Chuyên gia Trung Quốc lên tiếng về việc xây dựng căn cứ quân sự trên bờ Đại Tây Dương

(PLVN) - Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho biết kế hoạch thiết lập căn cứ quân sự thường trực đầu tiên ở Đại Tây Dương của Trung Quốc là không đúng sự thật.
Lầu năm góc (Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ). Ảnh: VCG

Phản bác được đưa ra trước thông tin của Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Mỹ rằng Trung Quốc có ý định thiết lập một căn cứ quân sự ở quốc gia Châu Phi Xích đạo Guinea.

Báo cáo của Wall Street Journal, được công bố hôm Chủ nhật, tuyên bố rằng các quan chức Mỹ từ chối mô tả chi tiết về "những phát hiện tình báo bí mật" nhưng cho biết "các báo cáo nêu lên triển vọng rằng các tàu chiến Trung Quốc sẽ có thể tái trang bị đối diện Bờ Đông của Mỹ, "đó là một mối đe dọa đang gióng lên hồi chuông cảnh báo trong Nhà Trắng và Lầu Năm Góc".

Mỹ đã từng “tiết lộ thông tin” về việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài và thổi phồng “mối đe dọa từ Trung Quốc”. Các báo cáo trước đây, dẫn nguồn tin tình báo Mỹ, cho rằng Trung Quốc đang xây dựng hoặc có ý định xây dựng các căn cứ quân sự ở Sri Lanka, khu vực biên giới của Afghanistan và Tajikistan, Argentina và Abu Dhabi.

Nhưng thực tế là Trung Quốc chỉ có một cơ sở hỗ trợ ở nước ngoài, đó là ở Djibouti và cũng là cơ sở ở nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc. Căn cứ được xây dựng và đi vào hoạt động từ tháng 8, và vào ngày 26/11/2015, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã thông báo đàm phán với Djibouti về việc xây dựng cơ sở hỗ trợ. Điều này có nghĩa là nếu Trung Quốc định xây dựng căn cứ thứ hai ở nước ngoài, họ sẽ công bố thông tin một cách công khai, các nhà phân tích cho biết.

Một chuyên gia quân sự giấu tên nói với Global Times rằng, ngay cả khi Trung Quốc có kế hoạch xây dựng một căn cứ hỗ trợ ở nước ngoài thì cũng không thể so sánh được với Mỹ, quốc gia sở hữu gần 800 căn cứ quân sự tại hơn 80 quốc gia. Chuyên gia này khẳng định, việc Trung Quốc xây dựng cơ sở hỗ trợ ở đâu đó vì lý do cứu hộ nhân đạo là điều bình thường.

Căn cứ Djibouti đã đóng một vai trò quan trọng trong việc cứu hộ nhân đạo ở những nơi như Vịnh Aden và vùng biển ngoài khơi Somalia, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19.

Trung Quốc đã điều các hạm đội hộ tống hải quân đến Vịnh Aden và vùng biển ngoài khơi Somalia kể từ tháng 12/2008, hoàn thành hơn 1.500 nhiệm vụ hộ tống, theo truyền thông đưa tin.