“Người giấu mặt” kể góc khuất những nỗi đau gia đình

(PLO) - Dù mới ra mắt từ đầu năm 2018 nhưng “Người giấu mặt” đã nhanh chóng để lại ấn tượng cho người xem. Mỗi nhân vật đã mang đến cho những người thực hiện chương trình một câu chuyện, một cảm xúc khác nhau. Những câu chuyện của “Người giấu mặt” vô cùng “nóng” trong xã hội, là những vấn nạn mà dư luận xã hội vô cùng quan tâm.
Những nỗi đau, góc khuất gia đình được kể lại trong “Người giấu mặt”.
Những nỗi đau, góc khuất gia đình được kể lại trong “Người giấu mặt”.

Nghẹn ngào với những nỗi đau

“Người giấu mặt” chính thức phát sóng định kỳ 3 tập/tuần trên kênh truyền hình Công an nhân dân (ANTV) vào lúc 21h30 thứ hai, thứ tư, thứ sáu hàng tuần với thời lượng 12 phút/tập. Đây là talk show truyền hình đầu tiên tại Việt Nam áp dụng thủ pháp giấu mặt bằng các kỹ thuật ánh sáng. Với nhân vật chính, để từ đó, những góc khuất, những niềm riêng khó nói trong sâu thẳm mỗi người sẽ được giãi bày.

Ở đó, nhân vật chính là tâm điểm của chương trình, người dẫn chỉ đứng ở vai trò lắng nghe, chia sẻ và gợi mở để dẫn dắt vào phần chia sẻ của nhân vật. Không có sự phân biệt về địa vị, tuổi tác hay ngành nghề, “Người giấu mặt” là nơi để tất cả mọi người có thể chia sẻ những trải nghiệm, những góc khuất và cả những bức xúc mà bản thân đã trải qua hoặc được chứng kiến. “Việc giấu mặt vừa để bảo vệ nhân vật, đồng thời cũng là cơ hội để nhân vật có thể tự tin hơn giãi bày những góc khuất mà rất nhiều nhân vật không dám công khai đưa ra, hoặc không đủ can đảm đối mặt do những mặc cảm, hoặc kể cả do sức ép của một thế lực nào đó…” - êkip thực hiện chương trình chia sẻ. 

Câu chuyện về một cô giáo dạy Văn, trước cơn đau trở dạ biết mình vô tình mang trong mình căn bệnh thế kỷ - HIV/AIDS. Chính căn bệnh này đã cướp mất cô con gái của cô khi con mới 6 tháng tuổi, rồi sự ra đi của người chồng sau đó vài tháng… nhưng cũng không thể làm cô gục ngã, mà ngược lại, càng mạnh mẽ bước qua mọi sự mặc cảm, nghi ngại để đứng vững trên bục giảng, trở thành một giáo viên có nhiều thành tích xuất sắc. 

Hay câu chuyện của một người phụ nữ nông thôn, làm nghề chèo đò phục vụ khách du lịch để nuôi người chồng tâm thần và 3 đứa con thơ. Gánh nặng cơm áo khiến chị không có nhiều thời gian dành cho con, đã khiến kẻ hàng xóm, dù biết mình có HIV nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi đồi bại với con gái thứ 2 của chị. Và dù tòa án đã có quyết định khởi tố, nhưng gần 5 tháng trôi qua, thủ phạm vẫn chưa bị đưa ra xét xử, khiến chị và gia đình đau đớn, rồi lại uất ức vì không biết kêu ai. 

Một ông bố ở Hải Dương chia sẻ cảm giác đau đớn và bất lực, khi con gái anh bị chính người thân là ông cậu (cậu ruột của mẹ), người mà hàng ngày cháu vẫn gọi là “ông ngoại” hãm hiếp nhiều lần… Không những thế, người đàn ông này đã có hành vi tương tự với nhiều bé gái khác trong xóm, y cũng đã từng nhận tội với công an xã về hành vi của mình (với một bé gái khác)... Tuy nhiên, sau khi lá đơn tố cáo của nhân vật bị tung lên mạng, con gái anh rơi vào tình trạng mất cân bằng về tâm lý khi liên tục bị bạn bè chế giễu. Lo lắng con mình sẽ rơi vào tình trạng tương tự, nên các gia đình khác lựa chọn im lặng, không tham gia tố giác kẻ dâm ô.

Rồi câu chuyện về kí ức kinh hoàng của người vợ bị chồng thiêu sống, cha hành hạ con đến biến dạng… Hay một nỗi buồn khó diễn tả thành lời trước những hệ lụy mà ma túy hay các tệ nạn xã hội vẫn luôn đeo bám không rời cuộc sống của nhiều người vô tội khi người thân của họ trót phạm phải lỗi lầm.

Chia sẻ và bảo vệ người yếu thế

Đó là một trong những chủ đích mà talk show “Người giấu mặt” của kênh ANTV chuyển tải đến người xem. Và khi xem những chương trình này, người xem không khỏi cảm thấy bàng hoàng, đau đớn, xót xa với những cay đắng, nghiệt ngã mà nhân vật trong chương trình phải chịu đựng. Họ phẫn nộ với những kẻ tội phạm xấu xa, độc ác, đồng thời mong muốn cơ quan pháp luật vào cuộc để trừng trị những kẻ phạm tội. 

Trong bối cảnh hiện nay, khi người xem truyền hình cả nước ít nhiều đang bị “bão hòa” với hàng trăm showgame truyền hình thực tế, thậm chí, nhiều chương trình còn khai thác quá sâu vào đời tư các nghệ sĩ, gây phản cảm và tạo những dư luận xấu trong xã hội... thì talk show “Người giấu mặt” là một chương trình hiếm hoi dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người yếu thế, vốn rất ít có cơ hội chia sẻ những vấn đề khó nói của bản thân, gia đình hay những người xung quanh mình.

MC Trịnh Lê Anh cho biết: “Người giấu mặt cho tôi cơ hội được hiểu thêm về những thân phận, cảnh huống khác nhau trong cuộc sống. Dù mới đi được chặng đường đầu tiên nhưng tôi đã học được ở các nhân vật nhiều bài học trong cuộc sống. Đó là sự cởi mở, sẻ chia trong cuộc sống gia đình, là thái độ sống không thờ ơ với những người xung quanh, không ngoảnh mặt bàng quan trước bạo lực gia đình...”.

 Bản thân MC Lê Anh, nhiều khi nghe nhân vật kể chuyện, anh không cầm nổi nước mắt và từng nghĩ, vì sao những người tốt sao lại chịu khổ thế… rồi ngay cả anh cũng ít nhiều cảm thấy thiếu đi niềm tin vào cuộc sống. Nhưng sau nhiều trăn trở, anh vẫn quyết định ở lại với chương trình. Bởi anh muốn mình ở đó, đồng hành cùng nhân vật, tìm cách khơi gợi cho nhân vật có đủ dũng cảm chia sẻ câu chuyện của cuộc đời mình. Và từ chính việc chia sẻ đó, câu chuyện của nhân vật có cơ hội đến được với người cần nghe, cần biết, và có thể nhân vật sẽ tìm được sự trợ giúp cần thiết, tìm lại được sự công bằng cho chính mình và người thân, cũng như mang lại niềm tin cho đông đảo người xem. 

Không chỉ lắng nghe, những người thực hiện chương trình còn mong muốn, thông qua “Người giấu mặt” những vướng mắc của nhân vật chưa được giải quyết sẽ được thúc đẩy sớm hơn nhằm trả lại công bằng bằng luật pháp, bằng sự sẻ chia cũng như sự an ủi cho nhân vật vốn đã chịu nhiều thiệt thòi.

Đọc thêm