Tòa rối bời trước bị hại 2 tên, 3 tuổi

(PLO) - Nhận thấy còn nhiều mâu thuẫn trong việc xác định thương tích và nhân thân của bị hại, Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) đã quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án Hoàng Ngọc Hưng (SN 1971, trú tại xã Tân Thanh, Văn Lãng) và 6 bị can khác bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích".
Các bị cáo trước vành móng ngựa.
Các bị cáo trước vành móng ngựa.
Kiểm sát viên: “Không thể chứng minh được ông nào đánh vết nào”
Theo cáo buộc của VKSND huyện Văn Lãng thì tối 8/5/2014, Hưng và nhóm bạn gồm Nguyễn Văn Có, Nguyễn Duy Hải, Đinh Văn Huấn, Bùi Văn Cường, Nguyễn Văn Anh, Nguyễn Tuấn Anh đã tìm đến nhà anh Liễu Văn Tình ở khu 1, Cửa khẩu Tân Thanh để “giải quyết mâu thuẫn”.
Không thấy anh Tình ở nhà, Hưng bực tức và đã đấm anh Nguyễn Khắc Duy (cháu anh Tình) vào mắt, gây thương tích 8%. Cả nhóm còn đánh anh Triệu Trung Anh làm anh này bị thương ở tay (thương tích 2%) rồi lên xe ô tô chạy khỏi hiện trường.
Tuy chỉ xác định được Hưng đấm anh Duy bằng tay và không rõ ai là người đánh anh Trung Anh nhưng tại bản Cáo trạng, VKSND huyện Văn Lãng vẫn giữ quan điểm buộc tội rằng các bị cáo đã “dùng hung khí nguy hiểm” gây nên thương tích cho 2 bị hại. 
Phản đối cách buộc tội này, bị cáo Hưng và luật sư (LS) bào chữa đề nghị phải làm rõ việc ai, dùng hung khí gì để đánh anh Trung Anh chứ không được phép suy đoán theo kiểu một bên bị thương tích thì bên kia sẽ là thủ phạm.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 23/4 vừa qua, kiểm sát viên (KSV) đã phải thừa nhận “chỉ xác định được Hưng đấm vào mắt Duy” và “không thể chứng minh được ông nào đánh vết nào”. Bản thân bị hại Trung Anh cũng khai với Tòa là “tôi không rõ bị ai đánh cả vì bị úp mặt xuống đất. Đề nghị Quý Tòa làm rõ giúp”. 
Vì vậy, LS Nguyễn Đình Giá tiếp tục đề nghị phải trưng cầu giám định xem dấu vết màu nâu dính ở tuýp nước thu tại hiện trường có phải là máu người hay không? Nếu là máu người thì là máu của ai? Có như vậy thì mới xác định được ai là người bị đánh bởi tuýp nước này.
Cho rằng không cần giám định, KSV lại phán đoán: “Dấu vết màu nâu (nghi máu) dính ở tuýt nước chỉ có thể là của bị hại vì phía các bị cáo không có ai bị thương cả”.
Bệnh án kiểu “râu nọ, cằm kia”?
Một chi tiết khá quan trọng liên quan đến thương tích của bị hại Duy là việc sau khi nhóm Hưng lên xe ô tô bỏ đi thì Duy còn cầm tuýp nước,  phóng xe máy đuổi theo rồi bị ngã ra đường. 
Trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX), bị hại Duy cho hay: “Tôi dùng xe Win đuổi theo xe ô tô được một đoạn thì bị choáng và ngã, đổ xe về bên trái”. 
Cho rằng có sự trùng hợp khi Duy được kết luận là bị thương ở mắt trái, LS Giá nghi vấn: “Vậy thì vết thương của anh Duy có phải do ngã xe gây nên hay không, đề nghị phải làm rõ”.
Ngoài ra, LS Giá còn đặt nghi vấn: “Thương tích của bị hại Duy đã được tổng hợp từ bệnh án của hai người? Tại sao cơ quan giám định lại tiến hành giám định thương tích trên cơ sở hồ sơ bệnh án của hai người có tên, tuổi khác nhau ”. 
LS này cho biết thêm: “Hồ sơ vụ án có một bệnh án của Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn mang tên Nguyễn Văn Duy, 26 tuổi và một hồ sơ bệnh án của Bệnh viện Xanh Pôn mang tên Nguyễn Khắc Duy, 28 tuổi. 
Vậy thì lấy cơ sở nào để xác định hai người khác tên đệm, khác năm sinh này là cùng một người để tiến hành giám định thương tật cho một người được coi là bị hại Nguyễn Khắc Duy (26 tuổi) trong vụ án này”.  
Ngay tại phiên tòa thì Chủ tọa còn cho hay, có tài liệu trong hồ sơ còn thể hiện bị hại Duy sinh năm 1990 (tức là năm nay mới 25 tuổi). “Với hai tên và 3 năm sinh như trên thì anh Duy nào mới là bị hại trong vụ án này? Tòa biết tuyên bị cáo phải bồi thường cho ai?”- Chủ tọa phiên tòa đã phải thốt lên.
Sau hai ngày xét xử, cho rằng hồ sơ còn nhiều mâu thuẫn về nhân thân của bị hại cũng như chưa đủ chứng cứ để xác định thương tích của bị hại do ai gây ra, bằng vật gì…, HĐXX sơ thẩm TAND huyện Văn Lãng đã quyết định trả hồ sơ cho VKSND huyện Văn Lãng để tiến hành điều tra bổ sung./.

Đọc thêm