Ông Vladimir Nikoforov là chuyên gia các bệnh truyền nhiễm của Cơ quan Sinh học Y khoa Liên bang Nga. Ông Nikoforov nhận định, sự xuất hiện của biến thể Omicron có thể là dấu hiệu cho thấy đại dịch COVID-19 sắp kết thúc.
Ảnh minh họa: Rappler
"Chủng mới bắt nguồn ở Nam Phi, dễ lây lan hơn. Nhưng mặt khác, có dữ liệu chỉ ra Omicron có các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn, không tác động lớn tới phổi”, ông Nikoforov nói.
“Tôi nghĩ rằng đó có thể là khởi đầu cho sự kết thúc của cơn ác mộng này. Tôi muốn xem đây như một dấu hiệu đầu tiên cho thấy virus SARS-CoV-2 đã bắt đầu rút lui", vị chuyên gia của Nga đánh giá.
Theo ông Nikiforov, biến thể Omicron có thể khiến virus trở thành một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp theo mùa thông thường.
Ngày 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt tên cho biến thể B.1.1.529 là Omicron và xếp vào nhóm gây lo ngại. Theo các chuyên gia, một số đột biến của Omicron có khả năng cản trở quá trình trung hòa mầm bệnh của các kháng thể, do đó làm giảm hiệu quả của các loại vắc xin hiện tại.
Các nhà khoa học Nam Phi cho biết, biến thể Omicron có khả năng gây tái nhiễm cao gấp 3 lần so với biến thể Delta hoặc Beta. Đến nay, chủng Omicron đã được ghi nhận ở 38 quốc gia trên toàn thế giới. Số lượng lớn nhất những người bị nhiễm Omicron hiện tại ở Nam Phi, đất nước đầu tiên phát hiện ra biến thể này.
Theo WHO, các biện pháp chống biến thể Delta vẫn có tác dụng với Omicron. Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, Tiến sĩ Takeshi Kasai, thông tin, trong khi một số quốc gia đang phải đối mặt với số ca COVID-19 gia tăng, các trường hợp nhiễm bệnh và tử vong ở nhiều nước khác đã giảm.
"Tin tích cực là chưa có thông tin nào cho thấy chúng ta cần phải thay đổi hướng phản ứng của mình", Tiến sĩ Kasai nhận xét.
Các quan chức của WHO ở Tây Thái Bình Dương cho biết, việc một số quốc gia đóng cửa biên giới giúp có thêm thời gian để đối phó với biến thể Omicron. Bên cạnh đó, các biện pháp và kinh nghiệm trong việc phòng chống biến thể Delta vẫn là nền tảng để chống lại đại dịch.