Những biệt danh độc đáo
Ngày 2/2/2018, Thừa ủy quyền của Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Quận ủy Thủ Đức đã tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cho Trung tướng Lê Nam Phong - nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2 (nay là Đại học Nguyễn Huệ). Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã đến chúc mừng.
Chúc mừng Trung tướng Lê Nam Phong, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: “Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng là sự ghi nhận, tôn vinh của Đảng dành cho những cống hiến, đóng góp của Trung tướng Lê Nam Phong đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, quá trình chiến đấu, trưởng thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam”. Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa chúc Trung tướng Lê Nam Phong luôn mạnh khỏe, luôn là tấm gương sáng, chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong quân đội và thế hệ trẻ hôm nay noi gương, học tập.
Trung tướng Lê Nam Phong nguyên là Tư lệnh Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, thời chống Mỹ, Tư lệnh Quân đoàn I bảo vệ biên giới phía Bắc, Phó Tham mưu trưởng Mặt trận 719 - Bộ Quốc phòng giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, Giám đốc Trường Sĩ quan Lục quân 2.
Ông tên thật là Lê Hoàng Thống sinh năm 1928 tại xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nông dân nghèo. Xuất thân là con nhà võ, tháng 3/1944, khi 16 tuổi ông tham gia làm liên lạc cho tổ chức Việt Minh bí mật trong vùng. Ông vào Đảng tháng 2/1948, chính thức ngày 4/9/1948.
Trung tướng Lê Nam Phong cho biết: “Đến bây giờ chắc tôi là vị tướng có nhiều biệt danh nhất. Các biệt danh đều là dấu ấn con người của tôi trong từng chiến trận, mặt trận. Hồi đánh trận Điện Biên Phủ, tôi quyết tâm… xuống tóc, chết tên là “Đại đội trưởng đầu trọc”. Sau này là hàng loạt tên khác như: Năm “Lửa” vì tính khí nóng nảy; Năm “Bình toong” vì mỗi lần trước khi vào trận chiến đấu là mở bình toong nhấp một ngụm rượu; Năm “Hỏa lực” vì chỉ huy đánh trận nào là sử dụng hỏa lực rất mạnh. Nhưng tôi khoái nhất là tên “bố Năm” do cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên Trường Sĩ quan Lục quân 2 tặng”.
Tướng Phong bảo, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông bảo dấu ấn khó quên nhất là trực tiếp đánh chiếm đồi Độc Lập và ông “chết” với cái tên Phong “trọc”, trong “đại đội đầu trọc”. Năm 1954, “đại đội đầu trọc” của ông được giao nhiệm vụ đánh bộc phá đồi Độc Lập, cho quân chủ lực đánh thẳng vào sào huyệt tướng De Castries. “Lúc ấy, chiến hào bùn lầy nhão nhoét, đất sình dính bê bết khắp người nên tôi có “sáng kiến” kêu gọi anh em cạo trọc đầu cho đỡ bẩn”. Thông tin này đến tai Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng mãi đến một lần đi thị sát, gặp ông, Tướng Giáp mới hỏi tại sao lại cạo trọc đầu? “Lúc đó còn trẻ nên tôi hồn nhiên trả lời Đại tướng là cạo trọc đầu để thề đánh thắng thực dân Pháp. Nghe vậy Đại tướng rất thú vị” - ông kể. Đến năm 1979, khi được điều ra làm Tư lệnh Quân đoàn 1, có dịp gặp lại, Đại tướng chỉ ông nhắc lại “Đại đội trưởng đầu trọc phải không?” khiến mọi người phá lên cười.
Luôn giữ đạo làm Tướng
Ngày 15/10/1987, Bộ Quốc phòng quyết định bổ nhiệm Tướng Lê Nam Phong làm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2. Từ một vị tướng ở chiến trường, ông trở thành một nhà giáo chuyên nghiệp của quân đội. Thời điểm ông Lê Nam Phong nhận nhiệm vụ mới, cũng là lúc Bộ Quốc phòng xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Nhiệm vụ nhà trường cực kỳ khó khăn với yêu cầu phát triển của chiến tranh trong tương lai. Làm sao để lực lượng sĩ quan vừa hồng vừa chuyên, có trình độ ngang tầm thế giới để tiến tới hội nhập? Làm sao kết hợp khoa học quân sự với chiến đấu, tác chiến?
Hàng loạt câu hỏi đặt ra yêu cầu Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường phải giải quyết triệt để. “Yêu cầu đặt ra là giáo viên, cơ sở vật chất, thao trường phải đủ tiêu chuẩn đại học; thiết bị phải có chứ không dạy “chay” như trước. Cơ sở vật chất không khó, Nhà nước và Bộ Quốc phòng đã quan tâm hỗ trợ chúng tôi trang bị máy vi tính, xây dựng trường lớp. Cái khó là con người để thực hiện. Một mặt, chúng tôi chuyển học viên đi học đại học bên ngoài, rồi tuyển sinh viên vào trường. Mặt khác, tôi tới các học viện, trường đại học bên ngoài để đưa giáo viên của trường đi học, nâng cao trình độ…”- Trung tướng Lê Nam Phong nói. Nhờ năng động giải quyết các khó khăn, chỉ trong vòng 4 năm, 100% giáo viên trường đã có trình độ đại học, trong đó có nhiều người có trình độ Thạc sĩ và Tiến sĩ.
Trung tướng Lê Nam Phong nhớ lại: “Một lần, tôi được mời dự lễ khánh thành một cái chợ khá bề thế ở TP Hồ Chí Minh. Không biết vô tình hay hữu ý mà ban tổ chức lại phát loa: “Xin quý vị đại biểu và bà con yên tâm. Hôm nay, có 4 Đại tá tham gia bảo vệ buổi lễ!”. Đành rằng làm gì cũng được, miễn là lương thiện nhưng sao lòng tôi vẫn xót xa, tê tái. Giá như 4 đồng đội của tôi có nghề nghiệp giỏi”. Từ đó, ông nung nấu quyết tâm mở thêm mục dạy nghề và tiến tới là tổ chức trung tâm dạy nghề. Hiện nay, trung tâm đã phát triển thành Trường Cao đẳng nghề số 8 Bộ Quốc phòng và trở thành một trong những đơn vị xuất sắc của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động Thương binh - Xã hội và cả của tỉnh Đồng Nai, địa bàn nhà trường đóng quân.
Về với đời thường, dù còn khó khăn nhưng Tướng Lê Nam Phong luôn dành sự quan tâm, chia sẻ với những đồng đội còn nghèo. Ông Dương Văn Hải - cựu chiến binh Sư đoàn 7 tâm sự: “Ông bà Lê Nam Phong đã dành tiền mở quỹ khuyến học, gửi vào ngân hàng lấy lãi làm học bổng cho các cháu nơi quê nhà. Nhiều lần giúp đỡ những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn như Trung đoàn trưởng dũng cảm thời đánh Mỹ Lê Bầu, Anh hùng Lê Xuân Cới - Dũng sĩ đường 13, cùng cựu chiến binh Sư đoàn 7 đi tìm mộ liệt sĩ, giúp đỡ thân nhân đưa hài cốt liệt sĩ về quê cha đất tổ; cùng Hội Cựu chiến binh vận động chính quyền các tỉnh miền Đông chung tay xây dựng các tượng đài liệt sĩ…”.