Chuyện kể đằng sau “Nụ cười Thành cổ”

(PLO) -  Trong 81 ngày đêm kinh hoàng tại chảo lửa Thành cổ Quảng Trị, phóng viên chiến trường kỳ cựu Đoàn Công Tính đã băng mình lách qua những làn đạn, vượt sông vào huyệt đạo Thành cổ để trực tiếp cảm nhận, chứng kiến, ghi lại khoảnh khắc chiến đấu anh hùng của những con người Việt Nam.
Xung phong vào cõi chết
Theo lời kể của ông Đoàn Công Tính về lịch sử sự ra đời của bức ảnh thì thời điểm năm 1972, trên bàn đàm phán Paris về giải pháp chấm dứt chiến tranh có cuộc tranh cãi: Ai là người làm chủ thị xã và Thành cổ Quảng Trị? Thông tin từ 2 phía bằng lời nói không đủ sức chứng minh. Các nhà báo hiểu cần phải vào tận nơi tìm hiểu cuộc sống và chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ ta để tạo ra lợi thế cho phía ta trên bàn đàm phán.
Nhưng, đường vào chẳng dễ dàng gì vì  địch liên tục tiến hành các đợt rải bom B52, nã pháo kích để làm sập các đồn chốt, hầm trú ẩn của quân ta, huy động thêm nhiều sư đoàn lính thủy đánh bộ cùng đơn vị hỏa lực hòng san bằng Thành cổ, đánh bật quân miền Bắc khỏi bờ nam sông Thạch Hãn. Lúc này, Bộ Chỉ huy mặt trận quyết định: “Không để phóng viên vào Thành cổ để tránh thương vong”. Vì thế, các phóng viên cũng chỉ còn cách lấy tin từ những người bị thương được chuyển ra. 
Đoàn Công Tính suy nghĩ: “Mình là phóng viên ảnh nên cần phải vào trong để đưa tin ảnh một cách chân thực, trực tiếp”. Ông muốn cho cả thế giới biết Thành cổ vẫn còn, những người con Việt Nam đang ngày đêm anh dũng chống lại sức công phá kinh khủng từ hàng trăm ngàn tấn bom, đạn.
Ông năn nỉ những người lính cứu thương nhưng họ chỉ đáp lại bằng cái lắc đầu. Sau một hồi thương thuyết, hai o du kích đồng ý dẫn đường cho nhà báo “ngoan cố”, “muốn tìm vào đường tử” nhưng cần có sự đồng ý từ Ban chỉ huy. Ông tìm đến nơi Bí thư Đảng ủy xã Triệu Thượng nhưng cũng chỉ nhận được lời khuyên “bám sát tuyến cứu thương ngoài hành lang cũng đủ lấy tin rồi”, chứ không ai dám trái lệnh. 
Ông Đoàn Công Tính tại triển lãm tranh. 
Vốn là người đã ghi lại hình ảnh phút lịch sử cắm cờ trên căn cứ Đầu Mầu, Quảng Trị giờ đây, Đoàn Công Tính rất muốn vào trong để ghi lại hình ảnh chiến đấu ngoan cường của quân ta. Ông quyết tâm phải vào Thành cổ bằng được. Cuối cùng, sau những lời thuyết phục đầy quyết tâm, ông được đồng ý theo hai o du kích vào trong Thành cổ. Khi vượt sông, dòng sông Thạch Hãn ban đêm trông rộng và âm u. Trên đầu, tiếng đạn nã liên hồi, những họng pháo gầm rú bên tai. 
Nụ cười mang niềm tin chiến thắng
Vừa đến bờ nam sông Thạch Hãn, ông đã gặp những làn đạn liên thanh nã xuống từng chùm như mưa rào. Nhưng Đoàn Công Tính không hề sợ bởi trong ông đã có quyết tâm. Cả đêm ấy, ông cố gắng thâu tóm tất cả hình ảnh của cuộc chiến đấu vào chiếc máy ảnh của mình. Sáu giờ sáng, chỉ huy cho chiến sĩ thông tin Lê Xuân Chinh - nhân vật chính trong bức ảnh Nụ cười Thành cổ đưa ông đến khu vực Thành cổ. 
Khi ông vừa bước lên khỏi hầm, một chiến sĩ lập tức kéo ông xuống tiến hành phá bom. Sau hình ảnh người lính quả cảm phá bom gần cổng thành, trong đầu ông chợt lóe lên ý tưởng ghi lại hình ảnh nụ cười lạc quan, tin tưởng vào chiến thắng của người lính nơi chiến trường đầy lửa đạn. 
Nghĩ là làm, ông đề nghị anh em ngồi đúng vị trí, sau đó ra canh máy chụp hình. Anh Chinh được ông đề nghị cầm khẩu B40, ngồi gần chính diện bức ảnh. Ông cố gắng để bấm máy ở nhiều góc ảnh với những khoảnh khắc khác nhau. Khi ông đưa ống kính máy ảnh lên, những nhân vật trong bức ảnh đã nói: “Có thể ngày mai đây một số anh em chúng tôi không còn nữa, nhưng Thành cổ sẽ sống mãi trong lịch sử vinh quang của đất nước”. 
Bức ảnh Nụ cười Thành cổ. 
Chỉ một lúc sau, khi tấm ảnh cuối cùng vừa bấm máy thì cũng là lúc tiếng bom rít qua gáy mọi người. Tất cả lại vác súng trên vai xuất kích. Về phần mình, Đoàn Công Tính cố gắng chạy theo để bấm thêm vài bức hình tư liệu, ghi lại hình ảnh các anh chuẩn bị đánh trận. Trước khi rời khỏi Thành cổ, mang phim ảnh về Hà Nội, ông cảm thấy trách nhiệm nặng nề không kém lúc ghi hình nên đã có “sáng kiến” ghi những dòng chữ lên giấy rồi bọc vào những cuốn phim: “Nếu chẳng may tôi hy sinh trên đường ra Hà Nội, xin nhờ mang giùm 10 cuốn phim này về Tòa soạn Báo Quân đội nhân dân”. 
Giờ đây, hơn bốn mươi năm đã trôi qua, nhưng khi gặp lại các đồng nghiệp trong buổi triển lãm ảnh “Phóng viên chiến trường” nhân kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước, phóng viên kỳ cựu Đoàn Công Tính vẫn rưng rưng tâm sự: “May mắn cho tôi đã thực hiện chuyến đi trót lọt với những cuốn phim vô giá, trong đó có bức ảnh “Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị” để ghi lại những khoảnh khắc “thần” của những người con Việt Nam ngoan cường chiến đấu chống giặc ngoại xâm”. 
Cuộc gặp gỡ sau 30 năm
Sau 30 năm bức ảnh ra đời, phóng viên kỳ cựu Đoàn Công Tính đã có dịp gặp lại nhân vật chính trong bức ảnh của mình. Theo lời kể của ông Đoàn Công Tính, bức ảnh được phóng to treo trong Bảo tàng Thành cổ và năm 2012 có người bạn cùng quê với anh Lê Xuân Chinh vào thăm Bảo tàng đã kêu to lên: “Không! Đây là anh Lê Xuân Chinh bạn cùng xóm với tôi, anh ta còn sống”. 
Người đó cho biết anh Chinh đã đi xây dựng kinh tế mới ở Điện Biên Phủ từ nhiều năm rồi. Thông tin đó đã đến được với tác giả và rồi chẳng bao lâu đã diễn ra cuộc hội ngộ bất ngờ, có cả nước mắt và nụ cười giữa người chụp và người được chụp. Anh Chinh bị thương phần mềm và bị sức ép của bom pháo khá nặng nên được đưa về tuyến sau điều trị rồi được trả về quê ở Thái Bình, không kịp nhận giấy chứng thương và các giấy tờ khác. 
Về quê làm ruộng, gặp khó khăn nhiều do sức khỏe kém, anh theo người làng đi xây dựng kinh tế mới ở Điện Biên Phủ. Suốt 30 năm ấy, anh Chinh sống trong cảnh nghèo khó, nhà tranh dột nát, con cái không ai học hết cấp 2, bản thân anh không có chế độ, chính sách gì (vì không có giấy chứng thương nên không có thẻ thương binh, cũng không ai biết anh đã từng là một dũng sĩ chiến đấu trong Thành cổ Quảng Trị). Ông Tính và các đồng đội khác đã giúp anh Chinh lấy được thẻ thương binh rồi được cấp nhà tình nghĩa… 

Đọc thêm