Chuyện thầy Chu Văn An và cậu học trò thủy thần

(PLVN) - Trong suốt cuộc đời, thầy Chu Văn An đã đào tạo được nhiều học trò, trong đó có không ít người đỗ đại khoa làm quan lớn trong triều và có nhiều cống hiến cho đất nước. Tuy nhiên, ông còn có một người học trò rất đặc biệt là thủy thần vì kính trọng tài năng, nhân cách của thầy mà hóa thành người lên hạ giới để xin theo học.
Tượng Chu Văn An thờ tại Văn Miếu.
Tượng Chu Văn An thờ tại Văn Miếu.

Người học trò đặc biệt của thầy Chu Văn An

Theo thần tích tại đình làng Thanh Liệt (làng Quang), quê hương của Chu Văn An và cũng là nơi thờ ông làm thành hoàng, thì Chu Văn An sinh năm Nhâm Thìn (1292), mất năm Canh Tuất (1370). Ông người thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). 

Chu Văn An là một nhà giáo, một thầy thuốc và cũng là một đại quan nhà Trần, được phong tước Văn Trinh Công nên đời sau quen gọi ông là Chu Văn An. Các sử sách cũ như Đại Việt Sử ký Toàn thư, Lịch triều Hiến chương loại chí, Việt sử Thông giám Cương mục,… đều nhất trí ca ngợi Chu Văn An ngay từ khi còn trẻ tuổi đã có tính cứng cỏi, cương nghị, bền giữ tiết tháo, sửa mình trong sạch, không cầu lợi lộc, chỉ ở nhà đọc sách. 

Sau khi thi đậu Thái học sinh, vốn là người chính trực nên Chu Văn An không ra làm quan, chỉ ở nhà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên kia sông Tô Lịch (nay là thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội).  Học trò theo học ông rất đông.

Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, Chu Văn An vốn học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, nên “học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa”. Quả vậy, trong số môn đệ của ông có nhiều người thành đạt, thi đỗ ra làm quan to trong triều đình như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát,… Tuy nhiên, khi về thăm thầy, kể cả các bậc đại khoa vẫn phải giữ lễ, được thầy nói chuyện ít lời thì rất lấy làm mừng.

Có những học trò cũ không tốt, ông thẳng thắn quở trách, thậm chí quát mắng không cho gặp. Tính nghiêm nghị, tư cách thanh cao và học vấn sâu rộng làm cho tiếng tăm Chu Văn An ngày càng lan xa. Thậm chí, vua Trần Minh Tông còn đích thân mời ông ra làm chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám và dạy cho Thái tử học.

Ông nhận lời, sự kiện ấy khiến cho Tư đồ Trần Nguyên Đán, một nhà thơ nổi tiếng thời Trần phải thốt lên rằng: “Học hải hồi lan, tục tái thuần/ Thượng tường sơn đẩu đắc tự nhân”, nghĩa là: “Bể học xoay triều sóng, phong tục trở về thuần hậu/ Trường lớn trong nước được thầy dạy như Bắc đẩu Thái sơn”. Không những thế, người đời còn tôn xưng ông là “Vạn thế sư biểu”, nghĩa là “người thầy của muôn đời”.

Đức độ và uy tín của ông như vậy, khiến cho học trò đến theo học ngày càng nhiều, trong đó có một người học trò vô cùng đặc biệt.

Theo sự tích lưu tại Xá Càn từ, nơi thờ người học trò thủy thần của Chu Văn An, tương truyền vào thời Chu Văn An dạy học ở làng Huỳnh Cung, có một chàng trai trẻ, vẻ ngoài tuấn tú lên xin học. Người học trò ấy khiêm tốn nói về thân phận của mình, thầy Chu Văn An nghe xong bảo rằng đã hiếu học thì bất kỳ ai cũng học được, miễn là chịu khó.

Tuy nhiên, bạn đồng môn lại thấy người học trò này từ đầm Lân Đàm đi đến trường và đã thưa với thầy Chu, nhưng thầy không nói gì. Một hôm nhìn thấy trên chỏm đầu của người học trò có cánh bèo tấm, thầy Chu Văn An biết đó là con vua Thủy Tề lên học.

Biết vậy nhưng thầy Chu Văn An vẫn dạy dỗ hết mực ân cần, lại được người học trò chăm chỉ, nên ngày qua ngày chữ của thầy, lời thầy giảng cứ thấm sâu vào tâm trí người học trò ấy. 

Gặp năm trời làm đại hạn kéo dài, đồng ruộng khô nẻ, lúa mùa nắng cháy, nhân dân lo lắng. Hôm ấy, sau buổi học, thầy Chu Văn An hỏi học sinh ai có cách gì giúp dân vượt qua thiên tai khắc nghiệt. Trước lời khẩn thiết của thầy, người học trò thủy thần thưa với thầy: “Con biết là trái lệnh thiên đình thì sẽ bị trừng phạt nhưng con xin làm để giúp dân chống hạn, cứu lúa”.

Sau đó thủy thần lấy hai nghiên mực đen, một nghiên mực đỏ và bút lông, đem ra giữa sân, mài mực đầy nghiên, rồi ngửa mặt lên trời đọc chú, cầm bút mực, vẩy lên trời. Ngay lập tức, mực đỏ vung lên trời thành sấm chớp ầm ầm, mực đen vung lên trời thì mây đen kéo đến, mưa rơi tầm tã, nước đen như mực. Những cánh đồng khô cằn đều được uống no nước, lúa khắp vùng được cứu sống.

Truyền thuyết kể rằng, sau khi làm mưa, mực rơi xuống Ðầm Vĩnh Quỳnh biến thành Ðầm Mực, còn bút rơi xuống làng Tó (Tả Thanh Oai), nơi sau này phát tích dòng họ Ngô Gia Văn Phái lừng danh khoa cử, có nhiều người đỗ tiến sĩ như Ngô Thì Sỹ, Ngô Thì Nhậm, Ngô Điền…

Miếu Gàn (Xá Càn từ) – nơi thờ thủy thần.
 Miếu Gàn (Xá Càn từ) – nơi thờ thủy thần.

Nhưng vì trái lệnh thiên đình, học trò thủy thần đã bị sấm sét nhà Trời đánh chết. Xác con vua Thủy hiện nguyên hình là một con thuồng luồng nổi lên trôi về phía Cầu Bươu. Nơi hóa của người học trò thủy thần được dân lập miếu thờ, gọi là miếu Gàn, tên chữ là Xá Càn từ nghĩa là trừ nạn hạn hán. 

Cũng để tỏ lòng nhớ công ơn của thủy thần, nhân dân bảy làng quanh vùng đã tôn thủy thần làm thành hoàng, lập đền thờ. Đó là các làng Bằng Liệt, Tứ Kỳ, Pháp Vân, Linh Đường, Đại Từ, Tựu Liệt và Lê Xá. Trải qua thời gian, các triều đại phong kiến đều vô cùng tôn kính và sắc phong học trò thủy thần là Bảo Ninh Vương.

Theo Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng, huyền tích này “lần đầu tiên được phụ chép thêm trong Lĩnh Nam Chích Quái, nghĩa là sau khi thầy Chu mất (1370) khá lâu”. 

Trong tập truyện Lĩnh Nam Chích Quái được sáng tác vào thế kỷ XV, câu chuyện về người học trò thủy thần được đặt trong truyện “Vị thần ở chằm Lân Đàm”, mà tác giả chép thêm trong phần phụ lục. Chuyện kể rằng: “Thần Lân Đàm chính là thần rồng. Xưa thần thường hóa thành người để tìm thấy học đạo. Thầy học (có chỗ nêu rõ thầy học ở đây là Chu Văn An, bậc đại nho thời Trần) lấy làm lạ bèn tìm chỗ ở của thần, thấy thần náu trong chằm (đầm). Thầy học thường tra hỏi, thần bèn nói thực rằng: “Năm nay trên thiên đình ngừng việc làm mưa”.

Thầy học cố nài thần làm ra mưa. Thần bất đắc dĩ phải nghe lời. Sau trong chằm có biến động, thầy học tới chằm thấy thần hút nước trong nghiên phun thành mưa mực để trừ hạn hán. Thượng đế cho là việc đã tiết lộ (thiên cơ) bèn bắt tội thần. Thây thần nổi ở trên chằm, thầy học thu về án táng, nhân đặt tên chằm là Long Đàm, sau đổi thành Lân Đàm”.

Tục thờ Thủy thần hay phương thuật cầu mưa của người Việt cổ?

Từ địa danh Miếu Gàn hay Xá Càn từ (nơi thờ người học trò thủy thần), một số nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa đã tìm thấy được vết tích của phong tục thờ Thần cá hay Thủy thần của người Việt cổ ẩn chứa đằng sau câu chuyện huyền hoặc về thầy Chu Văn An và con vua Thủy Tề. 

Về địa danh miếu Gàn, dân gian thường truyền nhau rằng gọi là miếu Gàn vì hai ông này gàn dở, dám làm một việc trái lệnh thiên đình. Tuy nhiên theo nhà dân tộc học Từ Chi và giáo sư sử học Trần Quốc Vượng, nếu tiếp cận từ góc độ ngữ âm học lịch sử, thì đã có sự chuyển hóa âm “K” thành “G” (Càn thành Gàn).

Càn hay Xá càn là gốc từ Mã Lai cổ, có nghĩa là Cá. Địa danh càn – cờn có rất nhiều ở miền ven sông – biển nước ta, từ Hưng Yên (phố Hiến cũ có miếu Gàn, cửa Gàn), đến Nam Định – Ninh Bình (Càn Hải, sông Càn…) đến suốt dọc ven biển miền Trung (cửa Cờn ở Diễn Châu, Nghệ An…).

Tuy ở đâu đó, miếu Càn – Cờn đã chuyển thờ bà Dương hậu hay Triệu phi nhà Tống và các cô “công chúa”, đâm đầu xuống biển, sau cuộc bại vong của nhà Tống và xác trôi về đến đâu, dân vớt lên chôn và lập miếu thờ đến đấy, song nhà dân tộc học – lịch sử đã có thể suy đoán ra việc thờ Thần cá hay Thủy thần. Tuy nhiên, có giải thuyết lại cho rằng, thủy thần có nguồn gốc thuồng luồng hay rồng đều cho thấy lớp văn hoá sớm nhất của vùng này, chắc chắn có liên quan đến tục thờ rắn.

Sau lần điền dã dân tộc học năm 1969, giáo sư Trần Quốc Vượng “thực sự không ngờ yếu tố Mã Lai cổ của nền văn hóa – tâm linh Việt cổ lại vào sâu đồng bằng Bắc Bộ đến tận cùng sông Tô – Bằng Liệt. Rồi, vì ở thế kỷ XIV ở đây có trường học của thầy Chu nổi tiếng mà dân gian đã xúc cảm, với sức tưởng tượng kỳ vĩ sáng tạo nên câu chuyện con vua Thủy và Đầm Rồng hiện thành người lên theo học”.

Giáo sư Trần Quốc Vượng còn nhận ra trong huyền tích đó lưu giữ tàn tích một phương thuật của người Việt cổ. Đó là phương thuật cầu mưa của các vị pháp sư của cư dân trồng lúa nước: nghi lễ vẩy nước lên trời mô phỏng mưa để nước mưa trời theo đó cảm ứng người trời mà rơi xuống cứu hạn cho dân.

Theo ông, ở đây mô-típ cầu mưa đã được sửa đổi đôi chút: cành phan rẩy nước được thay bằng ngọn bút lông, bát nước được thay bằng nghiên mực của thầy Chu Văn An. Bút lông được tung lên trời và rơi xuống địa vực làng Tó. Mà theo dân gian giải thích, chính vì vậy mà làng Tó “phát” về văn học với dòng họ Ngô Gia Văn Phái.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khoa học, mô-típ này suốt hiện khá muộn vì văn phái này mới phát đạt ở thế kỷ XVIII.  Tiếp đó trường hợp nghiên mực rơi xuống và biến thành Đầm Mực cũng như vậy. Thực ra theo khoa học duy lý thì Đầm Mực, nay là ruộng trũng, là vết tích cũ của dòng Tô Thủy và bên dưới đầy than bùn, kết quả hiệu ứng rừng đầm lầy bị vùi lấp, do vậy mà nước đen như pha mực!

Có ý kiến cho rằng, thời Chu Văn An còn sống, vào cuối thời Trần, Nho giáo trỗi dậy mạnh mẽ, để gần một thế kỷ sau trở thành Quốc giáo dưới triều vua Lê Thánh Tông trị vì (1460 - 1497). Những nhà Nho nắm quyền dưới thời vua Lê đã sửa lại thần phả khắp cả nước, trong đó truyền thuyết về vị thủy thần ở hồ Linh Đàm được sáng tạo thành câu chuyện về hiếu lễ mang đậm màu sắc Nho giáo.

Tuy nhiên, dù câu chuyện giữa thầy Chu Văn An và người học trò thủy thần có là thực, hay là sản phẩm của trí tưởng tượng dân gian đi chăng nữa, thì vẫn hiển hiện ở đó tinh thần thương dân, yêu nước của người được tôn vinh là “thầy của muôn đời” – Chu Văn An, nhân cách ấy khiến cho quỷ thần nào cũng phải cảm hóa.

Đọc thêm