Bên trong một chiếc máy bay ở Sân bay quốc tế Miami, những nhân viên xử lý hành lý như đang đi mua sắm với những chiếc túi của hành khách. Họ không hề hay biết rằng tất cả mọi hành vi của họ đang bị một chiếc camera được giấu kín ghi lại.
Sở Cảnh sát Miami-Dade cho biết họ đã lắp đặt chiếc camera để phục vụ cuộc điều tra đang diễn ra về tình trạng trộm cắp hành lý do các nhân viên sân bay – những người lẽ ra phải đảm bảo cho những chiếc túi được an toàn trên máy bay – thực hiện.
“Đó là một vấn đề mà tất cả chúng tôi đang đối mặt. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện việc điều tra cho đến khi số khiếu nại về tình trạng ăn cắp vặt trên hành lý của hành khách thực sự giảm xuống” – Trung úy cảnh sát Pete Estis cho biết.
Theo hãng tin CNN, tình trạng người của các sân bay đánh cắp đồ của hành khách diễn ra không chỉ ở Miami. Một cuộc khảo sát của hãng tin này về các khiếu nại mất hành lý của hàng khách cho thấy, trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2014, đã có 30.621 khiếu nại của hành khách về việc bị mất các món đồ có giá trị được gửi tới Cơ quan quản lý an toàn vận chuyển của Mỹ (TSA).
Hầu hết các món đồ bị mất đều được bảo quản trong những hành lý đã qua kiểm tra an ninh. Số còn lại xảy ra tại các điểm kiểm tra an ninh. Tổng số tài sản bị mất, theo khai báo của các hành khách lên đến 2,5 triệu USD.
Theo số liệu thống kê của CNN, sân bay quốc tế John F.Kennedy ở New York đứng đầu danh sách các sân bay xảy ra nhiều vụ khiếu nại mất cắp đồ trong hành lý nhất, tiếp sau đó là các sân bay quốc tế Los Angeles, Orlando và Miami.
Vấn đề tại sân bay quốc tế John F.Kennedy nghiêm trọng đến nỗi hồi năm 2013, hãng hàng không El Al Airlines đã phải đặt camera được giấu kín tại khu vực giữ hành lý. Chiếc camera này đã ghi lại được hình ảnh các nhân viên giữ hành lý ăn trộm các vật dụng có giá trị trên các chuyến bay tới Israel, trong đó có chiếc đồng hồ Seiko trị giá đến 5.000 USD, những chiếc iPhones, iPad, camera, nhẫn vàng và cả tiền mặt. 6 trong số những nhân viên bị bắt giữ vì vụ việc này về sau đã bị buộc tội tàng trữ tài sản trộm cắp và tội trộm cắp vặt.
Tuy nhiên, vụ việc chấn động này vẫn không khiến hành vi trộm cắp đồ của hành khách trên các chuyến bay của Mỹ sụt giảm. Năm 2014 đã có thêm 2 nhân viên giữ hành lý tại sân bay quốc tế John F.Kennedy bị bắt giữ sau khi cảnh sát nhận được khiếu nại về việc một hành khách đã mất 2 chiếc túi hàng hiệu trên một chuyến bay.
Tiếp đó, đến tháng 12 năm ngoái, thêm 7 nhân viên giữ đồ tại sân bay quốc tế John F.Kennedy bị truy tố về tội đánh cắp các vật dụng có giá trị từ hành lý đã qua kiểm tra. Các món đồ này bị đánh cắp từ vali của các hành khách tới hoặc đi từ Hawaii, Nhật Bản, Johannesburg, London, Bangkok, Dubai, Milan và nhiều thành phố khác nhau của Mỹ.
Tại Miami, từ năm 2012 cho đến nay cảnh sát đã bắt giữ 31 nhân viên giữ hành lý và bốc đồ, trong đó có 6 người bị bắt trong năm nay. Cảnh sát hồi năm ngoái đã lắp một chiếc camera ở phần thân máy bay và phát hiện những nhân viên giữ đồ bới hành lý của khách để trộm nhiều món đồ khác nhau.
Ông Patrick Gannon – Cảnh sát trưởng ở Sân bay quốc tế Los Angeles – cho rằng, việc trộm cắp hành lý có thể dẫn tới nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn. “Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta không chú ý tới những vấn đề nhỏ xảy ra xung quanh, điều này có thể dẫn tới những vấn đề lớn hơn. Ví dụ, sự liên quan giữa hành vi trộm đồ với chủ nghĩa khủng bố” – ông Gannon cho hay./.