…55, 56, 57 bậc thang, vừa đi tôi vừa đếm. Tại ngọn hải đăng An Bang, chúng tôi đếm được tất cả 57 bậc thang, vừa trèo vừa thở. Vậy mà mỗi ngày, anh Tùng và đồng nghiệp của mình phải trèo lên, trèo xuống từ 4-10 lần, những hôm có chuyện bất trắc phải hội ý, có khi phải leo tới… 20 lần.
Chuyện gác hải đăng ở An Bang
Hải đăng An Bang nhìn từ biển |
Trong những ngày cuối tháng 4 lịch sử, cùng đoàn công tác số 11 ra thăm và động viên cán bộ, chiến sỹ tại quần đảo Trường Sa, tại điểm đặt chân tại đảo An Bang, tại trạm hải đăng đảo An Bang, tôi đã gặp anh Bùi Đức Tùng (32 tuổi, Hải Phòng), nhân viên trạm hải đăng. Mới 32 tuổi nhưng trông anh có vẻ dạn dày hơn so với tuổi của mình.
Anh Bùi Đức Tùng, công nhân trạm hải đăng An Bang thực hiện kiểm tra thiết bị máy phát, bảo đảm đèn luôn sáng. |
Anh Tùng cho biết, quần đảo Trường Sa có 9 ngọn hải đăng, không chỉ làm nhiệm vụ dẫn lối, chỉ đường cho tàu thuyền qua lại an toàn mà mỗi ngọn hải đăng chẳng khác nào một cột mốc ghi dấu chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Việt Nam.
Trạm hải đăng đảo An Bang là một trong 9 trạm hải đăng hiện có ở quần đảo Trường Sa, thuộc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam. Trạm cao khoảng 30m, sử dụng loại đèn cấp II, có chu kỳ xoay và chớp sáng 6 lần/phút. Tàu thuyền dù đi cách xa 18 hải lý vẫn có thể thấy được ánh đèn hải đăng, rõ nhất là trong phạm vi 10km.
Anh Tùng kể, trạm hải đăng An Bang hiện có 5 người. Vì sống trong điều kiện xa gia đình, xa đất liền nên 5 anh em gắn bó như người một nhà. Bên cạnh việc huấn luyện phương án sẵn sàng chiến đấu bảo vệ nhà đèn,những người thợ đèn phải bảo quản, bảo dưỡng thường xuyên các thiết bị trong điều kiện khí hậu hết sức khắc nghiệt. Do nhiễm nước biển mặn, nhiều bộ phận máy móc thường xuyên bị gỉ sét, có những hôm phát sinh sự cố, đèn kẹt mô tơ, nếu không bảo quản thường xuyên đèn dễ cháy, chập và không hoạt động tốt.
“Ở đây, các anh ai cũng thuộc nằm lòng khẩu hiệu: “Người có thể đói ăn chứ đèn không thể đói điện”. Để đảm bảo được việc đó, trước đây chúng tôi vất vả lắm vì phải thưởng xuyên canh máy nổ. Từ ngày đảo có điện được sản xuất từ năng lượng mặt trời, công việc nhàn hơn hẳn, nhưng cũng không vì thế mà chủ quan được. Ngoài ra, những lúc đèn bị đứt bóng phải lập tức xử lý, thời gian khắc phục sự cố không được chậm hơn hai phút, bởi nếu việc báo hiệu hàng hải bị gián đoạn, tàu thuyền sẽ bị mất phương hướng, thậm chí, đâm vào bãi đá ngầm, bãi cạn… Nếu không chấp hành nghiêm các quy định bảo trì, bảo dưỡng đèn biển, giao thông hàng hải trên Biển Đông sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro”, anh Tùng chia sẻ.
Vừa nói, anh Tùng vừa thao tác và giải thích cho chúng tôi hiểu ý nghĩa của những ánh chớp đèn biển. Mỗi chu kỳ, nhóm chớp của mỗi ngọn đèn báo cho người đi biển biết họ đang gần đảo nào, nhờ thế mà xác định được vị trí trên biển. “Người gác đèn bỏ trạm cũng như người lính rời vị trí chiến đấu. Ngọn đèn hải đăng còn là sự khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Dù trong đêm bão nhưng còn người, còn sáng đèn” – anh Tùng cười hiền, nói.
Hỏi chuyện gia đình, gương mặt phong trần của anh thoáng chút trầm ngâm. “Công việc vẫn là trên hết, đôi lúc cũng nhớ nhà, nhớ vợ con lắm. Nhưng ở đây cũng có niềm vui riêng. Mỗi khi có dịp, gặp những ngư dân bám biển, họ đều ghé qua trạm hải đăng gửi lời hỏi thăm, động viên anh em. Có nhiều tàu thuyền đi ngang qua trạm không vào thăm được, như đã thành “thông lệ” lái tàu kéo còi hú chào. Nghe những âm thanh đó và gặp những con người chân chất hỏi thăm là sự động viên không có gì thay thế được, là động lực để các anh tiếp tục cống hiến, góp phần bảo bệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
“Đại lão” nhà đèn và những năm tháng vượt khó nơi đầu sóng
Hải đăng Đá Tây, qua 25 năm xây dựng vẫn vững vàng dẫn lối, chỉ đường cho tàu thuyền qua lại an toàn. |
Rời đảo An Bang, tiếp cuộc hành trình, tại đảo Đá Tây B, xa xa chúng tôi đã nhìn thấy Trạm Hải đăng vươn ngọn đèn cao nổi giữa biển trời xanh thẳm. Ở đây, tôi đặc biệt bị thu hút bởi câu chuyện của anh Trịnh Văn Nguyên (48 tuổi, Hải Phòng) – Trạm trưởng Trạm Hải đăng Đá Tây, người đã góp phần duy trì để ngọn hải đăng không bao giờ tắt.
Với hơn 16 năm công tác giữa biển khơi, 8 năm liền đón năm mới nơi hải đảo, anh Nguyên từ lâu đã coi trạm Hải đăng như nhà của mình. Anh có vẻ trầm tĩnh hơn, giọng nhẹ nhàng, chậm rãi như những tín hiệu ngọn hải đăng. Anh cho biết, trạm Hải đăng Đá Tây được xây dựng từ năm 1994, cao 26m, ánh sáng chớp trắng theo chu kỳ 10 giây/lần. Hải đăng có nhiệm vụ cung cấp ánh sáng báo hiệu luồng tàu vào đảo tránh trú bão và cũng là tín hiệu để “dẫn đường” ngư dân khi đánh bắt trên biển.
Trong quá trình công tác, anh đã gắn bó với 6 ngọn hải đăng trên các điểm đảo như Đá Tây B, Đá Lát, Trường Sa, An Bang, Tiên Nữ và Song Tử Tây. Cũng không ít lần, anh cùng với các cán bộ, chiến sỹ hải quân trên các đảo tham gia cứu giúp ngư dân gặp nạn trên biển.
“Trong một lần biển động vào cuối năm 1999, một chiếc thuyền của ngư dân Thừa Thiên Huế bị hỏng máy đã trôi dạt nhiều ngày trên biển, giữa giông tố, 15 thuyền viên trên tàu chỉ còn biết cầu mong vào một phép màu. Chiếc thuyền gặp nạn bị hỏng máy trôi dạt từ Trường Sa qua vùng biển của Philippines mới neo lại được. Nhận được tín hiệu cầu cứu, tôi cùng các chiến sỹ trên đảo đã vượt giông bão, dùng xuồng máy đi tìm và phép màu đã hiện ra, các anh đã gặp và kéo chiếc thuyền về đảo Song Tử Tây an toàn” - anh Nguyên nhớ lại.
“Nói thật chứ, lúc ý nhìn anh em trên thuyền thấy đã bình an, mà chúng tôi mừng rớt nước mắt” – anh Nguyên nói.
Hồi tưởng kỷ niệm những lần ăn tết tại đảo xa, anh kể: “Đợt giáp Tết 2010, thời điểm sóng to, gió lớn, tàu công ty chưa ra kịp để tiếp lương thực. Lúc này, ở Trạm, gạo hết, thức ăn hết, thậm chí cả mắm, muối cũng sạch trơn. Chúng tôi chỉ biết động viên nhau tiếp tục cố gắng bám trụ và hoàn thành nhiệm vụ. Biết được hoàn cảnh này, chỉ huy đảo Đá Tây đã đề nghị tất cả các đơn vị trên đảo cùng san sẻ, mỗi người một ít quà Tết cho Trạm. Thế rồi, người cho đôi gà, người cho ít gạo, bánh chưng, mắm, muối… Cuối cùng năm đó, anh em Trạm Hải đăng ăn Tết to nhất đảo.
Nhiều lúc cũng chạnh lòng. Ngày Tết ai chẳng mong được sum vầy bên gia đình, được cùng ăn bữa cơm với người thân, nhưng những giây phút ấy chúng tôi nén cảm xúc, nhanh chóng lấy lại tinh thần để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.