cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú ở Việt Nam có hoạt động thương mại điện tử và phải có nghĩa vụ đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam.
Ở Hàn Quốc, từ năm 2015, áp dụng các quy định thuế đối với các giao dịch kỹ thuật số xuyên biên giới, thuế giá trị gia tăng được đánh ở mức cơ bản 10%.
New Zealand là quốc gia đầu tiên thay đổi hệ thống thuế gián thu liên quan đến việc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Mức thuế GST (thuế hàng hóa và dịch vụ) áp dụng là 15%.
Tại Australia, từ năm 2017, các dịch vụ cung cấp các hoạt động kỹ thuật số cho khách hàng trong lãnh thổ của Australia bởi các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài sẽ áp dụng thuế GST 10%.
Tại Singapore, bắt đầu từ năm 2020, các dịch vụ kỹ thuật số xuyên biên giới sẽ chịu thuế GST.