Trước đây họ vốn là hàng xóm láng giềng tắt lửa tối đèn có nhau theo đúng nghĩa, giờ thì họ chỉ ước giá như nhà bên kia biến mất trên cõi đời. Tất cả mọi chuyện khó ai có thể ngờ xuất phát chỉ từ một con gà chết.
Ảnh minh họa |
Xuất hiện kịp thời, hóa giải mâu thuẫn
Cả xã vùng cao của huyện Na Rì, Bắc Kạn ấy, ai ai cũng biết nhà bà Tâm, bà Toán thân nhau như anh em ruột thịt. Họ cũng là những người miền xuôi lên làm kinh tế mới ở Na Rì cách đây đã vài chục năm. Quả đúng là bán anh em xa, mua láng giềng gần, việc to, việc bé nhà này, nhà kia đều có mặt. Con cái họ học chung trường làng, tan học cùng qua một con ngõ, có khi về nhà nhau ăn cơm nguội rồi mới về nhà mình. Ít ai ngờ có ngày họ lại tuyên bố cạch mặt nhau đến già.
Chuyện là mấy bữa đổi vụ rau, nhà bà Tâm gieo cả vườn cải ngút ngàn. Được mùa, bà dự định phiên chợ huyện sẽ cùng con gái cả thu hoạch một mẻ để thêm tiền mua một con lợn giống. Dự định là thế bỗng đâu, đàn gà đang tuổi “choai choai” của nhà bà Toán ngứa cựa sang làm cả vườn rau nát bấy. Bà Tâm tức khí nhặt luôn nửa cục gạch ném vào đàn gà làm chết một con. Chưa hả giận, bà vứt luôn con gà chết sang vườn nhà bà Toán ngay cạnh đó.
Chiều muộn, bà Toán cùng các con mới về đến nhà, thấy con gà chết, tiếc của thì ít mà tức thì nhiều, bà Toán đánh tiếng ai làm chết con gà thì bà Tâm bên này dối dả vọng sang, đại ý bắt đền bà Toán về chuyện vườn rau. Chẳng ai chịu ai, cuối cùng bà Tâm, bà Toán kéo cả bọn trẻ vào khẩu chiến. Từ đó, mối quan hệ giữa hai gia đình ngày càng rạn nứt.
Một bận, nhà bà Toán có giỗ, bà mời cả làng đến ăn trừ nhà bà Tâm. Ăn uống đến khuya mà đám thanh niên bên nhà bà Toán vẫn mở nhạc rất to làm bà Tâm không ngủ được. Bà ghé qua hàng rào tiếng chì, tiếng bấc. Bà Toán tức khí đưa cả đàn con ra. Bao nhiêu bực tức bấy lâu dồn nén, đám thanh niên hai gia đình ngày xưa vẫn coi nhau là anh em định lao vào hỗn chiến. Chúng mang cả rao rựa, dụng cụ làm nương ra định vượt qua cái hàng rào mỏng mảnh để ẩu đả nhau. Đúng lúc ấy thì Trưởng công an xã, kiêm hòa giải viên xuất hiện.
Sự có mặt của anh Thông cũng làm cho hai bên hạ nhiệt, bởi dù sao đám thanh niên này cũng có học và chúng còn biết sợ khi xuất hiện Công an. Anh Thông mời cả hai bên vào nhà rồi ôn tồn giảng giải thiệt hơn. Sau đó, cứ có dịp là anh Thông lại đến hai gia đình khuyên giải. Trong một cuộc họp do xã tổ chức, anh Thông bố trí cho bà Tâm, bà Toán ngồi cạnh nhau. Ban đầu, cả hai cùng ngượng nghịu, sau dần vì cuộc họp có liên quan đến quyền lợi chung của các bên, chả ai bảo ai, bà Tâm, bà Toán có cùng nguyện vọng. Và cũng nhờ sự nhiệt tình của anh Thông, hai gia đình họ đã dần trở lại bình thường.
Người phụ nữ có duyên gắn kết vợ chồng
Cũng là hòa giải viên nhưng chị Nguyễn Thị Thu Trà, cán bộ văn hóa xã Tiền phong, Mê Linh, Hà Nội lại được ví như “chuyên gia tư vấn” trong lĩnh vực hôn nhân gia đình. Sở dĩ vậy, bởi cứ cặp nào “có chuyện” người ta lại thấy chị xuất hiện ngay, dù chị vẫn nhận mình là “khách không mời mà đến”.
Câu chuyện chị Trà nhớ nhất, đó là về một cặp vợ chồng trẻ đều làm công nhân ở khu công nghiệp. Ở tuổi gần 30 nhưng gia sản họ hầu như chưa có gì ngoài hai đứa con trai. Cuộc sống khó khăn cộng với cái tính thất thường của chị vợ, tính nóng như lửa của anh chồng khiến nhiều lần gia đình họ lục lục. Cao điểm, người chồng còn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ trước mặt con. Không chịu nổi, chị vợ bỏ về nhà mẹ đẻ gần đó, ôm theo cả hai đứa con.
Ân hận về việc làm của mình, nhiều lần anh chồng sang nhà bố mẹ vợ xin được đón vợ con về song không được chấp thuận. Lần cuối cùng, trước khi ra khỏi cửa, anh này văng một câu chửi đổng, và câu chửi đó châm ngòi cho cuộc chiến giữa hai bên thông gia bấy lâu rất tốt đẹp. Đỉnh cao của mâu thuẫn là cả hai bên thông gia dùng gậy gộc định làm vũ khí. Ước nguyện cuối cùng của họ là đôi trẻ ly hôn, ai về nhà nấy.
Được Tổ hòa giải phân công, chị Trà đã tiếp cận cả phía vợ và chồng gia đình nọ. Chị không đi thẳng vào mâu thuẫn mà rủ rỉ tâm tình, hỏi han gia cảnh, đời sống. Rồi chị phân tích cho cả hai bên thấy những thiệt hơn của việc ly hôn, hậu quả những đứa trẻ sẽ phải gánh chịu. Đôi bên thông gia chắc hẳn cũng không ai muốn mình bị làng nước chê cười có con bỏ chồng, bỏ vợ vì những lý do không đâu. “Gỡ” từng nút thắt, cuối cùng chị Trà cũng làm cho cả hai bên chồng vợ và gia đình thông gia hiểu rằng, ly hôn không phải là con đường hay nhất mà họ lựa chọn.
“Các cụ ta xưa đã nói, vợ chồng như cái bát cái đũa, có lúc xô. Nhưng vấn đề là mỗi người cần biết những điểm dừng trong cuộc sống để không đẩy mâu thuẫn lên quá cao cao, sinh ra nóng giận, đổ vỡ. Đối với những người làm hòa giải như chúng tôi luôn lấy phương châm, vấn đề gì dù khó đến mấy cũng đều có cách giải quyết, quan trọng là mình có cái tâm và sự kiên trì. Hãy đặt mình ở vị trí mọi người để tìm ra những cách giải quyết vấn đề thật sáng suốt”, chị Trà tâm sự. |
Hương Bằng