Chuyện tiếu lâm trên trời và nỗi nhục của hàng không Việt

(PLO) - Không thể đổ lỗi ăn cắp là sản phẩm đặc trưng, là hậu quả của cơ chế thị trường. Ngay trong thời bao cấp, cả nước cùng trong cơn đồng khổ, từng có chuyện tiếu lâm về chủ đề này.
 Hình minh họa
Hình minh họa
Gần 3 năm, 600 vụ khiếu nại
Ba phi hành gia người Nga, Anh, Việt cùng đi tàu vũ trụ bay quanh trái đất. Đang trên đường bay, người Nga đưa tay ra ngoài cửa sổ, rụt tay vào tuyên bố: “Tàu đang bay qua nước Nga”. 
Để lý giải, anh ta xòe ra một miếng băng tuyết trong lòng bàn tay: “Chỉ có nước Nga mới lạnh thế này!”. Lập luận quá thuyết phục. 
Được một lúc, người Anh cũng đưa tay ra cửa sổ, rút tay vào và xòe ra bàn tay đẫm ướt sương: “Đang bay qua nước Anh, chỉ có nước Anh mới nhiều sương mù thế này”. 
Người Việt ngồi trầm ngâm một lúc rồi cũng đưa tay ra cửa, rồi rút nhanh tay vào và tuyên bố: “Đang bay qua Việt Nam”. Hai người kia nhìn cánh tay, bàn tay anh bình thường, không có gì khác lạ, nên ngạc nhiên hỏi: “Có gì để chứng minh?”. Người Việt mỉm cười: “Khi tôi đưa ra, tay có đồng hồ, khi rút vào đồng hồ… không còn nữa”.  
Trở lại chuyện mất hành lý tại sân bay, trước đây qua những thông tin khiếu nại của hành khách, cứ nghĩ chuyện mất cắp hành lý là chuyện cá biệt, lẻ tẻ. Thế nhưng con số do Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận (Cục trưởng Cục An ninh kinh tế A85) cho thấy từ năm 2013 đến nay có đến hơn 600 vụ khiếu nại mất cắp, các vụ mất trộm hành lý liên tục gia tang. Kể cả hành khách đặc biệt đi chuyên cơ như một tổng giám đốc ngân hàng thuộc đoàn tùy tùng của Thủ tướng đi Nhật Bản về cũng bị mất vali.
Tướng Thuận khẳng định: “Nhiều vụ có dấu hiệu tiếp tay của các nhân viên đơn vị phục vụ mặt đất. Có những hành lý bị rạch đúng vị trí để đồ đạc có giá trị. Như chuyến bay từ TP.HCM ra Nội Bài có hành khách người Nhật bị rạch đúng vị trí để đồng hồ. 
Việc này thể hiện sự liên quan đến nhân viên soi chiếu. Một lãnh đạo Bộ Công an đi nước ngoài về Nội Bài cũng bị móc mất cả iPad và máy tính xách tay trong hành lý ký gửi”. 
Theo tướng Thuận, một số nguyên nhân dẫn tới các vụ mất hành lý như: Các doanh nghiệp phục vụ mặt đất có xu hướng chạy theo lợi nhuận nên tuyển nhân viên theo thời vụ, trả lương thấp; nhân viên coi thường pháp luật do không được đào tạo, giáo dục, tuyển dụng thiếu trách nhiệm.
Công an từng phát hiện một doanh nghiệp cung cấp suất ăn ở TP.HCM tuyển dụng người bị truy nã nhiều năm, người này lên đến trưởng phòng tổ chức mà… không ai biết.
Công bố của ông Thuận cho thấy điều trái khoáy là chính bộ phận kiềm tra khám xét để bảo vệ an ninh cho hành khách, cho chuyến bay, đã sử dụng quyền hạn, phương tiện soi chiếu hiện đại phục vụ cho việc bảo vệ an ninh để làm phương tiện, công cụ phạm pháp. 
Kẻ trộm hành lý ở sân bay “hành nghề” thuận lợi hơn nhiều so với kẻ trộm ở đường phố. Không phải cực khổ rình rập, theo dõi khổ chủ. Không phải đào ngách, bẻ khóa, chui rúc lần mò. Không phải lo nhầm lẫn bỏ công trộm phải món hàng “củ chuối”. 
Họ ngồi trong phòng máy lạnh, có máy móc điện tử soi thấu xem từng món hàng trong túi dù bao bọc kỹ lưỡng đến mấy cũng bị phát hiện, và họ chỉ cần lẩy ngay vào món hàng quý nhất. 
Kẻ trộm ngoài xã hội phải đối phó với nhiều nguy hiểm chết người, thí dụ như kẻ trộm chó nếu không bị chó cắn cũng có nguy cơ bị người dân đánh hội đồng đến chết. 
Ở đây, kẻ trộm ung dung hành sự trong khu vực kín đáo, an toàn mà người ngoài không có quyền lai vãng. Cái khác hơn của tình trạng mất cắp hành lý ở sân bay so với các đạo tặc bình dân đầu đường xó chợ, là họ được sử dụng đặc quyền quản lý khi ăn cắp.
Thấy người liệu có thấy mình?
Thật ra tình trạng này không lạ, vẫn có một số vụ cán bộ kiểm lâm cũng chính là lâm tặc hay bảo kê cho lâm tặc phá rừng. Tình trạng sử dụng chức năng quản lý được giao để thu lợi cá nhân bất chấp hệ quả xấu cho xã hội không phải là cá biệt. 
Ngay trong ngành hàng không, tình trạng phi công, tiếp viên dùng đặc quyền đi buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng trộm cắp cũng không phải là cá biệt. Nói lên điều này không phải để đỡ lời cho ngành hàng không. Hàng không chỉ mới là “nạn nhân” bị lộ. 
Vấn đề là tại sao tình trạng ăn cắp và sử dụng công quyền để ăn cắp, thậm chí còn là cưỡng đoạt đã phổ biến từ lâu rất lâu rồi lại không bị ngăn chặn và ai phải chịu trách nhiệm về tình trạng này? 
Bộ trưởng Thăng đã lý giải rất hay, rất đúng về nguyên nhân của tình trạng này đó là “ai cũng nghĩ là chuyện nhà hàng xóm, không phải nhà mình”. Thật vậy, có những chuyện tham nhũng, hối lộ tại Việt Nam như ở dự án xa lộ Đông Tây, ở dự án đường sắt, người Nhật đã bắt can phạm, đã truy tố ra tòa, báo chí đăng tin ầm ĩ, thế nhưng từ các cơ quan quản lý ngành đến cơ quan pháp luật đều ngơ ngơ ngác ngác với câu hỏi “bằng chứng đâu?”. 
Thậm chí khi cơ quan chức năng của bạn cung cấp hồ sơ tài liệu, cơ quan chức năng chúng ta lại cũng bối rối ngắc ngứ “tài liệu nhiều quá, toàn tiếng Nhật, không có tiền để dịch”. Cứ y như đây là chuyện ta làm giúp cho người Nhật! 
Rất tâm đắc với Bộ trưởng Thăng trong cách nhìn thấu suốt và khái quát đó, nhưng người nghe “lăn tăn” ở vế sau: “Trách nhiệm này là của cả ngành hàng không, từ Cục Hàng không đến các đơn vị”. Sao trách nhiệm này chỉ dừng lại ở Cục Hàng không trở xuống? 
Cục Hàng không đâu phải nằm trong thiên hà hay vũ trụ nào đó xa khơi. Cục có Bộ chủ quản, lẽ nào Bộ chủ quản không có trách nhiệm gì với các sai phạm của Cục?

Đọc thêm