Phải đầu tư chiều sâu để tránh phụ thuộc nước ngoài
Chia sẻ tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam vừa mới diễn ra, ông Trần Thanh Hải (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Be Group), cho rằng, môi trường khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam đã phát triển mạnh nhưng vẫn tồn đọng những bất cập.
"Chính sách điều kiện kinh doanh áp dụng cho các startup còn khá khắt khe, trong khi một số DN nước ngoài chưa tuân thủ các chính sách trong nước. Nếu không thay đổi những vấn đề này thì chúng ta không làm chủ được công nghệ", ông Hải nói.
Ông cũng nêu ví dụ điển hình là mạng xã hội và các nền tảng chia sẻ nội dung số mà chúng ta sử dụng hoàn toàn là của nước ngoài, dữ liệu lưu trữ ở nước ngoài. Trong khi đó, ở thời đại 4.0, dữ liệu là tài nguyên quốc gia. Đề xuất giải pháp cho bài toán này, ông Hải cho rằng, các DN Việt nên tập trung đầu tư bài bản, nghiêm túc, có chiều sâu, tránh phụ thuộc vào nước ngoài. Các DN cần chủ động đầu tư chất xám, xây dựng hệ sinh thái công nghệ Việt.
"Để vươn tới khu vực, chúng ta phải có nền tảng trong nước, phải nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, không để mất thị trường nội địa cho các doanh nghiệp nước ngoài, để công nghệ có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực đời sống”, đại diện Be Group nói.
“Nhiều công ty Việt muốn mà không dám làm”
Ông Nguyễn Xuân Thành đến từ Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright cho rằng, để phát triển các cụm ngành công nghệ sáng tạo, ngoài các yếu tố nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng để phát triển công nghệ, yếu tố tài chính cũng rất quan trọng.
Ở các nước thì quỹ đầu tư mạo hiểm rất phát triển, phải có các quỹ đầu tư mạo hiểm, chấp nhận đầu tư dài hạn thì các công ty khởi nghiệp non trẻ mới có thể tồn tại được, bởi những năm đầu có thể họ sẽ thua lỗ triền miên. Rót vốn cho các startup trường kỳ là việc Chính phủ không làm được, mà phải dựa vào các quỹ từ tư nhân, chuyên nhiệp, trong nước và ngoài nước.
Thế thì Chính phủ có thể làm gì? Theo ông Thành, Chính phủ có thể khuyến khích DN công nghệ phát triển bằng chính sách thuế, chẳng hạn như ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho lực lượng nhân lực công nghệ, hay ưu đãi thuế cho các hoạt động R&D của doanh nghiệp…
“Thế nhưng một thực trạng khi tôi trao đổi với nhiều DN công nghệ trong nước, đó là chính sách ưu đãi thuế có thể đã ban hành, nhưng riêng việc họ đi xin cho đủ giấy tờ chứng minh mình thuộc diện được hưởng ưu đãi cũng rất mệt mỏi, tốn kém. Ngược lại, các chính sách ưu đãi thuế mà chúng ta đang dành cho doanh nghiệp nước ngoài, DN FDI lại đang làm rất tốt, rất nhanh”, ông Thành nói, “Điều này cho thấy, chúng ta cần phải ưu đãi thuế một cách thông minh hơn”.
Còn ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc Công ty VCCorp, chỉ ra thực tế rằng, trên thị trường công nghệ Việt Nam hiện nay đang có sự góp mặt của các công ty outsource, các công ty công nghệ xuyên biên giới và DN công nghệ trong nước. Nhưng các chính sách dành cho công ty sáng tạo công nghệ Việt Nam đang ở mức kém nhất.
“Ở Trung Quốc, DN sáng tạo công nghệ đang được hưởng mức bảo hộ ưu đãi thuế. Ở Mỹ, Amazon lợi nhuận hàng tỷ USD, đóng thuế 0 đồng. Trong khi đó, ở Việt Nam, mức thuế mà những DN công nghệ như chúng tôi phải đóng dao động từ 15-20% doanh thu, chứ không phải là 15-20% tính trên lợi nhuận như các nước đâu. Bởi vì sao, vì thuế VAT và thu nhập DN đang áp dụng rất cao”, ông Tân nói.
Ông Tân dẫn ví dụ rằng, chính sách của chúng ta là các mạng xã hội Việt Nam nếu thuê một người sản xuất video đăng tải lên thì sẽ vi phạm quy định làm báo tư nhân, trong khi YouTube thuê hẳn một công ty sản xuất video nội dung, Facebook đăng video clip cũng không làm sao. “Cho nên rất nhiều công ty Việt muốn làm mà không dám làm, dù có đủ năng lực về mặt công nghệ”, ông Tân nói.
Vì thế, vị CEO có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ đề xuất quan điểm quản lý là, cần coi ngành kinh tế nội dung số là ngành kinh tế trọng điểm, và cơ quan quản lý phải xem xét đánh thuế là để phát triển các ngành quan trọng hay đánh thuế để thu cật lực?