Chuyện làm báo ở Trường Sơn

Sau Tết Mậu Thân 1968, do địch phản công quyết liệt nên chiến trường khu 5 nói riêng và miền nam nói chung gặp rất nhiều khó khăn. Làm báo thời kỳ này cũng có nhiều kỉ niệm sâu sắc đáng nhớ.

Sau Tết Mậu Thân 1968, do địch phản công quyết liệt nên chiến trường khu 5 nói riêng và miền nam nói chung gặp rất nhiều khó khăn. Làm báo thời kỳ này cũng có nhiều kỉ niệm sâu sắc đáng nhớ.

Ảnh minh họa

Một năm được cầm bút 4 tháng

Báo Quân giải phóng miền trung trung bộ chúng tôi ra mỗi tháng 2 kỳ rồi 3 kỳ, mỗi số 4 trang khổ 29 * 42. Biên chế chỉ có một người phụ trách với 6 phòng viên, một nhân viên chuyên làm ma ket, sửa bản in, một nhân viên vừa là họa sĩ, vừa khắc gỗ, một liên lạc, một công vụ. Cả tòa soạn có 11 người.

Do địch đánh phá ác liệt vùng ranh và hành lang nên sự tiếp tế từ miền bắc vào và từ đồng bằng lên không đủ ăn. Cơ quan quân khu phải tự túc tới 50% chất bột. Thế là các phòng ban của cơ quan chính trị quân khu trong đó có tòa soạn báo phải thành lập các trại tăng gia của mình để lo sản suất để giao đủ sản phẩm lương thực cho đủ chỉ tiêu.

Các phóng viên mỗi năm chỉ được đi chiến trường và ngồi viết khoảng 4 tháng. Thời gian còn lại phần lớn có mặt ở trại sản xuất để phát cây, đốt rẫy, làm nương, chỉa lúa, tra bắp, trồng sắn trồng khoai để tự nuôi sống mình trong 6 tháng. Có anh đi chiến trường về chưa kịp viết gì nhưng do thời vụ thôi thúc đã phải ra ngay trại sản xuất để lao động, ngày nào mưa không ra rẫy được mới ngồi lán viết bài rồi gửi về tòa soạn.

Để đảm bảo bí mật nơi đóng quân, các trại sản xuất phải ở các quân khu 10 cây số đường chim bay, đi bộ cật lực 1 ngày mới tới nên viết xong việc chuyển bài về cũng khá vất vả. Nếu yêu cầu bài gấp thì dù trời không mưa, ngày sản xuất ngoài nương rẫy, đêm về phải thắp đèn dầu để ngồi viết bài cho kịp ra báo.

Mỗi năm các phóng viên chỉ làm chuyên môn 4 tháng, đi sản xuất khoảng 5 tháng, thời gian còn lại là học tập, họp hành, đi cõng gạo, hoặc làm nhà, đào hầm nếu cơ quan di chuyển nơi đóng quân. Năm nào mưa thuận gió hòa hoặc không bị địch rải chất độc hóa học thì được mùa, còn đỡ. Năm nào thất bát là đói, nên phải kiếm thêm sắn khô, rau rừng độn vào ăn cho đỡ đói.

Tôi còn nhớ, có bữa trưa ăn xong, phóng viên Lê Văn Luyện úp bát xuống bàn không rửa, anh em hỏi Luyện nói: “ăn chưa được một góc dạ dày, rửa chi cho mệt, để cuối ngày rửa luôn thể”. Tháng 8 nắm 1972, Luyện đã hy sinh vì bom B52 khi đi tác chiến với sư đoàn 2 để viết bài, cho đến nay vẫn chưa tìm được phần mộ.

Việc lo ăn tốn rất nhiều thời gian, công sức nên có khi chuẩn bị bài cho 1 số báo chỉ có một hoặc hai người làm. Vậy mà báo quân khu vẫn ra đều kỳ, đúng hạn, chất lượng ngày càng được cải tiến. Cán bộ chiến sĩ trong quân khu rất yêu mến tờ báo của mình. Mỗi lần có báo về, anh em chuyền tay nhau đọc hết mọi bài mọi chữ đến nhàu nát không còn rõ được mặt chữ mới thôi. Chính điều này đã động viên chúng tôi rất nhiều khi làm báo ở Trường Sơn những năm đánh Mỹ.

Nhuận bút được trả…bằng bút

Trong hoàn cảnh ác liệt, thiếu đói, quân số ít, tờ báo vẫn đảm bảo được bài vở có chất lượng vì tòa soạn có một mạng lưới cộng tác viên rộng khắp từ các cơ quan của quân khu đến các sư đoàn, trung đoàn, tỉnh đội ở khắp 6 tỉnh duyên hải miền Trung.

Tuy vậy những năm 68,69,70, cộng tác viên có bài, tin đăng báo quân khu không được thù lao gì, chỉ vì một điều đơn giản là không có kinh phí. Tuy anh em viết bài, tin cho báo không hề đòi hỏi gì, nhưng chúng tôi tự thấy cứ để tình trạng như vậy là vô lý, nên trong số tiền kinh phí nghiệp vụ hạn hẹp hàng năm, chúng tôi vẫn trích ra một phần nhờ bộ phận quản trị hậu cần mua hàng từ vùng địch lên để làm quà thù lao cho cộng tác viên.

Tin điểm ngắn khoảng 200 - 300 chữ được tặng một bút bi “BIG” kèm theo 1 hoặc 2 ruột mực, tin dài hơn hoặc bài viết ngắn được biếu một hộp sữa nước hoặc 2 tảng đường nhỏ Quảng Nam để nấu chè. Bài viết chiếm khoảng nửa trang báo được nhận một bút viết Pilot của Nhật, có thể thêm 1 bánh xà phòng thơm Lux. Những vật phẩm này ngày đó rất quý, vì đóng quân trên núi cao, xa đồng bằng, có tiền cũng không mua được hàng.

Với ba cơ quan quân khu bộ và các đơn vị trực thuộc ở gần thì chỉ sau vài ngày, người có tin bài được đăng báo đã được nhận quà do liên lạc của tòa soạn mang đến tận nơi. Còn với các công tác viên ở sư đoàn, trung đoàn, tỉnh đội thì mỗi lần anh em phóng viên đi chiến trường đều kết hợp mang qua xuống tặng những cán bộ chiến sĩ có bài đăng báo. Vì vậy có khi sau nửa năm hoặc hơn thế nữa, người có bài đăng mới nhận được món thù lao nho nhỏ nói trên.

Không ít trường hợp đau lòng đã xảy ra, là khi phóng viên của tòa soạn xuống đến nơi thì công tác viên có bài đăng báo đã hy sinh trong 1 trận đánh ác liệt. Nếu quà thù lao chỉ là đường sữa thì đành nhờ anh em đơn vị (giải quyết) giúp. Còn nếu là bút viết hoặc bút bi thì phải nhập vào túi di vật của liệt sĩ để gửi về cho gia đình.

Được làm báo ở chiến trường thời đánh Mỹ rất gian khổ, thiếu đói và ác liệt nhưng anh em chúng tôi cũng rất tự hào vì đã vượt qua tất cả góp phần nhỏ bé của mình vào thắng lợi lớn lao của toàn dân tộc.

Ngày 21/6/2012

Thế Trường

Đọc thêm