Hồi ức về những trận đánh
Trung đoàn Phú Xuân đã được phong Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, là Trung đoàn chủ lực Quân khu Trị Thiên, được thành lập vào ngày 10/10/1965 với nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu trên chiến trường Trị - Thiên. Trung đoàn Phú Xuân vang danh với những trận đánh ác liệt trong cuộc tổng tiến công, nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 và cuộc chiến giải phóng Thừa Thiên Huế năm 1975.
Mặc dù đã ở tuổi 90 nhưng những ký ức về cuộc chiến Đại tá Huỳnh An vẫn còn nhớ rất rõ: “Để chuẩn bị cho cuộc chiến giải phóng Thừa Thiên Huế, tất cả anh em chiến sỹ Trung đoàn 6 đã chiến đấu không biết mệt mỏi, có rất nhiều chiến sỹ đã hi sinh khi thắng lợi cận kề. Năm 1975, khi tuyến phòng ngự khu vực đường 14 và quanh căn cứ Phú Bài bị vỡ thì cánh cửa giải phóng Huế như mở ra.
Ngày 25/3/1975, Trung đoàn 101 của Sư đoàn 325 và một bộ phận của Trung đoàn 271 chỉ trong một buổi sáng đã đánh chiếm căn cứ ấp 5 và căn cứ Phú Bài. Trong suốt 13 ngày đêm giằng co chiến đấu với địch, cuối cùng quân ta cũng đã phá vỡ được phòng tuyến của kẻ thù, cánh cửa giải phóng Thừa Thiên Huế từ phía Nam đã được mở ra. Đòn quyết định chiến dịch này còn mở ra thế và lực mới cho quân và dân ta tiến công giải phóng Đà Nẵng chỉ mấy ngày sau đó thuận lợi hơn”.
Những chiến sỹ của Trung đoàn Phú Xuân đã kiên cường, anh dũng để chiến đấu với địch trong suốt 25 ngày đêm để mở ra cánh cửa độc lập cho Thừa Thiên Huế. Đã có rất nhiều đồng chí hi sinh, thậm chí có những chiến sỹ đến nay vẫn chưa tìm được mộ. Giờ đây, người còn sống, người đã khuất nhưng tất cả đều vì độc lập dân tộc, không chỉ riêng tỉnh Thừa Thiên Huế mà toàn dân tộc Việt Nam – Đại tá Huỳnh An chia sẻ.
Đại tá Huỳnh An (90 tuổi), nguyên Trung đoàn Trưởng Trung đoàn Phú Xuân |
Cờ giải phóng bay trên Kỳ đài Ngọ Môn
“Ngày đó, sau khi đánh thắng quân địch, Trung đoàn Phú Xuân được vinh dự giao nhiệm vụ vận chuyển, kéo cờ Tổ quốc trên Kỳ đài Ngọ Môn (Huế) để báo hiệu Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng. Đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, để hoàn thành nhiệm vụ nên tôi phải cân nhắc mọi chuyện thật kỹ lưỡng. Sau bao lần cân nhắc, tôi giao nhiệm vụ cho Đại đội 3, Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn Phú Xuân mang cờ từ căn cứ về Huế để cắm trên Kỳ đài Ngọ Môn.
Lúc đó, đồng chí Đại đội trưởng giao cho đồng chí Trần Văn Hà, quê ở tỉnh Hà Nam, có nhiệm vụ vận chuyển lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam từ căn cứ Mỏ Tàu (huyện Phú Lộc) cùng Trung đoàn tức tốc hành quân 5 ngày đêm đường rừng về trung tâm TP Huế. Qua bao nhiêu ngày đêm băng rừng, lội suối vất vả, với bao hiểm nguy rình rập từ phía quân thù, rạng sáng ngày 26/3, Trung đoàn Phú Xuân mang cờ qua cầu Bạch Hổ rồi theo đường Lê Lợi tiến vào Ngọ Môn.
Bia Chiến tích của Trung đoàn Phú Xuân tại Sân bay Tây Lộc (Huế), tri ân hơn 12.000 chiến sỹ đã hi sinh |
Đúng 6h30 sáng 26/3/1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng màu đỏ tươi đã tung bay trên đỉnh Ngọ Môn, cả kinh thành Huế vui sướng vỡ òa trong niềm vui giải phóng. Kỳ đài Ngọ Môn Huế có 3 tầng, cao 17,5m; cột cờ làm bằng bê-tông cao 37m, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng nặng hơn 30kg, rộng 92m2…
Để tưởng nhớ đến các đồng đội đã hi sinh trong cuộc chiến giải phóng Thừa Thiên Huế, năm 2013 Ban Liên lạc của Trung đoàn cùng chính quyền địa phương đã xây dựng Bia Chiến tích của Trung đoàn Phú Xuân tại Sân bay Tây Lộc nhằm tri ân hơn 12.000 anh hùng, liệt sỹ của Trung đoàn đã anh dũng chiến đấu hi sinh để bảo vệ nền độc lập cho dân tộc cũng như cho tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng. Đây cũng là ước nguyện của Đại tá Huỳnh An, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Phú Xuân.