Chuyện giờ mới kể về lò cao trong lòng núi Như Xuân

(PLO) - Trong 4 năm từ 1951-1954, lò cao kháng chiến NX3 nằm trong hang Đồng Mười này đã sản xuất được hơn 400 tấn gang, đảm bảo đủ nguyên liệu cho việc sản xuất vũ khí cung cấp cho chiến trường, góp phần quan trọng vào chiến thắng cuối cùng ở Điện Biên Phủ.
Cuộc hội ngộ sau 60 năm của những người con các nhà “sáng lập” lò cao Như  Xuân.
Cuộc hội ngộ sau 60 năm của những người con các nhà “sáng lập” lò cao Như Xuân.
Ngược dòng thời gian trở về một buổi sáng mùa xuân năm 1950, có ba người đàn ông chung chí hướng cách mạng đạp xe rong ruổi hơn trăm cây số từ Thanh Hóa vào Nghệ An để thu thập những kinh nghiệm làm lò cao luyện gang. Đó là các vị lão thành cách mạng Trịnh Tam Tỉnh, Trịnh Văn Yên và Lê Quang Thiệu.
Sau chuyến đi ấy, một công trình lịch sử của ngành quân giới đã ra đời tại vùng núi huyện Như Xuân, Thanh Hóa.
Công trình tập hợp nhân tài
Lò cao kháng chiến NX3 nằm gọn trong một thung lũng rất đẹp của thôn Đồng Mười ở phía Tây Nam tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm huyện Như Thanh 2km. Một bên là dòng sông Mực thơ mộng, một bên là dãy núi xanh trùng điệp với muôn vàn chim thú, cỏ cây, hoa lá. Sự ra đời của lò cao Như Xuân là câu chuyện tự hào của ngành Quân giới Việt Nam những ngày sơ khai. 
Nhà văn Xuân Cang đã ghi trong cuốn hồi ký “Lửa trong rừng sâu” của đồng chí Trịnh Tam Tỉnh rằng: “Một nhà báo nước ngoài đến thăm hang và tha thiết đề nghị chúng ta hãy bảo vệ di tích ấy”. Tôi xin được trích lại đoạn phát biểu của nhà báo ấy: “Tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước sự sáng tạo của giai cấp công nhân Việt Nam.
Ở các nước, người ta thông tin rằng Việt Nam kháng chiến bằng vũ khí của nước ngoài. Nhưng đến đây, tận mắt tôi đã thấy một lò cao được dựng lên trong hang núi và dấu vết của công cuộc sản xuất gang. Điều đó nói lên rất nhiều về giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam”.
Thật vậy, hiện lò cao NX3 là di tích còn nguyên vẹn nhất, là công trình thuở sơ khai của nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Nơi này đã từng ghi dấu sự tự hào của giai cấp công nhân Việt Nam, ghi dấu sự lao động và sáng tạo của các kỹ sư, công nhân đã miệt mài trong đủ bề thiếu thốn vật chất cũng như sự đe dọa đánh phá của quân đội thực dân.
Cuối năm 1949, Cục Quân giới Việt Bắc và Sở Kỹ nghệ Trung bộ đã quyết định chuyển toàn bộ cơ sở thí nghiệm lò cao từ Nghệ An ra Thanh Hóa, với quyết tâm xây dựng bằng được lò cao mới để sản xuất gang phục vụ kháng chiến.
Khi ấy, đồng chí Trịnh Tam Tỉnh được cử làm Đặc phái viên của Cục tại Khu IV để xây dựng Công xưởng Hóa chất Miền Nam. 
Ông Trịnh Tam Tỉnh vốn là Trưởng ban Dân quân Khu III, cùng em trai Trịnh Văn Yên đã tập hợp được đội ngũ trí thức, kỹ sư từ Pháp về gồm: Đặng Trần Cảnh, Lương Ngọc Khuê, Hà Đắc Liên... và một số người  có kinh nghiệm trong sản xuất vũ khí ở Khu III như Lê Quang Thiệu, Nguyễn Văn Thân… cũng góp sức lên kế hoạch từ những ngày đầu.
Kỹ sư Trịnh Văn Yên cùng kỹ sư Lương Ngọc Khuê là những người có kinh nghiệm khi từng làm việc ở lò cao Đáp Cầu của nhà tư sản Mai Trung Tâm. Ông Yên cũng là người chế tạo thuốc nổ giúp cụ Nguyễn Thái Học trong đầu năm 1930. Ông Yên cũng là người chế tạo thành công súng ba - dô -ka 75mm.
Ý chí vượt gian khổ
Công xưởng Hóa chất Miền Nam được hình thành với nhiệm vụ chưng cất a-xit, clorat de potat để làm thuốc nổ, và quan trọng nhất là xây dựng lò cao để luyện gang từ quặng. Khu vực xây dựng lò cao được bao bọc bởi núi non hiểm trở, tứ bề cây cối um tùm, dưới là suối mát, trong có hang sâu, rất thuận lợi cho việc ngụy trang công xưởng, kho tàng.
Ông Trịnh Trinh Tường (con trai kỹ sư Trịnh Văn Yên) trong lần thăm lại lò cao năm 2014.
Ông Trịnh Trinh Tường (con trai kỹ sư Trịnh Văn Yên) trong lần thăm lại lò cao năm 2014.
 
Sau 15 tháng gian khổ vừa vận chuyển hàng trăm tấn máy móc và nguyên liệu từ Đô Lương, Nghệ An ra và từ Ninh Bình vào, phải mất hơn một tháng, đoàn vận tải hơn 100 công nhân mới gùi được 300 viên gạch KAMA (gạch chịu lửa – PV) từ Việt Bắc vào đến Thanh Hóa.
Đến tháng 9/1951, hai lò cao NX1 chuyên sản xuất và NX2 chủ yếu để nghiên cứu thử nghiệm xây dựng. 
Để vận hành được lò cao, than cốc là nguyên liệu không thể thiếu. Nhưng trong rừng sâu của xứ Thanh này, đào đâu ra than cốc? Thế là than gỗ lim được chọn sử dụng thay thế, vừa đáp ứng đủ nhiệt lò, vừa tiện nguyên liệu sẵn có. 
Ngày 12/9/1951, lò cao NX2 được chạy thử nghiệm. Với dung tích 1m3, lò nhả khói 108 giờ liên tục và mẻ đầu tiên cho ra 250kg gang xám chất lượng tốt. 
Sau khi kiểm tra mọi mặt, nhất là ngụy trang che mắt máy bay địch, ngày 7/11/1951, lò lớn bắt đầu sản xuất. Lò NX1 có dung tích 6,7m3, chiều cao lò là 8m, chiều cao toàn bộ là 13m.
Suốt 2 năm 1952-1953, giặc Pháp đánh bom nhiều lần theo dọc sông Mực; bến Sung, khu Chuối là mục tiêu ném bom. Những khoảng rừng lim bị phá sạch, khu hành chính, nhà ở công đoàn nhiều lần phải xây dựng lại, nhưng lò cao chưa một lần bị ảnh hưởng. 
Sang năm 1953, để đảm bảo sản xuất khi cuộc kháng chiến vào giai đoạn cam go, quyết liệt, các kỹ sư, công nhân đã nhanh chóng xây dựng lò NX3 trong hang thôn Đồng Mười, cách vị trí lò lớn NX1 khoảng 1km. Tháng 7/1953, với quy mô như lò lớn NX1, lò NX3 bắt đầu sản xuất.
Với công suất khoảng 2 tấn gang/mỗi lò/ngày, suốt từ cuối năm 1951 đến tháng 7/1954, tổng cộng NX1 và NX3 đã sản xuất được 400 tấn gang. Từ đây, gang xám được tỏa đi khắp các xưởng quân giới trong Nam, ngoài Bắc để sản xuất đạn, mìn, lựu đạn… chi viện cho chiến trường.
Đến tháng 12/1954, lò cao Như Xuân chính thức dừng hoạt động. 
Ngày hội ngộ sau 60 năm
Hơn 60 năm sau ngày lò cao tắt lửa, trong một căn hộ nhỏ ở khu đô thị Ciputra (Tây Hồ, Hà Nội) có một cuộc hội ngộ của những con người đã từng sinh sống và học tập ở khu Chuối những ngày tháng khói lửa ấy. Họ là những người con của các “nhà sáng chế” lò cao Như Xuân, gồm các ông Trịnh Đông A (76 tuổi, con trai cụ Trịnh Tam Tỉnh), ông Trịnh Trinh Tường (72 tuổi, con trai cụ Trịnh Văn Yên), ông Lương Ngọc Hải (76 tuổi, con trai cụ Lương Ngọc Khuê), ông Nguyễn Văn Thơ (78 tuổi, con trai cụ Nguyễn Văn Thân). 
Suốt những năm tháng xây dựng và vận hành lò cao Như Xuân, các kỹ sư, công nhân hầu hết đưa cả gia đình cùng di tản. Trong 5 năm gắn bó, núi rừng xứ Thanh đã chào đón những sinh linh mới bên đốc lò cao.
Lần lượt, Như Xuân chào đời (con gái cụ Lê Quang Thiệu), rồi Vạn Thọ, Vạn Thiện cất tiếng khóc chào đời tại bến Sung (hai con trai cụ Trịnh Tam Tỉnh). Trong buổi gặp mặt cảm động đẫm nước mắt ấy, họ chia sẻ rằng đã may mắn được cùng cha đi qua thời khắc lịch sử.
“Chúng tôi vẫn nhớ những lần được cha cho lên xem gang ra lò. Tôi nhớ như in khoảnh khắc dòng gang đỏ chảy ra từ đáy lò”, ông Trịnh Trinh Tường hồi tưởng. Ông Nguyễn Văn Thơ thì nhớ như in ngày Pháp rải bom ở bến Sung, hàng nước của mẹ ông bị trúng bom, cháy tan tành.
Sau năm 1954, do sắp xếp công tác của Trung ương, các ông cũng theo cha về mỗi địa phương, nhưng không ai trong họ quên được những ngày đội mũ rơm đi học trường làng ở Như Xuân. Dù sau này có người đi học thiếu sinh quân (ông Trịnh Đông A), một số người được đi Liên Xô học, họ vẫn nhớ về nhau, nhớ về khoảng thời gian tuổi thơ đầy gian khó ấy.
Sợi dây liên kết Như Xuân cho họ tìm thấy nhau sau 60 năm.
Năm 2000, UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận lò cao Như Xuân là Di tích Lịch sử cấp tỉnh. Sau đó, di tích ngày một xuống cấp và dần rơi vào quên lãng. 15 năm là quá lâu để chúng ta nhớ đến công trình lịch sử này.
Sau cuộc hội ngộ, từ đầu năm 2013, các ông Trịnh Đông A, Trịnh Trinh Tường, Trịnh Viễn Thiện… đã trở lại Thanh Hóa, về lại Như Thanh cùng những hồ sơ, tài liệu quan trọng liên quan đến lò cao giúp UBND tỉnh Thanh Hóa lập hồ sơ xin xét duyệt di tích lịch sử cấp quốc gia.
Đến năm 2013, NX3 đã được công nhận Di tích Lịch sử cấp quốc gia. 
Trở lại hang Đồng Mười, đường vào hang bị cỏ cây vây lối. Đi sâu vào trong, vẫn còn những câu khẩu hiệu kêu gọi tinh thần, ý chí của các chiến sỹ khắc trên các vách đá.
Tuy bị rêu che, phai dấu thời gian nhưng bầu nhiệt huyết của cả một thế hệ tiền bối vẫn như hiện hữu trong không gian lịch sử này./.

Đọc thêm