Nước mắt mùa xuân
Sau 4 ngày đêm vật lộn với sóng gió đến các nhà giàn “vớt” quân và hải trình, tàu KN cập cảng Hải đội 812 khi xuân Bính Thân đã cận kề. Đón chồng trên cầu cảng, chị Ngân cứ ngóng về hướng biển tìm bóng dáng con tàu, mặc dù đã được thông báo “Tàu còn một tiếng nữa mới cập cảng”. Nỗi lòng người vợ đằng đẵng chờ chồng sau hơn một năm cách xa khiến tim chị Ngân phập phồng trong lồng ngực. Bởi chị hiểu, đợt đón chồng lần này khác với 3 lần trước, đó là được cùng chồng, con sum họp đón Tết đầu tiên tại đất liền
Chấm nhỏ li ti trên mặt biển to dần. Trên cầu cảng, những người lính trẻ chuẩn bị dây mồi kéo tàu cập bến. Một thiếu nữ tay cầm hoa chờ đợi người lính trẻ từ biển trở về, một bà mẹ dẫn cháu nội ra đón bố. Niềm vui lẫn nhớ thương, mắt chị Ngân đỏ hoe nhìn hướng con tàu đi tới. Từ lan can tàu KN, anh Bảy đưa tay vẫy. Trên cầu cảng, chị Ngân cũng đưa tay chào đón. Họ nhận ra nhau. Cô con gái bé bỏng gọi với xuống tàu trong gió biển: “Bố Bảy ơi. Con Su nè”. Chị Ngân nói với con trai: “Bố Bảy kìa, con gọi bố đi”…
Tiếng còi tàu hú vang ba hồi dài cập bến, chị Ngân bồng con trai đứng trên sân cảng chờ đợi. Anh Bảy bước lên cầu thang từ boong tàu. Sau 12 lần trăng tròn rồi khuyết, sau nhiều đêm dài thao thức, giờ họ mới gặp nhau. Chị Ngân nghẹn lời: “Anh khỏe không? Anh say sóng không?”. Giây phút xúc động chẳng nói được gì, anh Bảy chỉ nhìn sâu vào mắt vợ, thầm cảm ơn người vợ nhỏ bé đã thay anh gánh vác gia đình, nuôi hai con nhỏ để anh yên tâm canh nhà giàn, bám biển suốt 5 năm qua.
Sau 346 ngày trấn giữ cột mốc chủ quyền quốc gia trên biển, từ Nhà giàn DK1/1, trước khi bước xống tàu về đất liền lần này, Bảy thao thức nhiều đêm không ngủ. Bảy chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên sau 5 năm cưới vợ được đón Tết ở đất liền với gia đình, người thân. Là người lính nhà giàn, xa đất liền, nhưng được đón Tết cùng gia đình là điều rất hạnh phúc”.
Xuân mới kể tình xưa
Chiều mùng bốn Tết Bính Thân, chúng tôi đến nhà Thiếu tá Bảy. Tổ ấm của vợ chồng anh là căn nhà cấp bốn khiêm nhường cuối hẻm 78 đường Đô Lương, phường 11 Vũng Tàu. Chị Ngân đang cho con trai uống sữa, còn anh Bảy tắm cho con gái. Hỏi chuyện ngày yêu nhau, chị Ngân cười hãnh diện: “Lấy chồng nhà giàn xa nhau suốt, nhưng mỗi lần về tình cảm lắm”. Nghe vợ nói chuyện xa nhau, anh Bảy hóm hỉnh: “Đi một năm về, cứ như mới anh ạ”. Cả nhà cùng cười, niềm vui tràn ngập.
Mời chúng tôi ly rượu đầu xuân, anh Bảy cười rạng rỡ: “Từ ngày cưới đến bây giờ, có hai con mà Tết này mới ở nhà cùng vợ con trọn vẹn đấy. Ăn Tết ở đất liền vui hơn ở nhà giàn”.
Lần đầu tiên sau 5 năm làm đám cưới, anh Bảy, chị Ngân và hai con được ăn Tết tại đất liền. |
Chuyện tình duyên của vợ chồng được anh Bảy kể lại. Vốn sinh ra từ miền quê Thái Bình thuần lúa, sau thời gian học y sĩ, Bảy xung phong đi nhà giàn DK1 công tác. Thời gian đẹp nhất của tuổi trẻ, Bảy làm bạn với sóng gió nhà giàn, để rồi sau gần 20 năm canh biển ở nhiều nhà giàn khác nhau, ngoảnh lại đã thấy tuổi xuân vơi đi hơn phân nửa. Mải mê với sóng gió nhà giàn, tuổi hoa “đầu băm” đến lúc nào chẳng hay.
“Thời đó, ai cũng bảo mình ế vợ, mấy đồng đội còn bảo thẳng vào mặt mình là thằng hâm. Gia đình thì sốt ruột. Nhưng kỳ thực, đi nhà giàn về chưa kịp tán ai, chưa kịp làm quen đã đi rồi. Quân y ít người, có người ở nhà giàn 2 năm với vào đất liền một lần. Ngày ấy suýt ế vợ”, Bảy cười chia sẻ.
Nghe chồng nói chuyện “suýt ế vợ”, chị Ngân “chêm” vào: “Ngày ấy em mà không lấy, có lẽ bây giờ anh Bảy vẫn ở giá”.
Chuyện tình yêu của Bảy - Ngân được chị Ngân kể lại: Chị đến Vũng Tàu lập nghiệp cùng chị gái làm ở Lữ đoàn 171 Hải quân, rồi quen anh Bảy rất tình cờ trong một lần anh ấy đến quán mua card điện thoại. Đó là sáng mùng 8 Tết năm 2010. Trước khi đi nhà giàn, Bảy mua cái card điện thoại gọi về cho bố và chị gái ở quê thông báo ngày rời cảng đi DK1.
Lần đầu gặp người con gái dễ thương chân chất quê mùa, Bảy đã xiêu lòng. Không phải “xiêu” vì Ngân đẹp mà “xiêu” vì sự trong trẻo, thật thà của cô gái thôn quê. Sau một hồi “gãi đầu gãi tai”, Bảy mạnh dạn hỏi: “Em ơi, cho anh hỏi em tên Ngân đúng không?”. Ngân ngẩng đầu lên khỏi bàn may áo: “Dạ đúng. Anh may áo quân phục phải không ạ”? “Ồ, không. Anh mua cái card điện thoại”.
Mặc dù hỏi đi hỏi lại chuyện mua card điện thoại nhiều lần, rồi hỏi chuyện may quần áo nhưng Bảy vẫn không thể “chôn” mãi chân ở đây được. Bảy nghĩ ra cách “mượn xe đạp đi thăm người thân”. “Em có thể cho anh mượn cái xe đạp một lúc được không?”- Bảy hỏi. Ngân nhìn Bảy. Một thanh niên cũng “ưa bản mặt” nên “liều”. “OK, anh đi đi, nhưng đừng lấy luôn nha. Xe đạp Nhật của chị gái em cho mượn chứ không phải xe của em mô”. Bảy lấy cớ mượn xe phóng đi mà không biết đi đâu.
“Thật ra lúc đó em cũng không biết anh Bảy là bộ đội nhà giàn đâu. Anh nói đi một lúc sẽ về, ai ngờ em đợi dài cổ đến chiều chẳng thấy. Mà cái xe đạp Nhật lúc đó của chị gái em. Đúng lúc em nghĩ mình bị lừa thì anh ấy đem xe đạp về. Mãi sau này em mới biết, anh ấy chẳng đi đâu mà mượn xe lấy cớ rồi về trễ để tán tỉnh”, chị Ngân kể lại.
Quen nhau được ba ngày thì Bảy lên đường đi nhà giàn. Mặc dù chưa có gì gọi là sâu đậm nhưng dường như trái tim Ngân mách bảo “mình đã yêu”. Còn Bảy coi như “trồng được cây si” trong lòng cô gái. Thời gian Bảy ở nhà giàn nhiều đêm anh không ngủ vì thương nhớ Ngân. Có bữa tàu ra thay trực, Bảy nhận được thư Ngân, anh đã áp lá thư vào ngực mình cho tim thổn thức. Anh cảm nhận được ở đất liền Ngân cũng đang nhớ anh. Anh nghĩ về ngày trở lại đất liền được ôm Ngân trong vòng tay trên xe hoa hạnh phúc. Còn Ngân ngày ngày ở quán nhỏ ven đường vẫn miệt mài may quần áo. Mỗi lần có anh bộ đội ra may quân phục, hoặc sửa lại cái quần, mua cái sim điện thoại, Ngân lại hỏi thăm khi nào tàu đi nhà giàn.
Mỗi khi tàu đi biển, Ngân đạp xe xuống cảng gửi quà cho Bảy. Chuyến tàu này Ngân gửi bưởi, chuyến tàu sau Ngân gửi chai mật ong, hay đơn giản chỉ là lá thư chứa chan niềm thương nhớ. Thời gian như mũi tên bắn đi, những cánh thư từ DK1 gửi về, từ đất liền gửi đi như nhịp cầu ô thước gắn hai tâm hồn lại gần nhau hơn.
Mùa xuân năm 2011, chàng lính nhà giàn DK1 Phạm Văn Bảy cùng cô thôn nữ quê gốc xứ Thanh Lê Thị Ngân làm đám cưới. Những cặp vợ chồng có điều kiện kinh tế khá giả họ hưởng tuần trăng mật tận Đà Lạt hay Nha Trang, Phan Thiết, còn tuần trăng mật của vợ chồng Bảy - Ngân là quanh cái quán nhỏ sửa quần áo bộ đội và bán sim, car điện thoại nơi góc đường Đô Lương. Bảy giúp vợ sơn lại nhà trọ, Ngân cặm cụi sửa quần áo cũ, may vá kiếm thêm thu nhập để sau này sinh con.
Tôi hỏi trở ngại khi anh Bảy công tác dài ngày trên biển, chị Ngân chia sẻ: “Lần sinh con gái đầu lòng anh ấy cũng không về được. Sinh con thứ hai, anh ấy cũng không về. Lúc “vượt cạn” một mình, không có chồng bên cạnh em thấy tủi thân muốn khóc. Nhưng nghĩ lại, ngoài biển anh cũng đang thầm lặng hi sinh. Con gái em cứ thấy các chú bộ đội hải quân là hỏi bố Bảy”.
Năm năm trôi qua, một quãng thời gian không dài so với đời người, song nó trở thành mỏi mòn của sự chờ đợi. Song, niềm đợi chờ của chị Ngân là sự hi sinh đẹp đẽ, dẫu sự hi sinh ấy nhiều niềm vui lẫn tủi hờn nước mắt. Và cũng chính nhờ sự chung thủy, đảm đang vẹn tròn ấy mà anh Bảy đã vững tay súng canh biển, cùng đồng đội giữ vững cột mốc chủ quyền của Tổ quốc giữa ngàn khơi. Đúng như lời anh Bảy nói: “Sự đợi chờ dù 5 năm hay 10 năm, nhưng những nhà giàn vững chãi, trường tồn thì đó cũng là sự hi sinh vì Tổ quốc”. Cả anh Bảy, chị Ngân đều cảm nhận được sự hi sinh cao cả ấy./.