Chuyện mới tiết lộ về “bác sỹ tử thần” Harold Shipman

(PLO) - Bệnh nhân của y chủ yếu là người cao tuổi, sống một mình và dễ bị tổn thương. Chính vì vậy, họ dễ xiêu lòng bởi sự tận tâm, tận lực của một vị bác sĩ đáng mến. Thậm chí, ngay cả khi các bệnh khỏe mạnh từng người, từng người… chết một cách bí ẩn, niềm tin của họ vẫn luôn đặt trọn vào vị “thiên sứ áo trắng” Harold Fred Shipman. 
Chân dung “bác sỹ tử thần”
Chân dung “bác sỹ tử thần”

Chỉ khi cái chết bất thường của một cụ bà 81 tuổi được khai quật, cái mặt nạ thiên sứ của Harold Fred Shipman mới từ từ rơi xuống.

Tuổi thơ kỳ lạ

Sinh ngày 14 tháng 6 năm 1946 trong một gia đình lao động ở nước Anh, tuổi thơ của Harold Freddy Shipman (hay còn gọi thân mật là Fred hoặc Freddy) khác xa so với những đứa trẻ khác. Từ nhỏ đến lớn, Harold luôn duy trì khoảng cách với những đứa trẻ khác, chủ yếu là do sự chi phối của bà mẹ độc đoán Vera. Vera quyết định mọi thứ trong cuộc sống của Harold, ngay cả việc chơi với ai và chơi lúc nào, được chơi với những trẻ nào, chơi vào lúc nào. 

Theo lời hàng xóm, Vera là một người khá thân thiện nhưng lúc nào cũng coi mình "trên cơ" người khác. Vera luôn tỏ ra cưng chiều Harold nhất bởi so với hai đứa con còn lại của bà, Harold tỏ ra thông minh hơn hẳn.

Do đó, Vera tìm mọi cách để Harold phải nổi bật hơn những đứa trẻ khác. Harold luôn được ăn vận quần áo tươm tất, cổ thắt cà vạt tựa như một quý ông thượng lưu, trong khi chị gái của Harold là Pauline và em trai của cậu là Clive luôn ăn mặc tuềnh toàng. Bản thân Harold cũng luôn tự cho mình là “quý tộc” hơn những đứa trẻ khác.

Thành tích học tập của Harold sa sút nhanh chóng khi lên bậc trung học. Mặc dù vậy, Harold vẫn chăm chỉ học hành ngày đêm để có thể thi đỗ vào trường y. Dù việc học tập ở trường trung học không mấy suôn sẻ nhưng Harold tỏ ra rất có tố chất trong hai bộ môn bóng đá và điền kinh. Cậu ta cũng chỉ chơi với những người bạn trong hai hội này, ngoài ra không chơi với ai khác, chủ yếu cũng là vì khinh thường bạn cùng trường.

Hơn nữa, trong thời gian này, bà Vera lại đang mắc ung thư phổi giai đoạn cuối, cho nên ngày nào cũng vậy, cứ tan học là Harold lại cắm đầu cắm cổ chạy về nhà để chăm sóc người mẹ mà hắn hết mực thương yêu.

Khoảng thời gian bên mẹ lúc cuối đời đã để lại những vết sẹo sâu đậm trong ký ức của Harold và ảnh hưởng mạnh mẽ đến ý thức của y sau này. Giai đoạn hấp hối, bà Vera thường xuyên bị hành hạ bởi những cơn đau dữ dội. Vì thời đó chưa có thuốc giảm đau tự dùng tại nhà nên mỗi khi lên cơn đau, bà Vera lại phải gọi bác sĩ đến tiêm.

Harold vô cùng kinh ngạc khi thấy cơn đau quằn quại của mẹ bỗng chốc dịu đi sau một mũi tiêm morphine. Tuy không còn bị cơn đau hành hạ nhưng bà Vera chẳng thể thoát khỏi bàn tay tử thần. Ngày 21/6/1963, bà qua đời trong nỗi đau đớn tột cùng của Harold, đồng thời cũng để lại trong tâm trí của đứa con trai 17 tuổi nỗi ám ảnh về “thứ thuốc thần kỳ” mang tên morphine.

Sau khi người mẹ qua đời, Harold cày ngày, cày đêm để thi đỗ vào Khoa Y dược Trường Đại học Leeds. Đây là một cuộc chiến cam go đối với Harold bởi vốn dĩ tư chất của Harold cũng không phải dạng thông minh lắm. Dù tự cho mình xuất sắc hơn người nhưng rốt cuộc anh ta phải thi hai lần mới đỗ.

Ở trường đại học, Harold vẫn tỏ ra mình là một người trầm lặng. Hiếm giáo viên hay bạn cùng trường nào có ấn tượng sâu sắc về sinh viên này. Ấn tượng duy nhất về Harold mà bạn bè hắn còn nhớ đó là một chàng sinh viên trịch thượng và khó gần. Harold rất ít khi tham gia vào những cuộc tán gẫu với bạn bè.

Thứ duy nhất  Harold tỏ ra hứng thú và háo thắng là bóng đá. Vì vậy, các giáo viên và bạn bè của Harold không khỏi ngạc nhiên khi biết hắn có bạn gái. Năm 19 tuổi, Harold gặp Primrose, người kém y 3 tuổi. Giống như Harold, Primrose cũng chịu sự kèm cặp chặt chẽ bởi mẹ của cô. Vì vậy, cô rất vui khi lần đầu tiên trong đời có một người bạn trai. Harold kết hôn với Primrose vào năm 17 tuổi, khi ấy cô đã có bầu 5 tháng.

Bác sĩ nghiện ngập

Năm 1974, vợ chồng Harold đã có hai con. Thời điểm này, Harold đang công tác tại một bệnh viện tư ở Todmorde, Yorshire, phía Bắc nước Anh. Không còn là cậu sinh viên khó gần năm nào, Harold đã lột xác trở thành một bác sĩ cởi mở, dễ gần, được đồng nghiệp và các bệnh nhân vô cùng kính trọng. 

Song, một số nhân viên trong bệnh viện lại thấy khía cạnh khác của Harold - một người dễ nổi nóng, hay gây gổ và luôn sử dụng những từ ngữ thô lỗ để sỉ nhục những người mà anh ta không ưa. Mỗi lần khiến người khác phải ngậm miệng ăn chửi, Harold đều cảm thấy rất hả hê.

Mặt khác, tuy đã “lột xác” nhưng bản tính khinh thường người khác của Harold vẫn còn. Anh ta luôn coi người khác là “cấp dưới” của mình và bắt họ phải làm theo ý mình, cho dù là những bác sĩ dày dạn kinh nghiệm hơn. Chưa đầy 30 tuổi, Harold Shipman đã trở thành một người thích kiểm soát.

Làm việc ở Bệnh viện Tormoden chưa được bao lâu, sự nghiệp của Harold bắt đầu sa sút. Các đồng nghiệp thường xuyên thấy Harold có biểu hiện mệt mỏi và dễ nổi cáu. Harold đành bịa ra lý do mình bị chứng động kinh để che giấu sự thật rằng anh ta đã sử dụng chất gây nghiện.

Tất nhiên, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Nhân viên quản lý sổ sách của Bệnh viện Marjorie Walker trong một lần kiểm tra sổ ghi chép đã phát hiện Harold kê đơn cho quá nhiều bệnh nhân sử dụng chất pethidine với số lượng lớn. Thậm chí, những bệnh nhân không cần pethidine cũng được kê loại thuốc này. Pethidine là một chất giảm đau như morphine, trước đây được coi là không gây nghiện nhưng sau này còn nằm trong vòng tranh cãi.

Một cuộc điều tra được mở ra dưới sự chỉ đạo của bác sĩ John Dacre. Hóa ra, không một liều thuốc pethidine nào đến tay bệnh nhân mà tất cả đều chảy vào trong tĩnh mạch của Harold. Scandal này đã khiến sự nghiệp của Harold tại Bệnh viện Tormoden chấm dứt. Năm 1975, sau khi bị cho thôi việc, Harold phải vào trại cai nghiện.

Ra khỏi trại cai nghiện, Harold được nhận vào Trung tâm Y tế Donneybrool ở vùng Hyde, miền Bắc nước Anh với chức danh bác sỹ đa khoa. Harold đã thuyết phục lãnh đạo Trung tâm y tế tin rằng mình đã cai nghiện pethidine thành công và giờ anh ta hoàn toàn trong sạch.

Một lần nữa, Harold đóng vai một vị lương y chăm chỉ, tận tụy với bệnh nhân. Hắn đã giành được sự tin tưởng tuyệt đối từ bệnh nhân và các đồng nghiệp. Đây là điều kiện thuận lợi để Harold bắt đầu thực hiện kế hoạch của mình: Giết người bằng thuốc.

(Còn tiếp)

Bác sĩ tử thần Harold Fred Shipman được biết đến là một trong những sát nhân liên hoàn đã từng giết hại nhiều người nhất trong lịch sử. Ước tính, 215 người đã chết dưới tay của Harold. Trong đó, 171 người là phụ nữ, còn lại là đàn ông; người cao tuổi nhất là một bà cụ 93 tuổi, còn người trẻ nhất là một nam giới 47 tuổi. Tuy nhiên, con số thực sự là bao nhiêu chắc chỉ Harold mới biết được.

Đọc thêm