Thủ tướng nêu rõ, Đảng và Nhà nước ta khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu; Đại hội XI của Đảng cũng đã xác định 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó xem việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao gắn với phát triển khoa học công nghệ là một khâu đột phá chiến lược để chúng ta chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, để công nghiệp hóa, hiện đại hóa, để phát triển nhanh và bền vững.
Tinh thần chung là “giáo dục -đào tạo phải thực sự là quốc sách hàng đầu; trong sự phát triển bền vững của đất, yếu tố con người có ý nghĩa quyết định, sức mạnh con người là ở trí tuệ, ở nguồn nhân lực” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Chậm thực hiện
Theo Thủ tướng, Chính phủ đã có chương trình hành động triển khai thực hiện một cách toàn diện chủ trương, Nghị quyết của Đảng. Trong giáo dục ĐH đã coi việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH là một trong những khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH và đã đạt được những kết quả bước đầu đáng mừng, đáng trân trọng, những kết quả đạt được ở nhiều mức độ khác nhau như có trường tự chủ được tiền lương, có trường tự chủ được tiền lương và chi phí thường xuyên, có trường tự chủ được phần lớn về đầu tư…, song so với yêu cầu, việc thực hiện chủ trương giao quyền tự chủ cho các trường ĐH còn chậm.
Thủ tướng nêu rõ, nhiệm vụ đặt ra phải đẩy nhanh hơn, mạnh hơn việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH từ tự chủ về tài chính đến xây dựng bộ máy, nhiệm vụ đào tạo, chương trình, cấp bằng,… Mục đích xã hội hóa giáo dục, trong đó có giao tự chủ, không chỉ vì ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, song cái quan trọng hơn là giao tự chủ để tạo động lực, nền tảng, đột phá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, tạo điều kiện cho các trường ĐH phát triển bền vững hơn.
“Chủ trương giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH là đúng và chúng ta đã có nhiều văn bản, trên thực tế đã có kết quả; chúng ta khẳng định cái đúng này để làm tiếp, cái ưu điểm, cái tốt chúng ta phát huy; cái gì còn vướng mắc, còn khiếm khuyết thì bổ sung, khắc phục” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Giao quyền tự chủ hơn nữa
Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ GD&ĐT tiếp thu ý kiến phát biểu của các Bộ, ngành, các trường ĐH tại cuộc họp để hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về thực hiện thí điểm rộng hơn, mạnh hơn nữa trong giao quyền tự chủ cho các trường ĐH để đưa ra thảo luận và thông qua trong Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2014.
“Trong hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết cần hết sức quan tâm đến vấn đề về bộ máy nhân sự, tuyển sinh, phân cấp đầu tư, mở chuyên ngành đào tạo, thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học…”- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến việc thực hiện chủ trương giao quyền tự chủ đối với các trường ĐH công lập; Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về thực hiện thí điểm rộng hơn, mạnh hơn nữa trong giao quyền tự chủ cho các trường ĐH; Dự thảo Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2014-2017 đối với 4 trường ĐH trực thuộc Bộ GD&ĐT là ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TP.Hồ Chí Minh, ĐH Ngoại thương và ĐH Hà Nội...
Hà Nội: Xây mới 42 trường và 973 phòng học cho năm học mới
Đó là thông tin được ông Nguyễn Hiệp Thống – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP cung cấp tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức chiều qua (26/8) về công tác chuẩn bị cho năm học mới 2014-2015 của TP.
Năm học 2014-2015, toàn TP có 2.577 cơ sở giáo dục, 52.118 nhóm lớp, trên 1,7 triệu học sinh (tăng 50 cơ sở giáo dục, 6.758 nhóm lớp, 142.173 học sinh). Chuẩn bị khai giảng năm học mới, toàn TP đã xây mới 42 trường các cấp với kinh phí khoảng 1.200 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa và xây mới 3.622 phòng học với kinh phí 86 tỷ đồng (trong đó xây mới 973 phòng học) của các cấp học.
Cũng theo đại diện Sở GD&ĐT, ngoài học phí, các trường có một số khoản thu khác như thu, chi phục vụ bán trú; học 2 buổi/ngày trong trường tiểu học, THCS; học phẩm của học sinh các trường mầm non; dạy thêm, học thêm trong các trường THCS, THPT, nước uống tinh khiết; bảo hiểm y tế; thu chi viện trợ, quà biếu, tặng cho; các khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường; đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu.
“Đây là các khoản mang tính tự nguyện. Một số khoản có qui định mức trần nên nhà trường phải thỏa thuận bằng văn bản với cha mẹ học sinh. Đầu năm học, Sở sẽ tổ chức kiểm tra tình hình thu học phí và các khoản thu khác tại các cơ sở giáo dục công lập”. Riêng đối với các khoản viện trợ, quà tặng, quà biếu, nhà trường được tiếp nhận, phải ghi sổ sách và tính vào khấu hao tài sản hàng năm.