Chuyên gia, nhà đầu tư “bỏ phiếu” cho phương án giá mua điện mặt trời nào?

(PLVN) - Phần lớn các doanh nghiệp và người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo khi được hỏi đều nghiêng về phương án bốn vùng giá “thu mua” ĐMT.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

* Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam:

Mong Chính phủ giữ phương án bốn vùng

Giá mua điện theo nhiều vùng đã được nhiều quốc gia áp dụng, do đó tôi mong muốn Chính phủ nên giữ phương án chia 4 vùng theo từng khu vực bức xạ để khuyến khích phát triển đồng đều nguồn năng lượng mặt trời. Các tỉnh miền Bắc có bức xạ thấp nhất, bình quân khoảng 3,7 kWh/m2/ngày, trong khi các tỉnh phía Nam, khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên có bức xạ bình quân lên đến 4,8 - 5,1 kWh/m2/ngày nên nếu áp dụng mua điện 1 giá sẽ dẫn tới việc các chủ đầu tư dự án ĐMT chỉ tập trung phát triển tại một số tỉnh có cường độ bức xạ lớn, gây quá tải cục bộ, ảnh hưởng đến an toàn cung cấp điện của hệ thống. 

Ngoài ra, việc áp dụng giá mua điện theo nhiều vùng sẽ mang lại một số mặt hiệu quả, tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý, các đơn vị vận hành hệ thống điện có nhiều lựa chọn trong việc tích hợp nguồn ĐMT với các loại hình nhà máy điện khác trong khu vực để mang lại hiệu quả cao nhất. 

* Ông Lê Anh Tùng - Chủ tịch Công ty CP Ecotech Việt Nam:

Doanh nghiệp sẽ “thiệt đơn, thiệt kép”

Phương án 1 giá của Bộ Công Thương đẩy nhà đầu tư vào thế khó vì giá mới thấp hơn giá cũ 32%, điều khiến lợi nhuận của nhà đầu tư cũng giảm tương ứng. Chưa kể hiện nay, vay vốn cho các dự án năng lượng ngày càng khó khăn hơn. Đặc biệt, nếu tái diễn tình trạng bị cắt giảm công suất do xảy ra tình trạng quá tải lưới điện như vừa qua, nhà đầu tư sẽ “thiệt đơn, thiệt kép”, thậm chí có thể dẫn tới phá sản. 

Chắc chắn với phương án 1 giá, nhà đầu tư sẽ lựa chọn vùng nào có tiềm năng nhất để làm. Điều đó có nghĩa là đầu tư ĐMT sẽ dồn vào các tỉnh Tây Nguyên như, trong khi khu vực này đang quá tải lưới điện.

* Ông Lại Quang Trung - Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Phúc:

Giá vẫn hơi thấp

Theo tôi, phương án 1 giá mới đây của Bộ Công Thương khá hợp lý dù giá mua ĐMT đưa ra hơi thấp. Nếu chia theo phương án 4 vùng thì những khu vực ở phía Bắc hoặc những vùng không có tiềm năng sẽ thi nhau phát triển để bán giá cao. Phương án 1 giá sẽ là động lực để các tỉnh có tiềm năng phát triển ĐMT phát triển mạnh hơn, Nhà nước cũng sẽ không phải bù lỗ cho các khu vực được áp giá mua cao hơn. Ngoài ra, mua 1 giá về lâu dài sẽ có lợi thế tổng thể tốt hơn, tận dụng được những vùng đất có tiềm năng ánh nắng. Nếu làm nhiều ngoài Bắc thì lại phải truyền tải vào miền Nam, gây tốn kém thêm. Tuy nhiên, tôi thấy còn bất cập ở phương án 1 giá là cần đưa ra phương án cho các dự án ở vùng bán ngập. Bởi đầu tư ở vùng bán ngập là tốn kém nhất, tốn hơn trên mặt đất. 

* Ông Lê Thanh Nghị - Tổng Giám đốc Công ty CP Hà Đô Bình Thuận:

Phương án nào cũng có điểm mạnh, điểm yếu

 Nếu chia theo phương án nhiều giá để tập trung cho các vùng kém bức xạ có thể thu hút nhà đầu tư cũng tốt, nhưng vấn đề là cần  khai thác hết và hiệu quả tiềm năng ĐMT ở các vùng bức xạ tốt, không thể vì vùng đó thuận lợi để phát triển mà lại đưa ra giá thấp. Nếu giá cao mà đầu tư vào khu vực miền núi phía Bắc không hiệu quả thì chưa chắc nhà đầu tư đã làm. Tất cả đều quy về bài toán kinh tế, có lợi nhuận là làm. 

Ngoài ra, nếu chính sách đưa ra có thể khuyến khích các nhà máy ĐMT đầu tư hệ thống tích trữ năng lượng sẽ tốt hơn cho lưới điện vì bức xạ mặt trời không đều, lúc bức xạ cao thì không sử dụng hết, gây lãng phí. Nếu tích trữ được số lượng này để bán điện vào giờ cao điểm thì nên có chính sách mua với giá cao hơn để khuyến khích nhà đầu tư. 

* Ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch Công ty CP Xây lắp điện 1:

Giá mua điện rẻ, nhà đầu tư không chịu nổi 

Việc phát triển ĐMT hiện nay dường như đang quá nóng? Nhưng giá mua điện thì rẻ khiến các nhà đầu tư trong nước khó khăn, do có khi phải phát dưới công suất trong khi lãi vay ngân hàng cao nên sẽ xảy ra tình trạng nhà đầu tư không đủ tiền để trả lãi. Với điều kiện như hiện nay, rất có thể nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhảy vào với những dự án có thể lên tới cả ngàn MW một lúc.

Về dự thảo chính sách một giá ĐMT, thực tế nó chỉ thuận đối với những vùng có điều kiện thuận lợi về ánh sáng mặt trời và vì thế doanh nghiệp sẽ tập trung về đó. Thực tế này nếu diễn ra sẽ tạo nên một áp lực rất lớn đối với lưới truyền tải và khâu điều độ hệ thống điện sau này. Điều đó sẽ không có lợi. Một hay bốn giá khi mua điện đều phải xem xét, tính toán thật kỹ, trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tế và quan trọng là phải nhận được sự đồng thuận của đối tượng bị điều chỉnh thì chính sách đó mới khả thi khi đi vào cuộc sống.

Đọc thêm