Loài hoa của người quân tử
Việt Nam có nhiều loài hoa mai đẹp. Thế nhưng, để đi vào thi ca, tượng trưng cho sự thanh cao, khí tiết của con người trước nghịch cảnh thì chỉ có “nhất chi mai”. Chẳng thế mà trong thi ca đã có không ít nhà thơ lớn ca tụng loài hoa báo hiệu mùa xuân này. Thánh thơ Cao Bá Quát (1809 - 1855) - một thi sĩ đất Thăng Long nổi danh ở thế kỷ 19 đã từng gieo nhiều vần thơ dành tặng cho loài hoa mai trắng: “Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”. Nghĩa là “Mười năm xuôi ngược giao du cốt tìm thanh kiếm cổ/Một đời chỉ cúi đầu vái lạy trước hoa mai”. Lời thơ ngụ ý rằng những người cốt cách thanh cao sẽ không bao giờ khuất phục trước khó khăn, gian khổ. Người quân tử sống cả cuộc đời chỉ hạ mình trước hoa mai.
Với “nhất chi mai”, có một điểm đặc trưng mà khó tìm thấy ở bất cứ loài hoa nào ấy là càng khắc nghiệt thì hoa nở càng đẹp. Trong tiết trời càng giá rét, hoa nở ra càng trắng, càng thanh khiết. Chẳng thế mà, người Hà Nội xưa, ngoài đào thất thốn, hoa thủy tiên thì hoa mai trắng được xếp ở vị trí trang trọng. Người quân tử còn lấy loài hoa này để tượng trưng cho tính cách cứng cỏi, vượt lên nghịch cảnh.
Trong dịp trò chuyện với nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Nguyễn Tọa, ông bảo ngày Tết, những gia đình quan lại, trí thức Thăng Long - Hà Nội xưa thường đặt một chậu “nhất chi mai” nho nhỏ trên bàn uống nước hoặc trong phòng khách. Gốc mai gầy guộc, xù xì. Tiết trời càng lạnh, hoa càng trắng tinh khiết.
Theo lời ông Tọa, người xưa đã nâng tầm việc trưng mai trắng thành một thú chơi. Ở thú chơi này, ai hời hợt là khó có thể đạt được như ý. Chơi mai phải chơi kỹ. Kỹ từ việc chăm sóc đến tưới tắm, sao cho hoa nở bung đúng dịp Tết. Mai phải được tạo dáng, phải có dáng trực hoặc dáng huyền. Thường người xưa và cả nay đều chuộng một số thế của mai như thế long giáng, thác đổ, phụ tử, mẫu tử, song thụ, lão mai - tiểu đồng (cây lớn trước, cây nhỏ sau), ngũ phúc…
Dĩ nhiên, chính bởi sự cầu kỳ của loài hoa báo hiệu mùa xuân mà thành quả nhận được cũng tương ứng. Đó là sự đẹp đẽ khó sánh được khi thưởng trà và chiêm ngưỡng hoa mai trắng. Hãy thử tưởng tượng, trong tiết trời mùa xuân, người quân tử cùng với bạn tâm giao ngắm hoa, thưởng trà thì có lẽ chẳng còn gì tuyệt bằng. Cũng có chuyện vui rằng, có người yêu mai trắng và từng đọ tài chăm sóc khi thử đếm số cánh mai trên một bông hoa. Người thì quả quyết rằng “nhất chi mai” mỗi bông chỉ có 30, 40 cánh, người khác lại bảo số cánh hoa lên đến 90. Và dĩ nhiên, số cánh hoa càng nhiều thì càng phải chăm sóc tỉ mẩn.
Vùng đất khó “thay da, đổi thịt”
Mai trắng là loài cây cầu kỳ và khó chăm sóc. Ấy vậy, tại dải đất dưới chân núi Tản, vùng đất gò đồi thuộc xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì lại có một vùng chuyên canh trồng “nhất chi mai”. Nơi đây, người ta lập ra hẳn Chi hội Nông dân nghề nghiệp “Cây Mai Trắng” để cùng nhau san sẻ kinh nghiệm trồng mai. Nhờ mai trắng, thu nhập bình quân hàng năm đạt 100 triệu đồng/người/năm. Và mừng hơn cả, Thành phố Hà Nội đã ký quyết định cấp Bằng công nhận làng nghề trồng hoa mai trắng cho thôn An Hòa, xã Tản Lĩnh.
Hôm trò chuyện, bà Nguyễn Thị Mai Yến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tản Lĩnh đã tự hào và “khoe” với tôi rằng, nơi Tản Lĩnh là thủ phủ của cây mai trắng. Quả vậy, về xã Tản Lĩnh những ngày này mới thấy được hết sự nhộn nhịp của người trồng hoa, cây cảnh nơi đây. Trên khắp nẻo đường qua xã chỉ thấy từng chuyến xe rầm rập vào ra. Rất nhịp nhàng, hàng loạt chậu mai tập kết tại nơi đất trống rồi được chuyển lên những xe tải chờ sẵn. Mai trắng khoe sắc, người trồng cũng vì vậy mà bận rộn...
Nghe kể, vào khoảng năm 1994, cây mai trắng được một số hộ dân trong thôn đem từ vùng đất Nam Trực (Nam Định) về trồng và thuần hóa tại vườn nhà. Sau một vài năm chăm sóc, loài cây này đã bén rễ và sinh trưởng tốt. Nhiều hộ gia đình như ông Đỗ Quang Quân, Đỗ Tuấn Hải, Bùi Văn Hà, Khuất Văn Thế, Đỗ Quang Thái… đã mạnh dạn tìm cách nhân giống, để mở rộng mô hình. Đồng thời tìm cách tạo dáng thế cho cây để tăng độ thẩm mỹ và giá trị cây mai trắng.
Từ vài chục gốc của các hộ đầu tiên trồng mai trắng, các hộ dân thôn An Hòa đã cùng học tập, làm theo. Đến nay cả thôn có 257 hộ thì có hơn 150 hộ trồng mai trắng với diện tích hơn 40ha. Nơi đây, mỗi dịp xuân về, các nhà vườn đã xuất bán hàng vạn gốc mai. Thị trường tiêu thụ cũng đa dạng, trải khắp trong Nam, ngoài Bắc với đủ chủng loại, từ gốc mai thế đến mai giống.
Anh Đỗ Quang Thụy - một hộ dân trồng mai trắng lớn bậc nhất trong vùng chia sẻ, tuy đẹp nhưng cây mai trắng lại rất “khó tính”, đòi hỏi những điều kiện khắt khe để có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Để có được cây mai thế đẹp, người trồng phải có ít nhất 3 năm đào mai lên, cắt cành rồi lại trồng xuống. Mọi công việc đều phải thực hiện vào dịp cuối năm. Đặc biệt, muốn hoa nở vào đúng thời điểm Tết, người trồng mai trắng phải tính toán thời gian, theo dõi thời tiết, chăm chút, tỉ mẩn suốt cả năm.
Mai trắng khoe sắc. |
Theo lời anh Thụy, mô hình trồng mai trắng có thu nhập cao gấp nhiều lần so với mô hình trồng trọt, chăn nuôi khác. Nếu tính giá bán buôn trung bình mỗi gốc từ 200.000 đồng trở lên thì ước chừng mỗi hộ trồng mai trắng ở Tản Lĩnh có thu nhập từ hàng trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng một năm. Chính bởi thu nhập cao, nhờ mai bén rễ, tỏa hương nên không ít hộ đã xây nhà to, sắm ô tô, tiện nghi sinh hoạt… Cây mai đã làm vùng đất gò đồi đổi thay và ngày một khang trang.
Có thể nói, trong muôn vàn loài hoa khoe sắc, từ vùng núi Tản, vô vàn bông mai tinh khiết nở trắng tinh khôi giữa miền non thiêng.
Tản Lĩnh là xã miền núi của huyện Ba Vì, từ vùng đất còn nhiều gian khó, những năm gần đây, bao quanh vùng đất này đã có nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng. Và điều đặc biệt, do hợp thổ nhưỡng, khí hậu nên từ khi đưa về trồng trên đất xã Tản Lĩnh, cây mai trắng đã giúp đời sống của nhiều hộ gia đình nơi đây ngày càng được nâng cao.