Một hội thảo trực tuyến toàn cầu kéo dài 2 ngày về thuốc lá truyền thống và thuốc lá thế hệ mới vừa được tổ chức tại Anh trong tháng 12 với sự tham gia của hơn 35 chuyên gia quốc tế đã ghi nhận những ý kiến trái chiều liên quan đến vấn đề quản lý thuốc lá thế hệ mới.
Định kiến về thuốc lá thế hệ mới dần thay đổi
Ông Martin Dockrell, Giám đốc Chương trình Kiểm soát Thuốc lá thuộc Y tế Công cộng Anh Quốc - cho rằng: Việc điều chỉnh các quy định về thuốc lá và sản phẩm liên quan là điều cần thiết. Để tạo sân chơi công bằng cho tất cả các sản phẩm thuốc lá, các nhà làm luật cần phải làm rõ nhiều vấn đề, trong đó có việc hệ thống quy định pháp luật phải phân biệt rõ ràng giữa các sản phẩm (thuốc lá truyền thống, thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử hay thuốc lá nhai), từ đó sẽ quản lý dễ dàng hơn.
Còn ông Alan Boobis, giáo sư về chất độc học tại Đại học Imperial College London, cho rằng ảnh hưởng của các hóa chất trong thuốc lá và thuốc lá điện tử sẽ không chỉ phụ thuộc vào độc tính bên trong của chúng, mà còn do thực tế sử dụng. Các bằng chứng thực tế trong việc sử dụng các loại thuốc lá cho thấy rằng rủi ro do thuốc lá điện tử gây ra cho người dùng về cơ bản là ít hơn so với thuốc lá thông thường.
Lực lượng chức năng bắt giữ thuốc lá điện tử nhập lậu |
Tuy nhiên, một số nhà làm luật cũng như những nhà khoa học tại hội thảo cũng khẳng định rằng cần có những bước đi thận trọng và nghiên cứu sâu hơn để quản lý các loại thuốc lá thế hệ mới này hiệu quả hơn.
Thế giới ứng xử ra sao?
Theo báo cáo của WHO tính đến tháng 6/2018, thuốc lá điện tử có mặt ở 102 trên 181quốc gia. Trong số 102 quốc gia này có 39 nước không có quy định về chính sách. Ở những nước không cấm thì có 65 nước có quy định pháp luật cụ thể để quản lý thuốc lá điện tử. Đối với thuốc lá làm nóng, sản phẩm này hiện được thương mại hóa tại 51 quốc gia, gần nhất là Hoa Kỳ sau khi FDA Hoa Kỳ kết luận được bán tại Hoa Kỳ. Đặc biệt, 51 quốc gia này đều có chính sách quản lý đối với thuốc lá làm nóng. Và đáng chú ý là có 8 trên tổng số hơn 200 quốc gia cấm loại hình sản phẩm này.
Trong khi đó, Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) đã tạo ra thêm một phân nhóm mới 2404 cho các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không đốt, bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng và các sản phẩm nicotine ngậm. Phân nhóm này là hoàn toàn biệt lập so với phân nhóm 2402 dành cho thuốc lá đốt truyền thống hiện thời. Như vậy, có thể thấy dưới góc độ phân loại sản phẩm, WCO cũng đã ghi nhận sự khác biệt của thuốc lá đốt truyền thống với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bằng việc tạo ra một phân nhóm riêng chứ không xếp vào chương 2402 của thuốc lá truyền thống hiện thời. Sự khác biệt về đặc tính sản phẩm cũng như cơ chế hoạt động cũng chính là cơ sở để các quốc gia xây dựng những chính sách riêng quản lý thuốc lá truyền thống và dòng sản phẩm thế hệ mới
Việt Nam cần ít nhất 12 tháng để ban hành khung pháp lý?
Trong bối cảnh này, các chuyên gia cho rằng Việt Nam đang rất cần ban hành chính sách để quản lý hàng lậu đang gia tăng gần đây nhưng không áp dụng được khung xử lý. Tuy nhiên, theo bà Phan Minh Thủy, Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, việc đưa ra chính sách nào cũng cần nghiên cứu rất kỹ và có các giải pháp toàn diện về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho đến quy định về kinh doanh như sản xuất, phân phối, tiêu thụ, đầu tư, mua bán nguyên liệu, những quy định về quảng cáo, quy định về thuế, biện pháp xử lý vi phạm cần được xem xét một cách tổng thể.
Buổi Tọa đàm về Khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức tháng 11/2020 vừa qua |
Trước câu hỏi liệu khung pháp lý hiện nay có nên được sử dụng để điều chỉnh dòng sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh lưu ý rằng: Luật Phòng chống Tác hại Thuốc lá số 09/2012/QH13 và Nghị định 67/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 hướng dẫn Luật Phòng chống tác hại thuốc lá cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành này khi được xây dựng và ban hành chưa hề tính đến sự xuất hiện trong tương lai của dòng sản phẩm thế hệ mới. Do đó, khung pháp lý hiện thời theo các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên chưa tương thích và phù hợp để bao trùm các dòng sản phẩm này.
Đối với việc soạn thảo khung pháp lý cho các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, ông Nghiêm khẳng định, việc nghiên cứu, định ra các quy định quản lý, tiêu chí kỹ thuật, đánh giá sự tương đồng giữa các sản phẩm, đo lường tiềm năng giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe người dùng và cộng đồng cần thời gian ít nhất 12 tháng để các cơ quan Nhà nước nghiên cứu và đưa ra các chính sách phù hợp. Sau thời gian này, Chính phủ có thể luật hóa hoặc cho thí điểm để tiếp tục có những đánh giá tác động cụ thể và có những điều chỉnh phù hợp.
Theo ông Nghiêm, thuốc lá thế hệ mới không phải là mặt hàng thiết yếu, và cũng là mặt hàng còn khá lạ lẫm nên Việt Nam nên chọn quan điểm thận trọng. Ông chỉ ra rằng trước đó các dịch vụ lạ như Grab, Uber… chúng ta cũng từng cho thí điểm rồi mới áp dụng chính sách, mà chính sách cũng phải liên tục cập nhật vì thực tế phát sinh những yêu cầu quản lý mới, như gần nhất là yêu cầu xe kinh doanh phải gắn biển số vàng. Đặc biệt, với thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử, quan điểm trên thế giới vẫn còn đang khác biệt, cả cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam đều chưa có sự thấu hiểu, cho nên cần trải qua giai đoạn nghiên cứu kỹ lưỡng.
“Trong giai đoạn 12 tháng tới, các cơ quan chức năng tùy theo lĩnh vực của mình sẽ có báo cáo đánh giá tác động riêng, về mặt kinh tế, xã hội, sức khỏe người tiêu dùng, mức độ rủi ro của sản phẩm… Dựa trên đó, Chính phủ có thể xây dựng một khung pháp lý phù hợp, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, phù hợp với chiến lược quốc gia về giảm thiểu tác hại thuốc lá và không làm gia tăng thị trường thuốc lá bất hợp pháp. Tôi nghĩ cách tiếp cận này khá toàn diện để các cơ quan Chính phủ cân nhắc”, ông Nghiêm phân tích.