Chuyện ít biết ở vùng đất “địa đàng trên sa mạc”

(PLO) - Nhắc đến Qatar, điều đầu tiên người ta biết đến đây là quốc gia dầu mỏ vùng Vịnh giàu có nhất thế giới với GDP bình quân đầu người gần 130.000 USD. Tuy nhiên, ngoài sự giàu có, Qatar cũng có rất nhiều điều thú vị khác. 
Qatar là nước có mức độ chênh lệCh giới tính cao nhất thế giới
Qatar là nước có mức độ chênh lệCh giới tính cao nhất thế giới

Có tài sản khắp thế giới

Năm 2005, Cơ quan đầu tư Qatar được thành lập, chuyên đầu tư trên khắp thế giới nhằm giúp Qatar giảm phụ thuộc vào giá dầu. Qatar sở hữu tòa nhà Harrods, Shard, doanh trại Chelsea Barracks, khu làng Olympic và nhiều khu bất động sản khác. Cơ quan đầu tư Qatar cũng sở hữu hơn 25% cổ phần chuỗi siêu thị lớn thứ 2 của Anh là Sainsbury's, đồng sở hữu hãng phim Miramax.

Không tính các công trình nhỏ lẻ thì hiện tại Doha có trên một ngàn đại công trình, trong số đó lớn nhất là hoàn thành gần bốn chục đại lộ, 230 cầu vượt, xây xong hai chục khách sạn năm sao, một bảo tàng Quốc gia đồ sộ, hoàn thành hai cảng biển và 12 sân vận động ngầm để phục vụ Word Cup 2022 sắp đến. 

Với nguồn tài chính khổng lồ, mọi thứ dùng để kiến thiết đất nước Qatar đều phải nhập ngoại, bất kể gạch đá, đất, gỗ, xi măng, sắt thép, đồ nội thất, máy móc, cần cẩu, ô tô, xe lu…thậm chí là cát. Cát của họ ngập sa mạc, nhưng nhiễm mặn, không thể sử dụng vào việc gì, kể cả trộn xi măng xây dựng. Tuy nhiên, miễn có tiền thì dường như “giấc mộng” nào cũng có thực hiện.

Thủ đô Doha chỉ có hai mùa, mùa nóng và mùa hơi nóng. Mùa nóng nhiệt độ có lúc đạt đỉnh 52 độ, chỉ cần bước ra sân nhà là nóng rực như đi vào chảo lửa. Dân Qatar suốt trong quãng thời gian đó chỉ sống trong nhà hoặc trong xe với chế độ sử dụng điều hòa nhiệt độ tối đa. 

Vào mùa nóng, người ta không thể đi bộ ngoài trời, bước qua đường để đến một cửa hàng thực phẩm cách chừng vài ba trăm mét để mua thực phẩm. Đi đâu, một bước cũng phải ngồi ô tô và điều hòa mở đến cỡ lạnh nhất.

Chính vì thế, người dân ở đây coi ô tô là mái nhà thứ hai của mình. Mỗi gia đình ở Doha thường có tới 5 hoặc bảy chiếc ô tô đời mới nhất. Mức thu nhập của cư dân sở tại cho phép họ làm điều đó và hơn thế nữa. Cũng chính vì khí hậu khắc nghiệt mà người lao động chủ yếu làm việc từ lúc mặt trời lặn cho đến khi bình minh hé rạng. 

Tới những điều " kỳ quặc "

Theo Hiến pháp Qatar, việc chỉ trích Quốc vương được coi là một tội. Hiến pháp mới năm 2005 của nước này bảo đảm quyền tự do báo chí, nhưng vào năm ngoái nhà thơ Muhammad ibn al-Dheeb al Ajami vẫn bị tù chung thân (sau đó giảm xuống 15 năm) vì dám viết thơ đùa cợt về Quốc vương. Người dân Qatar vẫn chờ đợi quyền bầu cử chưa được thực hiện dù chính phủ đã hứa hẹn từ lâu.

Ở Qatar rượu bị cấm tại quốc gia với 75% người Hồi giáo. Cả nước chỉ có 2 cửa hàng bán rượu chai nhưng phải mang đi và không uống tại chỗ. 2 cửa hàng này được đặt tại Doha và do công ty Phân phối Qatar điều hành. Nếu muốn mua rượu tại đây, bạn cần thư xác nhận của sếp về mức lương hàng tháng, và chỉ được mua một lượng hạn chế. Ngoài ra, Qatar cũng không được nhập khẩu thịt lợn và các sản phẩm đồi trụy.

Qatar là nơi mà đáng sợ nhất đối với người tham gia giao thông. Cứ 100.000 ngườ ở Qatar thì có 9.989 người bị thương và 33 người chết vì tai nạn trên đường. Trong các lỗi giao thông như đậu sai chỗ, va quệt, chạy quá tốc độ, thì vượt đèn đỏ được coi là lỗi nặng nhất.

Khi có lỗi báo phạt, các chủ xe tự động trả qua thẻ ngân hàng, mỗi năm sẽ được rà soát lại một lần, ai nợ, xe không được lưu hành nữa. Điều đặc biệt duy nhất trên thế giới, đó là ở Doha có cả mùa giảm giá lỗi phạt xe vào những dịp những ngày lễ trọng của đạo Hồi. 

Mặc dù giao thông hơn lộn xộn, nhưng bù lại cơ sở vật chất giao thông của nước này thuộc vào hàng hiện đại nhất thế giới. Dường như mọi con đường trong thành phố ra ngoại ô đều là cao tốc. Nền đường sa mạc rất chắc, cộng với kỹ thuật tiên tiến, không có tham nhũng và rút ruột, những đại lộ khoảng 8 làn đường đến 12 làn đường ở đây phẳng lỳ, không xóc, không ổ gà và có hệ thống đèn tuyệt hảo.

Camera kiểm soát được trang bị rất khủng, độ quét tới 120 độ và tia hồng ngoại cho phép kiểm tra chính xác trên một đoạn đường dài kể cả ban đêm hoặc bão cát trong khoảng cách 1km. Cứ tưởng thủ đô các nước đông dân mới có chuyện tắc đường kinh niên, nhưng không ngờ tại đây, dân số thưa thớt, vào giờ cao điểm, chuyện tắc đường vẫn diễn ra ở Qatar. Nhưng người dân cũng rất văn minh, không một tiếng còi, không nóng vội, không một lời thúc giục và đặc biệt cánh lái xe không một lời văng tục.

Qatar cũng là nước có mức độ chênh lệch giới tính cao nhất hành tinh. Dân số khoảng 2,5 triệu dân, nhưng Qatar chỉ có chưa đầy 700.000 phụ nữ. Có nghĩa là cứ 307 người nam mới có 100 nữ. Sự chênh lệch này được cho là do bùng nổ dân số ở Qatar. Đất nước này do người lao động nhập cư, đa phần là đàn ông trẻ tuổi, xây dựng. Rất nhiều người từ các nước đổ đến Qatar tìm việc làm. Trong đó, phần lớn từ Nam Á và Philippines, chiếm đa số với tỷ lệ 8:1 so với dân bản địa. 

Đây là quốc gia có tỷ lệ người nhập cư lớn nhất thế giới. Trong vài năm qua, dân số nước này tăng vọt từ chưa đầy 700,000 năm 2003 lên khoảng 2.5 triệu năm 2016. Mặc dù chênh lệnh rất lớn, nhưng tình trạng bất công với phụ nữ vẫn xuất hiện ở quốc gia này. Phụ nữ Qatar không được phép lái xe, không được tập thể dục cạnh nam giới tại một số địa điểm tại thủ đô Doha. 

Đàn ông khổ vì lấy vợ 

Qatar là quốc gia vùng Vịnh giàu có nhất thế giới với GDP bình quân đầu người gần 130.000 USD. Tuy nhiên, gánh nặng chi trả cho những đám cưới ngày một xa hoa đang khiến đàn ông nước này khó lấy vợ. Mọi chi phí của đám cưới cho cả nhà trai và nhà gái đều do người đàn ông chịu hết, họ phải tặng quà cưới, thường là trang sức đắt tiền cho cô dâu. Chính vì vậy mà có nhiều người đàn ông phải làm việc và tiết kiệm tới tận 9 năm mới đủ 123.000 USD trả tiền làm đám cưới.

Được biết, tỷ lệ kết hôn ở Qatar giảm liên tục từ năm 2010, theo thống kê của chính phủ. Một phần do chi phí kết hôn tăng, một phần do phụ nữ được học hành và có bằng cấp cao hơn, tham gia lực lượng lao động nhiều hơn nên ít phụ thuộc chồng. Phụ nữ Qatar cũng sinh con đầu lòng muộn hơn và sinh ít con hơn. Tỷ lệ ly hôn tăng lên từ năm 2001, còn tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi kết hôn vẫn độc thân là 25%.

Đối với tầng lớp trung lưu và bình dân ở Qatar, kết hôn đồng nghĩa với việc gánh thêm một khoản nợ, khiến hôn nhân căng thẳng ngay từ khi bắt đầu. Không những thế, số lượng trung tâm tiệc cưới ở đây ít, tiền thuê đắt, khoảng 8.000 - 42.000 USD.

Ông Hassan Al-Ibrahim, một chuyên gia xã hội học Qatar cho biết đây là một quốc gia nhỏ, nơi mọi người đều biết nhau. Vì thế, “ai cũng trông đợi được mời tới dự đám cưới. Họ luôn cho rằng bạn sẽ mời họ tới dự đám cưới của em trai hay em gái. Do đó, bạn không thể nói ‘Tôi chỉ muốn tổ chức một đám cưới nhỏ’ vì có thể khiến người khác cảm thấy bị sỉ nhục”.

Năm 2006, chi phí cho đám cưới của nhà gái khoảng 10.000 - 28.000 USD thì năm 2013, con số này tăng lên 28.000 - 69.000 USD và vẫn tiếp tục tăng, có thể lên tới hàng trăm nghìn USD.

Khi hỏi bốn cô gái Qatar trẻ trung, hấp dẫn, chưa kết hôn, họ nói rằng phụ nữ Qatar coi đám cưới là “sự kiện cả đời” vì thế họ muốn nó thật đặc biệt. Cô Aisha, một người trong đó, sinh ra trong một gia đình đông anh em. Vì thế, đám cưới chắc chắn phải tổ chức thật lớn vì số khách nhà ngoại khoảng 100 người, còn nhà nội là 250. Ngoài ra, cả bốn cô gái này cũng đều cho rằng đàn ông dám bỏ tiền làm đám cưới xa hoa cho vợ càng khẳng định giá trị của mình. 

Đọc thêm