Chuyên gia ngôn ngữ học nói về sex trong văn xuôi đương đại

(PLO) - Dư luận gần đây quan tâm đến tiểu thuyết lịch sử như “Đức Thánh Trần” của nhà văn Trần Thanh Cảnh hay tiểu thuyết “Chim ưng và chàng đan sọt” của nhà văn Bùi Việt Sĩ và một số tác phẩm khác. Không chỉ bàn luận đến nội dung của các tiểu thuyết này, người đọc còn quan tâm đến một góc rất mới các tác giả đề cập, đó là yếu tố sex trong những trang văn, gắn với các nhân vật lịch sử. 
TS Đỗ Anh Vũ tại buổi đối thoại mở về sex trong văn học đương đại
TS Đỗ Anh Vũ tại buổi đối thoại mở về sex trong văn học đương đại

Vậy Sex trong văn xuôi đương đại như thế nào? ranh giới giữa nghệ thuật  hay dung tục đã được viết ra sao? Chúng tôi có cuộc trò chuyện với TS. Đỗ Anh Vũ – Viện Ngôn ngữ Việt Nam.

Ông nhận xét như thế nào về cách miêu tả sex khá mạnh bạo của nhà văn Trần Thanh Cảnh trong tác phẩm “Đức Thánh Trần”?

- TS. Đỗ Anh Vũ : Trước hết, phải nói rằng với xu hướng “giải thiêng” đây là một góc nhìn rất mới mẻ, rất đời thường về nhân vật Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, một nhân vật lịch sử đã được người Việt Nam phong thánh bởi những công lao to lớn của ông đối với dân tộc trong sự nghiệp chống ngoại xâm. Bối cảnh của những trực tả luyến ái giữa Trần Quốc Tuấn với Quế Lan theo tôi đã được nhà văn diễn tả một cách tự nhiên, có dụng công nghệ thuật. Cả chàng và nàng đều ở độ tuổi thanh xuân, trai tài gái sắc gặp nhau trong hoàn cảnh Trần Quốc Tuấn và Quế Lan thoát khỏi con trâu điên đang theo đuổi nàng.

Và cảnh ân ái giữa Trần Quốc Tuấn và Quế Lan được nhà văn miêu tả rất lãng mạn, nên thơ, kết hợp với cả những thủ pháp của điện ảnh. Sau một vài câu tả về động tác của hai nhân vật thì điểm nhìn được chiếu ra cảnh vật xung quanh để tả bãi dâu, lá dâu, chim hồng hạc... theo tôi như vậy là hợp lý và tạo được cảm xúc.

Một đoạn trích khác miêu tả cảnh ân ái giữa 2 nhân vật là Thoát Hoan và An Tư công chúa, theo anh có sự khác biệt nào khi cùng miêu tả về sex nhưng đối tượng nhân vật lại đối lập nhau?

TS. Đỗ Anh Vũ: Trong chính sử thì việc An Tư sang hiến mình cho Thoát Hoan chỉ được nói vài dòng vậy thôi. Mục đích thứ ba mà tôi cho rằng quan trọng nhất ở đây, Trần Thanh Cảnh muốn miêu tả, diễn tả được vấn đề nội tâm của An Tư, những chuyển biến, biểu hiện về thế giới tâm lý, tình cảm, tâm trạng của nhân vật này. Tiểu thuyết cổ điển (như Tam quốc, Thủy hử  chẳng hạn) thường thiên về miêu tả hành động, nhưng tiểu thuyết hiện đại thì dứt khoát phải quan tâm nhiều hơn đến tâm lý nhân vật. Và ở đây chúng ta thấy nhân vật An Tư đã hiện lên trong những trang sách với đầy đủ các góc nhìn của một người phụ nữ trong đời thực, có những xót xa, chịu đựng, nhẫn nại hy sinh, lại cũng có cả những rung động, khát khao,  yêu thương trần tục.

Anh nhận xét về đoạn văn miêu tả về nhân vật Phương trong tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh với những câu từ gợi cảm, mang yếu tố sex? 

- TS. Đỗ Anh Vũ: Việc ca ngợi thân xác, tụng ca vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ đã từng có nhiều trong văn chương trung đại với những câu thơ nổi tiếng trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du  “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”, hay “ Đôi gò Bồng Đảo sương còn mịn/Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông” của Hồ Xuân Hương.

Việc tụng ca này sẽ còn tiếp nối trong thi ca của những thời kỳ sau như  thơ Bích Khê thời tiền chiến, thơ Hoàng Cầm trong tập “Về Kinh Bắc”, hay gần đây hơn cả là thơ Đặng Hà My, thơ Vi Thùy Linh.

Thế nên việc “ Nỗi buồn chiến tranh” có những đoạn ca ngợi vẻ đẹp người phụ nữ là điều bình thường. Nhưng cái mà tôi cho là thành công nhất ở đoạn tả nhân vật Phương trong “ Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh là sự tương phản đối lập với cảm giác chết chóc của chiến tranh.

Bảo Ninh miêu tả Phương tắm giữa núi rừng, bên cạnh là mưa bom bão đạn, là cột lửa cồn khói ngút trời. Và trong con mắt của Kiên khi đang nhìn Phương, đó là một “sự lõa lồ phô phang bất chấp đời”. Tôi cho rằng đoạn văn này là một trong những đoạn đẹp nhất của văn xuôi Việt Nam hiện đại tả về thân thể người phụ nữ.

Bên cạnh những thành công của tác phẩm thì cũng không ít tác phẩm bị dư luận phản ứng gay gắt và bị thu hồi như “Sợi xích” của Lê Kiều Như, “Dại tình” của Bùi Bình Thi, tập thơ “Dự báo phi thời tiết” (Nhóm Ngựa trời) với 5 tác giả nữ rất cá tính. Những tác phẩm bị thu hồi vì chính do những trang văn miêu tả về sex không thành công, không đạt đến những phẩm chất nghệ thuật, không tạo ra được những giá trị thẩm mĩ. Anh đánh giá như thế nào về yếu tố sex thiên về dung tục, trần trụi mà cụ thể là những tác phẩm vừa nhắc tới?

TS. Đỗ Anh Vũ: Theo tôi,vấn đề tính dục đi vào văn chương cần phải diễn đạt sao cho mang chất thơ, có sự trau chuốt, có tính thẩm mỹ và quan trọng hơn nữa là đằng sau đó có ít nhiều chất tư tưởng.

Những tác phẩm này chỉ đơn thuần phơi bày tình dục như bản năng, thứ hai ngôn ngữ nó quá trần trụi, thậm chí thô thiển, vì thế không tạo được rung cảm, rung động để chinh phục người đọc. Viết về sex mang tính thẩm mỹ và đẹp, gợi không phải dễ. Người viết phải thực sự có tài và tinh tế, nếu không sẽ sa vào dung tục, trần trụi như những tác phẩm vừa nhắc.

Vậy theo anh người viết cần trang bị những  gì để có được một tác phẩm thành công khi viết về yếu tố sex?

TS. Đỗ Anh Vũ: Người viết phải có ý thức cao về công việc sáng tạo văn chương, phải xác định văn chương ngoài chức năng giải trí còn mang chức năng giáo dục, hướng người đọc đến Chân, Thiện, Mỹ. Viết về sex không thể dễ dãi, chạy theo câu view.

Phải có một khả năng ngôn ngữ dồi dào, phong phú, điêu luyện, vừa truyền được cảm xúc nhưng lại vẫn trau chuốt, nói về chuyện trần tục mà không được dùng các từ tục, chỗ này có người gọi là “nghệ thuật gián cách” (thuật ngữ được nhà soạn kịch người Đức Bertolt Brecht khởi xướng), phải biết dùng các thủ pháp tu từ một cách linh hoạt, chẳng hạn “vẽ mây nẩy trăng” (chữ của Kim Thánh Thán), sử dụng  nhân hóa, ẩn dụ để miêu tả. 

Vậy theo anh nên đo sự quan tâm của công chúng đối với vấn đề này như thế nào?

TS. Đỗ Anh Vũ: Người đọc thời kỳ nào cũng mong muốn được thưởng thức những tác phẩm hay, mang chất lượng nghệ thuật cao. Dĩ nhiên người đọc cũng có nhiều loại, có cả những người đọc dễ dãi với thị hiếu thẩm mỹ tầm thường, nhưng ở đây chúng ta mặc định nói đến những người đọc có phẩm chất, và văn chương viết ra cần có giá trị lâu dài để lưu đến muôn đời.

Vậy thì người đọc luôn luôn đợi chờ những sáng tạo của nhà văn, thậm chí là những trải nghiệm, những vốn sống có thật, và được nhà văn kể lại bằng ngôn ngữ của văn chương, thứ ngôn ngữ tạo ra giá trị thẩm mỹ, giá trị giáo dục, mang đằng sau nó bề dày của một thông điệp tư tưởng, hướng thiện cho con người.

Trở lại với 2 cuốn sách “Chim ưng và chàng đan sọt” và “Đức Thánh Trần”, có ý kiến nói rằng người đọc khi tiếp nhận tác phẩm thì không chỉ thưởng thức mà còn có thể giữ vai trò đồng sáng tạo với nhà văn, bày tỏ một cách thẳng thắn những quan điểm của mình. Anh nghĩ thế nào về điều này?

- TS. Đỗ Anh Vũ: Vâng, tôi đồng ý rằng vai trò của nhà văn ngoài việc xác lập ý thức sáng tạo, ngoài trau chuốt ngôn từ thì phải trang bị những kiến thức về văn hóa, lịch sử dày dặn, có một quá trình chuẩn bị tư liệu công phu. Khi đó người đọc không chỉ thưởng thức mà còn có thể giữ vai trò đồng sáng tạo.

Cũng cần nói thêm về vai trò của các nhà lý luận phê bình nữa, sự tham góp với những góc nhìn mới, những phản biện thẳng thắn sẽ là thước đo định hướng cho người viết về vấn đề nhạy cảm nhưng hấp dẫn này. Và các nhà xuất bản cũng cần chú ý vai trò của mình để ấn hành những tác phẩm có giá trị.

Cảm ơn TS Đỗ Anh Vũ về cuộc trò chuyện. 

Sex trong văn chương chỉ là một phương cách, một lối ra của những ẩn ức, những dồn nén từ nhu cầu tự thân chủ thể sáng tạo nhưng lại hướng đến nhu cầu của cộng đồng. Sự kìm nén quá lâu trong những cương vực của lễ giáo, đạo lý đã khiến cho nhu cầu bày tỏ những rung cảm thân thể trở nên hấp dẫn, lôi cuốn hơn.

Nếu không quá lời, có thể nói, yếu tố sex trong các tác phẩm văn học đại chúng đương đại phải được xem là một yếu tố không thể thiếu. Ngay cách đặt tên tác phẩm đã cho thấy gợi dẫn về những câu chuyện tình yêu, quan hệ có liên quan đến tình dục, vốn khá phổ biến trong cộng đồng mạng, giới trẻ. Đây không còn là vấn đề của văn chương nữa. Đây là vấn đề của xã hội, văn hoá, thậm chí là lịch sử Việt Nam.

Truyền thống khắt khe với tình dục, xem là việc xấu, vi phạm thuần phong mĩ tục, những ràng buộc trong phong tục, tập quán, tri thức, đạo lý,… đã đẩy tình dục vào phía tối, phía bị che giấu, bị chê trách hay khinh miệt. Trong khi, nhu cầu, khát vọng của con người là có thực.

Càng như thế, vấn đề này lại càng trở nên hấp dẫn đối với cộng đồng trong một xu thế mở. Con người trong bối cảnh đương đại có nhu cầu được bày tỏ mình một cách thành thực, toàn diện, cụ thể.

Hiện hữu trước hết trên thân thể của chính mình. Đó là điều đầu tiên con người nhận thấy sau thời gian dài bị che khuất bởi các tín niệm nho phong. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là báo chí, vấn đề Sex trong văn chương được bàn đến khá sôi động.

Những bài viết với những cái title như: Sex tràn vào văn học, Sex trong văn chương, Văn chương thời nay không có sex không bán được, dục tính trong văn học,… có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng internet. Điều đó nói lên sự chú ý của cộng đồng đối với hiện tượng này. Sự xuất hiện của sex trong văn học, nơi những tác phẩm chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm, về mặt xã hội là một hiện tượng bình thường.

Chúng ta chưa bàn đến giá trị nghệ thuật của những tác phẩm có yếu tố sex, chỉ dừng lại ở thị hiếu công chúng trước một chủ đề, một phương thức biểu hiện. Và ở đó, điều rút ra từ những lượt xem, bình luận, số lượng xuất bản,… đã cho thấy sự quan tâm của công chúng đối với dòng văn chương này.

Nhu cầu khám phá, bày tỏ của con người từ góc độ thân thể cũng không xa lạ, nhưng với xã hội Việt Nam, một nơi mà tình dục còn là điều gì đó khiến cộng đồng phải tò mò, hiếu kỳ, nghi ngại, sex lại trở nên một câu chuyện lôi cuốn kỳ lạ. Nhưng, vấn đề không nằm ở việc quản lí hay cấm đoán. Quan trọng hơn hết, chính là việc nâng cao ý thức, thái độ và tầm văn hoá của cộng đồng trước vấn đề tính dục trong đời sống và văn chương nghệ thuật. 

(Nguyễn Thanh Tâm/VNQĐ)